• Zalo

Cuộc đoàn viên đẫm nước mắt của những cựu binh Gạc Ma

Thời sựChủ Nhật, 20/11/2016 15:24:00 +07:00Google News

Sống, chiến đấu ở Trường Sa, những cựu binh Gạc Ma cuối cùng trong cuộc hải chiến Trường Sa 1988 nay có dịp đoàn viên ở Đà Nẵng, để cùng chia sẻ cùng đồng đội đang mang trọng bệnh.

Chiều muộn ngày 19/11, chiếc xe lăn đưa cựu binh Dương Văn Dũng (trú phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) rời giường bệnh đến căn phòng nhỏ ở Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, nơi đồng đội đang ngóng chờ giây phút đoàn viên.

Chiếc xe lăn vừa đến khán phòng, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh của một người đàn ông gầy gò vì phải chịu đựng những cơn đau do chứng bệnh ung thư quái ác.

ong dung 2

 Niềm vui vỡ òa khi đồng đội sau bao năm xa cách lại có cơ hội được đoàn viên.

Cựu binh Dũng là người duy nhất trong số 10 chiến sĩ hải quân quê ở Đà Nẵng tham gia chiến đấu và bị Trung Quốc bắt làm tù binh trong hải chiến Trường Sa 1988.

Trong 64 chiến sỹ tham gia chiến đấu, hy sinh ở Gạc Ma, có 9 người bị phía Trung Quốc bắt giữ, sau 4 năm giam cầm, họ được trả tự do, phục viên trở về với quê hương.

Năm 1991, 9 người lính trở về nhưng mỗi người một quê hương và vì cuộc sống “cơm áo gạo tiền” nên họ ít có cơ hội được đoàn viên.

Rời quân ngũ, cựu binh Dũng đi làm thợ hồ, vợ bươn chải kiếm sống bán rau ở chợ để nuôi 3 người con ăn học. Nhưng rồi, tai ương ập đến gia đình nhỏ khi cậu con trai đầu mất trong tai nạn.

ong dung 3

 Hình ảnh những người lính chiến đấu trong trận hải chiến Trường Sa 1988 chụp chung với nhau sau khi được trao trả tự do, phục viên về quê hương giờ là kỷ vật có trong hành trang của những cựu binh năm xưa.

Vốn được đồng đội đánh giá là người gan dạ, nhanh trí, cựu binh Dũng từng sống chiến đấu dưới mưa bom, lửa đạn của chiến tranh để dồn sức cùng đồng đội bảo vệ đảo để rồi trở về quê hương khi đồng đội ông mãi nằm lại giữa biển khơi.

Cuộc sống khó khăn chồng chất khi hơn 1 năm nay, ông Dũng phải từng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư da đầu đã di căn đến não khiến việc đi lại, ngồi, nằm và nói chuyện gặp khó khăn.

Chi phí cho những lần phẫu thuật, xạ trị khiến kinh tế gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, vay nợ. Câu chuyện của gia đình ông Dũng được truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi tới tai đồng đội, những cựu binh Gạc Ma.

Nhiều cựu binh khi nghe đồng đội đang chiến đấu với căn bệnh quái ác và ước nguyện cuối đời là được gặp lại những đồng đội đã cùng vào sinh ra tử với mình ở chiến trường xưa, họ đã tạm gác công việc đồng áng lặn lội từ Hà Nam, Nam Định, Quảng Bình… vào tận bệnh viện để đoàn viên.

“Được gặp lại đồng đội, mình vui lắm không ngờ những ngày cuối của cuộc đời lại được đồng đội siết chặt tay”, cựu binh Dũng giọng ngắt quãng.

Không giấu niềm xúc động khi chứng kiến cảnh một người lính kiên cường trong lao ngục, chiến tranh giờ phải ngồi xe lăn, nằm trên giường bệnh, cựu binh Trương Văn Hiền (quê tỉnh Đắk Lắk) đưa tay gạt những giọt nước mắt trên khuôn mặt.

"Dũng là ân nhân cứu mạng tôi trong trận chiến Gạc Ma. Khi tôi đang chới với dưới dòng nước lạnh thì Dũng đẩy về phía tôi một miếng ván gỗ”, ông Hiền bật khóc.

ong Dung

 Xen lẫn niềm vui được gặp đồng đội là nỗi  buồn về căn bệnh quái ác mà ông Dũng đang mang theo trong người.

Được đồng đội mặc lên người chiếc áo lính hải quân, ông Dũng từ trên xe lăn nhờ bạn trợ giúp, gượng hết sức đứng dậy, cùng 6 người bạn đưa tay chào (một nghi thức thể hiện sự uy nghiêm của người lính). Những bức ảnh chụp chung khi những người lính được trả tự do trở về quê hương là những kỷ vật được các cựu binh truyền tay nhau như nhắc nhớ kỉ niệm một thời hào hùng.

Có mặt trong buổi đoàn viên của lính đảo Gạc Ma, ông Đặng Công Ngữ (nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa) cũng không giấu được xúc động, ông chia sẻ: “Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt của Việt Nam. Chính các anh ấy là những người đã góp phần làm nên lịch sử, tất cả chúng ta luôn tri ân những người lính đã cầm súng, chiến đáu để bảo vệ Gạc Ma”.

Thông qua các kênh kết nối, chia sẻ của nhiều nhà báo ở Đà Nẵng khi hay tin người lính Gạc Ma Dương Văn Dũng bệnh nặng, nhiều nhà hảo tâm đã đồng hành với hoàn cảnh của gia đình cựu binh này.

Video: Tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma: Nước mắt không ngừng rơi.

Đắc Đức
Bình luận
vtcnews.vn