Những lá trà trong kỷ nguyên số đã và đang hiện thực hóa giấc mơ của ngành chè Thái.
Kinh tế khởi sắc từ những đồi chè
Nằm trong top 3 ngành kinh tế đứng đầu tỉnh Thái Nguyên, sẽ không quá khi nói cây chè là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân xứ này.
Năm 2018, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 21.500 ha chè. Mục tiêu đến năm 2020, con số trên sẽ lên tới 22.000 ha. Nhưng chỉ trong vòng nửa năm sau đó, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Dự ước sản lượng chè thu hoạch tính đến hết tháng 6/2019 là 99,3 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ.
Hiện tại, sản phẩm chè Thái đã có mặt trên toàn quốc và hơn 60 quốc gia trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Thái Nguyên đã xuất khẩu khoảng 1 nghìn tấn chè với giá trị khoảng 1,7 triệu USD, tăng 70% so cùng kỳ. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để thương hiệu chè Thái Nguyên nói riêng và ngành chè Việt Nam nói chung chứng tỏ mình và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Không ít lần sản phẩm chè Thái Nguyên ghi điểm trong mắt bạn bè thế giới. Năm 2016, sản phẩm trà Tôm nõn của Công ty Cổ phần Chè Hà Thái đã đạt giải Bạc cuộc thi Trà Vàng tại Bắc Mỹ Canada do Hiệp hội chè Hoa Kỳ tổ chức. Năm tiếp theo, sản phẩm trà Vương Phẩm của Công ty Cổ phần Chè Tân Cương Hoàng Bình cũng lên ngôi với giải Đặc biệt ở đấu trường này.
Trung tuần tháng 11/2017, bộ đôi sản phẩm Đinh Tâm Trà và Tuyết Hương Trà vinh dự được chọn làm quà tặng của nước chủ nhà Việt Nam gửi đến các nguyên thủ, chính khách và thương gia thuộc các nước tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC.
Bên cạnh những thành tựu mang tầm quốc tế, ngành chè Thái Nguyên còn mang lại nguồn lợi nhuận to lớn cho những người trồng chè. Tùy theo diện tích đất sở hữu, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm mà mức thu nhập của mỗi cá nhân khác nhau. Theo ước tính, thu nhập bình quân trên địa bàn thành phố của một người trồng chè đạt 250 triệu đồng/ha. Riêng vùng chè Tân Cương, mức thu nhập dao động trong khoảng 600-800 triệu đồng/ha.
Hành trình gìn giữ thương hiệu và bước đột phá trong thời đại “công nghệ 4.0”
Trước đây, phần lớn các sản phẩm chè Thái Nguyên được chế biến tại hộ gia đình với quy mô nhỏ lẻ và mang tính thủ công khiến cho sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Nhận thức được điều đó, những năm gần đây, nhiều hộ dân trong tỉnh đã liên kết lại với nhau để hình thành các hợp tác xã (HTX) làm chè sạch. Khi cùng tham gia vào một tổ chức, người dân được cung cấp các dịch vụ đầu vào, khoa học kỹ thuật và hỗ trợ đầu ra, dễ dàng hơn trong việc kêu gọi đầu tư sản xuất công nghệ cao. Tính đến thời điểm hiện tại, Thái Nguyên đã có trên 40 hợp tác xã chuyên sản xuất kinh doanh chè.
Các hợp tác xã đã tăng cường nâng cấp nhà xưởng và mua sắm các máy móc thiết bị công nghệ hiện đại nhằm phục vụ cho quy trình sản xuất và chế biến chè được đảm bảo an toàn và chất lượng, có thể kể đến những tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng như máy tưới nhỏ giọt tự động, máy flycam phun dinh dưỡng, máy hút sâu bọ, máy phân tích dinh dưỡng trên vườn chè…trong sản xuất chè hay máy sấy lạnh, máy đóng gói băng chuyền tiên tiến, máy phân tích dinh dưỡng và khoáng chất… trong chế biến.
Các hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu như hơp HTX Chè Tân Hương. Đến nay, 100% thành viên trong HTX đều sử dụng các loại máy chế biến chè bằng tôn inox. HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) với 2 xưởng sản xuất được đầu tư đầy đủ các loại máy như máy sao chè tươi, máy sao chè khô, máy vò chè, máy hút chân không, ...
Cuộc chuyển mình của lá trà khiến Thái Nguyên dành được nhiều cơ hội hợp tác với các khách hàng lớn.Tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2018, trong 17 dự án nông nghiệp trên tổng số 65 dự án trên các lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư thì có 4 dự án SX chè công nghệ cao với tổng quy mô 860 ha tại các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và TP Thái Nguyên.
Thiên thời, địa lợi đã ban tặng cho chè Thái Nguyên vị ngon hiếm có, nay được kết hợp cùng công nghệ hiện đại trong các mô hình sản xuất chè. Đây là bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành chè Thái, là kết quả của sự nỗ lực và kiên trì của toàn tỉnh, toàn dân.
Với những gì ngành sản xuất chè tỉnh Thái Nguyên đã và đang làm được, cơ hội đưa lá trà Việt Nam vươn ra khắp năm châu bốn bể ngày càng lớn. Nền kinh tế Thái Nguyên cũng được đặt nền móng vững chắc hơn cho những bước phát triển lâu dài sau này.
Bình luận