• Zalo

Cuộc 'chọi cờ' quyết liệt ở Hiền Lương - Bến Hải

Thời sựThứ Ba, 28/04/2015 08:26:00 +07:00 Google News

Trong chiến tranh, sống chết trong gang tấc nhưng phải bằng mọi giá để cờ Tổ quốc tung bay bên bờ Hiền Lương.

Trong chiến tranh, sống chết trong gang tấc nhưng phải bằng mọi giá để cờ Tổ quốc tung bay bên bờ Hiền Lương.

Cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị trong chiến tranh là ranh giới chia cắt đất nước Việt Nam. Lúc bấy giờ, đồng bào miền Nam luôn dõi theo hình ảnh lá cờ Tổ quốc và hệ thống loa truyền thanh ở bờ Bắc sông Bến Hải.

Để cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trên kỳ đài Hiền Lương, loa truyền thanh vang xa hơn phía bên bờ Nam, quân và dân lũy thép anh hùng không tiếc máu xương, ngày đêm vượt qua bom đạn bảo vệ an toàn giới tuyến với khát vọng thống nhất non sông.
Cầu Hiền Lương được sơn hai màu để ghi nhớ những ngày lịch sử 

Người có công giữ cho lá cờ Tổ quốc mãi tung bay trên kỳ đài Hiền Lương trong hơn 20 năm đất nước chia cắt là ông Nguyễn Đức Lãng. Ngày ông Nguyễn Đức Lãng vừa tròn 20 tuổi đã vinh dự được giao nhiệm vụ ra may cờ treo ở phía Bắc cầu Hiền Lương. Bây giờ, ông Lãng đã qua tuổi 80 vẫn luôn nâng niu, gìn giữ lá cờ Tổ quốc như kỷ vật thiêng trong cuộc đời  mình.

Trong chiến tranh, ròng rã nhiều năm liền, mỗi tháng 5 lần, ông Lãng đạp xe, vượt cả nghìn cây số từ Đặc khu Vĩnh Linh ra tận thủ đô Hà Nội nhận vải về may cờ.

Dưới mưa bom bão đạn, ông cùng bà con đào hầm, đêm ngồi may cờ sáng mai đem ra treo ở Kỳ đài Hiền Lương. Có lần, trên đường đưa cờ từ thị trấn Hồ Xá về cầu Hiền Lương, gặp máy bay Mỹ thả bom, ông quẳng xe đạp nhảy xuống ruộng ẩn nấp. Ông Lãng nói rằng, trong chiến tranh, sống chết trong gang tấc nhưng phải bằng mọi giá để cờ Tổ quốc tung bay bên bờ Hiền Lương.

Đôi bờ Hiền Lương những ngày đất nước chia cắt (ảnh Tư liệu) 

Năm 1969, nghe tin Bác mất, ông được giao nhiệm vụ ngay trong đêm phải may một lá cờ mới kèm theo dải băng đen làm cờ rủ để tang Bác Hồ. Ngồi trong hầm xỏ khâu từng đường kim sợi chỉ mà nước mắt ông tuôn trào: “Tất cả anh em cán bộ chiến sỹ đồn Hiền Lương khi cầm dải băng tang để thắt lên làm thành lá cờ rủ để tang Bác, tất cả chúng tôi đều khóc. Điều mất mát lớn nhất của anh em chúng tôi là chưa được đón Bác qua cầu Hiền Lương để về Nam”.

Ban đầu, cột cờ của ta bên bờ Bắc là cây phi lao cao 12 mét, phía bên bờ Nam chính quyền Sài Gòn cho cắm cờ trên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15 mét. Cờ ta không thể thấp hơn cờ địch, quân và dân giới tuyến lên rừng tìm được cây cao 18 mét về làm cột cờ. Phía bờ Nam lại cho dựng một cột cờ bằng bê tông, cốt thép cao 25 mét.

Từ đây cuộc “chọi cờ” giữa 2 bên diễn ra quyết liệt, nhiều năm liền. Cứ mỗi lần bên bờ Nam làm cột cờ mới, phía bờ Bắc lại làm cột cờ cao hơn.
Ngày hội thống nhất non sông 

Cột cờ đứng vững, lá cờ Tổ quốc tung bay trên kỳ đài Hiền Lương không chỉ là niềm kiêu hãnh của dân tộc mà còn là niềm tin của đồng bào mong đợi ngày đất nước thống nhất. Cờ vừa treo lên, địch bắn rách, ông Lãng lại may cờ mới. Địch đánh gãy cột cờ, thì người dân ở đây chặt cây phi lao khác cao hơn dựng lên. Những năm tháng đó, bao tấm lòng, bao trái tim người dân Vĩnh Linh như Mẹ Diệm, mẹ Viễn đêm đêm miệt mài vá cờ, bám trụ xây đắp lũy thép anh hùng. Bây giờ, mẹ Diệm đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ nhưng hình ảnh “người mẹ may cờ Hiền Lương” ngày nào vẫn vẹn nguyên trong ký ức người dân bên bờ giới tuyến.

Ông Nguyễn Công Cầu, người dân thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị kể: “Ngày nào nó cũng phá. Hắn phá quá nhiều cho nên không có cờ mà thay nữa thì bà Diệm thực hiện nhiệm vụ vá cờ. Từ khi cờ to rồi vá lại cờ nhỏ. Thường xuyên vá lại trong 2 năm 1967 và 1968, cờ Tổ quốc không có lúc nào là không có ở cột cờ. Đặc biệt, có những đêm vá đến 12 giờ đêm chưa ngủ. Anh em động viên bà, bà cũng nhiệt tình lắm”.
Lễ thượng cờ 

Hơn 20 năm, sông Bến Hải là nơi chia cắt đất nước Việt Nam. Và chiếc cầu Hiền Lương đã đi vào lịch sử cùng nhiều câu chuyện cảm động đau thương mà hùng tráng. Hết “chọi cờ”, “chọi loa” đến “đấu màu sơn cầu”. Bên ta tiến hành sơn nửa cầu Hiền Lương màu đỏ, bên kia lại sơn màu xanh. Với ý nguyện thống nhất non sông ta lại sơn thêm lớp thứ hai màu xanh để cây cầu đồng một màu, phía bờ Nam lại cho sơn màu vàng. Cũng từ đó, cầu Hiền Lương chỉ có bảy nhịp mà phải mang trên mình hai màu sơn. Thời kỳ đó, ta xây dựng hệ thống loa phóng thanh, phân bố thành 5 cụm suốt 1.500 mét dọc bờ Bắc sông Bến Hải để cổ vũ nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc. Phía bên kia cũng đặt một giàn loa công suất lớn tiến sát bờ Nam. Ta tăng cường một chiếc loa có đường kính 1,7 mét, công suất 500 oát át luôn tiếng loa của địch. Mỹ điên cuồng ném bom hủy diệt.
Các cựu chiến binh về thăm lại cầu Hiền Lương 

Ông Đinh Văn Quang, nguyên đội Trưởng Đội dân quân tự vệ Hiền Lương không nhớ rõ bao lần mình thoát chết vì bom đạn khi tham gia bảo vệ cột cờ và loa tuyến Hiền Lương: “Lúc đó, địch thả bom toàn bom tấn, bom tạ. Cả thôn này không còn một bóng cây nào hết, không còn một ngôi nhà. Hai bên cũng thi nhau xây dựng cờ, họ làm cờ cao 10 mét, mình làm 15 mét, họ làm 15 mét thì mình nâng lên 20 mét. Rồi loa đài, họ tuyên truyên truyền tầm bậy, thì mình cũng có loa để nói rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đấu tranh thống nhất Bắc – Nam”.

Những ngày tháng Tư lịch sử này, hàng triệu đồng bào ta từ mọi miền đất nước lại hội tụ bên dòng sông Bến Hải dự lễ thượng cờ, mừng hội Thống nhất non sông. Ngày hội nhắc nhớ một thời bi tráng mà hào hùng, để hôm nay cả dân tộc chung sức, đồng lòng tô đẹp non sông Việt Nam.

Video trailer phim tài liệu chiến tranh VN - sự phản bội của truyền thông Mỹ
 

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn