"7 container rác thải đã rời cảng Indonesia ngày 29/7 và một số quan chức đã có mặt để chứng kiến tàu khởi hành", Susia Brata, đại diện giới chức đảo Batam của Indonesia ngày 30/7 cho hay.
Đây là số rác thải Indonesia sẽ gửi trả cho Pháp và Hong Kong (Trung Quốc). Giới chức Indonesia xác định những container này chủ yếu là rác nhựa và một số chất thải cấm nhập khẩu vào nước này.
Ngoài số rác trên, Indonesia vẫn còn 42 container rác tại các cảng đang chờ gửi trả lại Mỹ, Australia và Đức.
Đây là hành động mới nhất của quốc gia Đông Nam Á trong cuộc chiến quét sạch rác thải trả về "quê hương" - các nước phát triển.
Sau khi Trung Quốc quyết định cấm nhập khẩu rác thải nhựa từ tháng 1/2018, bờ biển các nước Đông Nam Á trở thành "điểm đến" hàng đầu thế giới của rác nhập khẩu. Thực trạng này dẫn tới nguy cơ hủy hoại môi trường sống lâu dài của người dân buộc chính phủ các nước phải có động thái mạnh tay,
Cuộc chiến rác thải bắt đầu với hành động quyết liệt từ Philippines. Manila không ngại lao vào cuộc khẩu chiến buộc Canada phải bỏ tiền để chở 103 container rác thải về nước.
103 container chứa rác rác thải sinh hoạt, bao gồm túi, chai nhựa, giấy báo, tã đã sử dụng chở từ Canada đến Philippines từ năm 2013 – 2014. Giới chức Philippines khẳng định một công ty tư nhân Canada khai man rằng đây là số rác thải có thể tái chế trong khi Ottawa nói rằng 2.400 tấn rác này là giao dịch thương mại tư nhân, không có sự đồng thuận của chính phủ.
Khi Canada không có dấu hiệu hợp tác, Tổng thống Duterte dọa sẽ buộc các tàu chở container rác trở về Canada và đổ một ít rác trước đại sứ quán của Canada ở Manila, đồng thời đặt ra hạn chót là ngày 15/5 cho Ottawa.
Trước sức ép từ Philippines, tới ngày 30/5, 69 container rác được chất lên một con tàu ở cảng Subic thuộc phía Tây Bắc của Manila, bắt đầu hành trình 1 tháng trở về Vancouver, Canada.
Nối gót Philippines, Malaysia tuyên bố đang trả lại rác nhựa không tái chế cho các nước phát triển.
Hôm 21/5, Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin cho biết Kuala Lumpur trả lại 5 container rác nhựa nhập lậu cho Tây Ban Nha và sẽ gửi trở lại thêm nhiều tấn rác về "nơi sản xuất" trong các tuần kế đó.
"“Malaysia sẽ ngừng trở thành bãi rác của các nước phát triển và những ai phá hoại hệ sinh thái của chúng tôi bằng các hoạt động trái phép này đều là những kẻ phản bội. Chúng tôi sẽ đấu tranh. Mặc dù chúng tôi là nước nhỏ, chúng tôi sẽ không để bị bắt nạt”, bà Yeo nhấn mạnh.
Sau 5 container, Kuala Lumpur đang lên kế hoạch gửi trả 450 tấn rác thải trong 9 container rác về nguồn xuất của nó bao gồm Mỹ, Anh, Singapore, Hà Lan, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Ả rập Xê út và Bangladesh.
Theo báo cáo của tổ chức Greenpeace tháng 11/2018, Malaysia là “bãi rác” mới tiếp nhận rác thải nhựa từ hơn 19 quốc gia. Số rác mà nước này tiếp nhận chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018 đã lên tới 754.000 tấn rác.
Tiếp bước những người láng giềng, tới giữa tháng 7, Campuchia tuyên bố sẽ gửi trả 1.600 tấn rác thải nhựa nhập khẩu bất hợp pháp chất trong 83 container tại cảng biển phía Tây Nam nước này về "quê nhà" của chúng là Mỹ và Canada.
Tuyên bố này được đưa ra không lâu sau khi giới chức Campuchia phát hiện số lương lớn rác thải nhựa nhập lập trái phép tại cảng Sihanoukville, cách thủ đô Phnom Penh 230 km về phía Tây Nam.
Trước khi thông báo gửi trả hàng chục container rác thải cho các nền kinh tế phát triển, quốc gia vạn đảo gửi thông báo tới 15 nước xuất khẩu rác chính sang Indonesia về các quy định mới, buộc các nhà xuất khẩu rác thải phải có đăng ký và khẳng định Indonesia sẽ tăng cường kiểm tra hải quan tại khu vực biên giới, áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những đối tượng vi phạm.
Sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa, lượng rác thải nhập khẩu vào Indonesia trong năm 2018 tăng tới 141% lên 283.000 tấn.
Theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới, mỗi năm có khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất. Phần lớn trong số này được vùi lấp trong đất hoặc trôi dạt dưới biển gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Bình luận