Cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ đi đến đâu?

Tư liệuThứ Năm, 21/04/2022 12:21:00 +07:00
(VTC News) -

Tương lai kinh tế Ukraine và Nga vẫn còn rất mơ hồ trong bối cảnh cục diện chiến sự chưa rõ ràng, các vòng đàm phán tiếp tục rơi vào bế tắc.

Cuộc giao tranh của Nga và Ukraine bước sang tuần thứ 8. Nhưng cục diện chiến sự vẫn còn rất mịt mờ. Hai bên duy trì chiến lược vừa đánh, vừa đàm và vẫn chưa thể đi tới thống nhất về một giải pháp hòa bình. 

Khi chiến sự tiếp diễn, thiệt hại của hai bên vẫn tăng lên theo từng ngày.

Kinh tế sụt giảm

Trong bài phát biểu trước Duma Quốc gia Nga tuần trước, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thừa nhận nước này đang phải đối mặt với tình hình khó khăn nhất trong 30 năm qua do các lệnh từng phạt chưa từng có của phương Tây. 

"Không còn nghi ngờ gì nữa, tình hình hiện tại có thể được coi là khó khăn nhất trong 30 năm qua đối với Nga. Những biện pháp trừng phạt như vậy đã không được sử dụng ngay cả trong thời kỳ đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh", ông Mishustin cho hay. 

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và các quốc gia đồng minh áp đặt loạt cấm vận đối với Moskva với 3 mũi chính.

Mũi trừng phạt đầu tiên là loại Nga khỏi các hệ thống quốc tế mà điển hình là việc chặn kết nối của một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng phong tỏa hơn một nửa trong số 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga khiến Moskva có ít nơi an toàn để biến nguồn thu từ dầu và khí đốt thành đô la và rúp. 

Cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ đi đến đâu? - 1

Loạt cấm vận của phương Tây khiến kinh tế Nga lao dốc. (Ảnh: Reuters)

Mũi trừng phạt thứ hai là cắt quan hệ với một số doanh nghiệp và ngành công nghiệp của Nga. 

Hồi tháng 3, Mỹ tuyên bố cấm mọi hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga vào Mỹ. Động thái này ảnh hưởng đến nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than của Nga. Vài ngày sau, Mỹ cũng cấm nhập khẩu thủy sản, rượu vodka và kim cương của Nga. 

Nối gót Mỹ, Anh tuyên bố từ giờ tới cuối năm sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu từ Nga. Đức trong khi đó khẳng định nước này sẽ cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ xứ Bạch Dương. 

Các mặt hàng xuất khẩu cao cấp sang Nga, bao gồm đồng hồ, ô tô và rượu cao cấp cũng nằm trong danh sách cấm của Mỹ và các đồng minh châu Âu. Nhà Trắng ước tính các mặt hàng xuất khẩu này có thể mang về cho Nga 550 triệu USD/năm. Đây là hướng trừng phạt thứ hai.

Hướng trừng phạt thứ ba là nhắm vào giới tinh hoa của Nga thông qua các biện pháp trừng phạt cá nhân. Phương Tây đưa hàng loạt các tài phiệt, tỷ phú được cho là có quan hệ mật thiết với Tổng thống Putin vào danh sách trừng phạt. 

Mỹ, Anh, EU và Canada đóng băng tài sản của các tỷ phú Nga, cấm họ tiến hành các hoạt động kinh doanh tại nước mình. Một số nghị sỹ Mỹ gần đây kêu gọi thông qua luật cho phép chính phủ liên bang tịch thu tài sản trị giá trên 5 triệu USD của giới tài phiệt Nga, như bất động sản và du thuyền. 

Biện pháp này được một loạt các nước Đức, Italia, Pháp áp dụng với việc tịch thu hàng loạt các siêu thuyền đắt giá của giới tài phiệt Nga.  

Sau hàng loạt các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ này, giá trị đồng rúp của Nga sụt giảm mạnh. 

Có thời điểm, tỷ giá hối đoái của rúp so với đô la bật lên mức 136,5 đổi 1. Tỷ giá này trước khi Nga tiến hành chiến dịch ở Ukraine là 80 rúp đổi 1 USD.

Tuy nhiên, sau một loạt các biện pháp điều chỉnh của Ngân hàng Trung ương Nga, đồng rúp đã bắt đầu phục hồi. Các hỗn loạn trên thị trường cũng dần lắng xuống. Bất chấp loạt lệnh trừng phạt gắt gao, nguồn thu của Nga từ khí đốt và dầu mỏ vẫn chưa bị hạn chế đáng kể. 

Mặc dù vậy, Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn dự báo kinh tế Nga trong năm 2022 sẽ giảm 11% trong năm nay. 

Trong khi đó, WB ước tính kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự.

"Kinh tế Ukraine được dự báo giảm khoảng 45,1% trong năm nay. Mức độ suy giảm thực tế sẽ phụ thuộc vào tình hình chiến sự kéo dài bao lâu và khốc liệt đến mức nào", WB viết trong báo cáo ngày 10/4. 

Cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ đi đến đâu? - 2

Tòa nhà chung cư bị phá hủy ở thành phố cảng phía nam Mariupol, Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Truyền thông Ukraine hồi đầu tháng 4 dẫn số liệu của Bộ Kinh tế Ukraine cho biết tổng thiệt hại trực tiếp đối với Kiev đến nay do cuộc xung đột với Nga lên tới 565 tỷ USD.

"Theo ước tính mới nhất của chúng tôi, thiệt hại trực tiếp hiện lên tới 565 tỷ USD, trong đó có 119 tỷ USD về cơ sở hạ tầng và 91 tỷ USD tổn thất về cơ sở vật chất dân sự. Do xung đột, Ukraine đã mất 54 tỷ USD vốn đầu tư", Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Ihor Diadiura cho hay. 

Theo tính toán của Bộ Kinh tế Ukraine, thiệt hại trong năm nay đối với GDP của nước này sẽ lên tới ít nhất 112 tỷ USD, giảm hơn 55% so với năm ngoái. 

Chính phủ Ukraine nhiều khả năng cũng sẽ mất đi 48 tỷ USD doanh thu từ thuế hoặc gần như tất cả những gì họ mong đợi sẽ thu được trong năm nay. Trong khi đó, 54 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã không thể đến được Ukraine từ khi xung đột với Nga nổ ra. 

“Cần lưu ý rằng các con số đều thay đổi từng ngày và thật không may là chúng đang tăng", Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, bà Yulia Svyrydenko thừa nhận. 

Trong tuyên bố hôm 18/4, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksander Kubrakov cho biết chiến dịch đặc biệt của Nga đã làm hư hỏng hay phá hủy 30% cơ sở hạ tầng của Ukraine với thiệt hại lên đến 100 tỷ USD.

Theo đó, hơn 300 cây cầu trên các tuyến đường ở Ukraine bị phá hủy hoặc hư hại, hơn 8.000km đường bộ cần phải được sửa chữa hoặc tái xây dựng, hàng chục cây cầu đường sắt bị tàn phá. 

Ông Kubrakov hy vọng các nước phương Tây sẽ hỗ trợ công cuộc tái xây dựng của Ukraine với kinh phí có thể được lấy từ nhiều nguồn và nguồn đầu tiên là những tài sản của Nga đang bị đóng băng ở gần như tất cả các nước lớn.

Nhiều chính trị gia EU hiện kêu gọi khối này sử dụng các tài sản của Nga bị phương Tây đóng băng, trong đó có 300 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga để hỗ trợ việc tái xây dựng Ukraine. 

Khi nào chấm dứt chiến tranh?

Các chuyên gia đánh giá tương lai kinh tế của cả Ukraine và Nga vẫn còn rất mơ hồ trong bối cảnh thời điểm kết thúc xung đột Nga-Ukraine hiện vẫn là một dấu chấm hỏi. Chưa kể Nga mới đây tuyên bố bắt đầu giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. 

Nếu chiến sự tiếp diễn, hệ thống hạ tầng ở Ukraine sẽ phải chịu thêm các thiệt hại trong khi kinh tế Nga nhiều khả năng sẽ lún vào suy thoái do phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt vốn đã rất khắc nghiệt. 

Cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ đi đến đâu? - 3

Trận chiến ở Donbass có thể mang tính quyết định cục diện chiến sự. (Ảnh: Getty Images)

Cả hai bên gần đây đều hạ thấp triển vọng về một thỏa thuận hòa bình. Tổng thống Putin hôm 12/4 cho biết cuộc đàm phán giữa 2 bên một lần nữa đi vào ngõ cụt trong khi người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky thậm chí còn dọa hủy mọi cuộc thương thảo với Moskva. 

Trong những tuần gần đây, các yêu cầu của Nga trên các bàn đàm phán dường như đã có sự dịch chuyển. Moskva không còn nhắc quá nhiều tới khả năng Ukraine gia nhập NATO hay Kiev để nước ngoài triển khai căn cứ quân sự hoặc hệ thống vũ khí. Ưu tiên của Nga giờ đây tập trung vào tình trạng phi hạt nhân và trung lập của Ukraine. 

Các chuyên gia đánh giá, các mục tiêu hiện tại của Nga ở Ukraine là kiểm soát thành phố Mariupol, mở rộng các nước cộng hòa tự xưng ở khu vực Donbass tới những giới hạn biên giới hành chính của họ, duy trì hiện diện quân sự lâu dài ở Kherson để đảm bảo có đủ nguồn cung nước ngọt cho Crimea, bảo vệ cây cầu nối các khu vực lãnh thổ do lực lượng ly khai kiểm soát ở Donbass với bán đảo Crimea theo đường bờ biển Azov và vùng Kherson. Đây là các điều kiện cần và đủ để Nga tuyên bố chiến thắng và chấm dứt chiến dịch. 

Về phần mình, Ukraine muốn quay lại tình trạng như trước chiến tranh, đồng nghĩa quân đội Nga sẽ rút khỏi các vị trí. Đặc biệt, Kiev muốn Nga rút quân khỏi các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass mà Moscow đã công nhận độc lập. Đổi lại, nước này có vẻ chấp nhận nhượng bộ về việc gia nhập NATO và sẵn sàng đàm phán về tình trạng trung lập với các bên đảm bảo nước ngoài, trong đó có Nga. 

Hôm 19/4, Nga tuyên bố chiến dịch quân sự tại Ukraine đã bước vào giai đoạn mới với mục tiêu là giải phóng Donetsk và Lugansk, hai vùng lãnh thổ ly khai tại Donbass.

"Một giai đoạn mới của chiến dịch (ở miền Đông Ukraine) đã bắt đầu và tôi chắc chắn đây sẽ là thời điểm rất quan trọng của toàn bộ chiến dịch quân sự đặc biệt này", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định. 

Tổng thống Zelensky cũng ngày xác nhận các binh sĩ Nga đã bắt đầu trận chiến ở Donbas, đồng thời khẳng định Ukraine sẽ kháng cự và tự vệ. 

Các chuyên gia nhận định những gì diễn ra tại Donbass những ngày tới sẽ quyết định tới cục diện cuộc chiến hiện tại. Không loại trừ khả năng đây sẽ là trận đánh ác liệt nhất kể từ khi Nga phát động quân sự tại Ukraine. 

Song Hy(Tông hợp)
Bình luận
vtcnews.vn