• Zalo

Cuộc chiến Nga - Mỹ xoay quanh 'lái buôn thần chết'

Thế giới Thứ Sáu, 25/11/2011 11:22:00 +07:00Google News

Viện Duma quốc gia Nga cũng cho rằng phiên tòa xử Viktor Bout mang màu chính trị, một "trò tuyên truyền tiêu biểu của Mỹ".

Bắt giữ vào ngày 6/3/2008 tại Bangkok, sau những nỗ lực không mệt mỏi, người Mỹ đã dẫn độ được Bout về xét xử. Phiên tòa được bắt đầu từ 12/10/2011 và dự kiến kết thúc vào 8/2/2012, tuy nhiên diễn biến phức tạp xung quanh vụ xử nóng tới mức nhiều nguồn tin cho hay, vụ "lái súng" Bout có thể được đặt lên bàn nghị sự trong cuộc họp cấp cao APEC cuối tháng 11 này.

Doanh nhân Nga có tên Viktor Bout, kẻ khét tiếng trong giới vận chuyển hàng hóa đường hàng không trên khắp toàn cầu đang bị Tòa án Manhattan xét xử. Trong gần 20 năm qua, "người vận chuyển" Bout đã phục vụ mọi khách hàng, từ Cơ quan Cứu trợ thiên tai của Liên Hiệp Quốc ở Sri Lanka sau thảm họa sóng thần năm 2004, từ chính quyền Mỹ ở Iraq năm 2003, hay cả đến Taliban ở Afghanistan...

Song đáng nói là, thứ hàng hóa mà Bout thường xuyên lưu thông trên khắp các châu lục chính là thứ hàng đặc biệt - vũ khí. Bởi thế, người được coi là ông trùm buôn lậu "hàng nóng" số 1 thế giới này là đối tượng săn lùng  gắt gao của an ninh Mỹ trong suốt những năm qua.

Tay lái súng bị điểm mặt

Có thể khẳng định ngay rằng, báo giới đã "đánh hơi" ra những thương vụ mờ ám, đen tối của Viktor Bout từ rất sớm. Ngay từ tháng 8/1995, Hãng AFP của Pháp đã có đăng bài về chiếc máy bay Aerostan thuộc Công ty Transavia Export Cargo bị một máy bay chiến đấu của Taliban bắt phải hạ cánh ở Kandahar, Afghanistan với  hàng tấn súng AK-47 được chở trên máy bay.
 
 Nam tài tử gạo cội Nicholas Cade đóng vai chính trong bộ phim "Lord of war" (Trùm chiến tranh) dựa theo cuộc đời của người mang danh "lái buôn thần chết" 
Tất nhiên sau này người ta lưu tâm và biết ông chủ Transavia Export Cargo có tên Viktor Bout. Hai năm sau, tờ Kinh doanh ngày nay ở châu Phi lại đưa tin Công ty Air Cess của Viktor Bout mở một văn phòng ở Swaziland. Tháng 3/1999, tờ Người quan sát của Anh lại thông tin, một phi công người Anh thường xuyên chở thuê vũ khí lậu tới Sudan cho một "cựu sĩ quan KGB" mang tên Viktor Bout.

Dấu mốc được ghi nhận bắt đầu từ mùa hè năm 1999. Khi đó Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) phải đối phó với một loạt vụ xung đột phức tạp tại Tây và Trung Phi, đã quyết định thực hiện chiến dịch theo dõi một số chính phủ lẫn những thủ lĩnh du kích tại các điểm nóng đó. Cái tên Viktor Bout bắt đầu được chú ý. Cùng với những bức ảnh được CIA bí mật chụp từ nhiều khu rừng châu Phi trong thời gian từ 1996-1999, người ta thấy "hàng nóng" đã được dỡ xuống từ các máy bay vận tải nhỏ do Nga sản xuất.

Tung tích Bout từ thập niên 90 đã bị lần ra khi các nhà điều tra phát hiện Bout là người chỉ huy các chuyến không vận đưa súng trường, đạn dược và đại liên trực thăng đến giao cho khách hàng rồi chở đi kim cương. Ngay khi đó, Chánh văn phòng đặc trách chống khủng bố của NSA, Richard C. Clarke, đề nghị tổ chức bắt đối tượng Bout. Song, do Bout hoạt động ngoài phạm vi nước Mỹ nên ý kiến đó bị khước từ.

Các báo cáo về Viktor Bout sau đó được gửi ngay cho mạng lưới an ninh khắp các châu lục. Tháng 1/2000, Viktor Bout chính thức bị Interpol điểm mặt và đích thân Ngoại trưởng Anh bấy giờ là Peter Hain khẳng định, Bout là 1 trong 3 ông trùm chuyên cung cấp vũ khí cho phiến quân Unita ở Angola bất chấp lệnh cấm vận của LHQ. Cũng năm 2000, Bỉ ra lệnh truy nã Bout không phải tội buôn lậu vũ khí mà là rửa tiền và buôn lậu kim cương. Tuy nhiên, Viktor Bout vẫn vi vu ngoài vòng pháp luật.

Gần một năm sau, báo cáo của LHQ về vấn đề Angola cũng có nhắc đến hoạt động buôn bán vũ khí trong đó tên của Viktor Bout được nói đến nhiều nhất. Cũng từ những manh mối này, tình báo Mỹ nhảy vào cuộc với các thông tin điều tra khác nhau về Viktor Bout. Họ phát hiện ra Bout đã mở một công ty chuyên cung cấp vũ khí ở Afghanistan mang tên Flying Dolphin cùng mạng lưới vận chuyển "hàng nóng" rất nguy hiểm trên quy mô toàn cầu.

Chân dung "lái buôn thần chết"

Sinh ngày 13/1/1967 tại Dushanbe (Tajikistan), ngay từ nhỏ Viktor Bout đã mê văn học cổ điển Nga. Hết phổ thông, Bout vào học tại Học viện Quân sự Xôviết khoa Ngôn ngữ nước ngoài và sau đó tiếp tục theo học khóa huấn luyện biệt kích của Không quân Nga. Có chỉ số IQ cao (170) và nói thông thạo 6 ngoại ngữ, tốt nghiệp Học viện Quân sự Xôviết, Viktor Bout đầu quân cho một sư đoàn không vận Nga cho đến năm 1991. Thời gian tại ngũ này, Bout từng là thông dịch viên cho quân đội Nga tại Angola. Nhưng chẳng bao lâu sau, căn cứ quân sự bị giải tán vì Liên Xô tan rã.

Đó chính là thời điểm thể chế chính trị và xã hội tạo ra vô số những cơ hội đục nước béo cò. Sự hỗn loạn khắp các nước thành viên cũ của Liên Xô thời tranh tối tranh sáng đã là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ thông minh láu cá và cơ hội như Bout. Viktor Bout bắt đầu làm ăn vào năm 1992 khi mới 25 tuổi bằng một thương vụ mua 3 máy bay vận tải nhẹ Antonov và tham gia dịch vụ cho thuê vận tải đường dài từ Moskva đến nhiều nơi trên thế giới.

Một năm sau, Bout chuyển hoạt động sang Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), mở tuyến dịch vụ giữa châu Á, châu Phi và châu Âu. Bout thành lập Công ty vận tải Transavia Export Cargo, và đã tìm được đối tác là lực lượng gìn giữ hòa bình của Bỉ tại Somalia.

Không dừng tại đó, Bout lại lập thêm một công ty nữa mang tên Trans Aviation Network Group, có trụ sở tại Ostende, Bỉ. Năm 1997, trước sức ép của giới truyền thông Bỉ, Bout dời cơ sở sang Sharjah ở Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) và thành lập một đế chế hàng không với hàng chục máy bay cùng 1.000 nhân viên.

Tuy nhiên, đấy chỉ là bề nổi công việc làm ăn của Bout. Tại Ukraina, súng ống được bán tống bán tháo ra chợ đen, và hiển nhiên, chúng ngay lập tức được đưa ra khỏi biên giới. Sau này theo báo cáo LHQ về tình trạng buôn lậu vũ khí toàn cầu cho biết, từ 1992-1998, số vũ khí, đạn dược ở Ukraina trị giá 32 tỉ USD đã bị tẩu tán và phần khá lớn do chính Viktor Bout là thủ phạm. Nguồn tin của báo Der Spiegel, Đức, ngày 7/1/2002 còn cho hay, một thương vụ đình đám có liên quan đến cựu Giám đốc tình báo Ukraina với gần 200 chiếc xe tăng T-55 và T-62 được bán cho Taliban và người vận chuyển chính là Viktor Bout.

Thậm chí, Hội đồng Bảo an LHQ tháng 4/2001 từng kết luận, Viktor Bout là đối tượng tình nghi cung cấp vũ khí cho lực lượng Hồi giáo cực đoan. Người ta tin rằng, Bout đã tuồn hàng ngàn súng trường, lựu đạn cùng nhiều loại vũ khí khác vào các điểm xung đột châu Phi  như Angola, Cameroon, Kenya, Liberia, Libya, Congo-Brazzaville, Rwanda, Sierra Leone... qua ngả Bulgaria từ 1995-2000. Năm 2000, Bout thậm chí còn chuyển trực thăng, cao xạ và xe quân sự vào Liberia.

Bout tiếp tục cho thành lập chi nhánh Air Cess tại Miami năm 1997, hoạt động đến tháng 9/2001 thì bị đóng cửa sau vụ khủng bố 11/9. LHQ ước tính, ở Angola, Bout cho thuê máy bay với giá 1.200 USD/giờ và các phi công của Bout kiếm được 5.000-10.000USD/tháng. Trong cuộc chiến Congo từ năm 2000-2002, Bout bán vũ khí cho 20 nhóm vũ trang ở 8 bang nước này.

Cuộc chơi thế là hết

Mỹ rất quyết tâm săn lùng Viktor Bout. Ngày 6/3/2008, khi Bout và phụ tá thân cận Andrew Smulian vừa đáp xuống sân bay tại thủ đô Bangkok, Thái Lan thì bị bắt ngay lập tức. Cuộc theo dõi và vây bắt thành công này nhờ phần lớn vào sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát tại 5 quốc gia khác nhau và 2 nhân viên mật của Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ DEA. Hai người này đã đóng giả làm đại diện của nhóm phiến quân FARC tại Colombia, đang tìm nguồn cung cấp vũ khí.

Qua một số mối quan hệ, họ đã tiếp cận được Smulian và hẹn gặp Viktor Bout ngày 6/3 tại một khách sạn sang trọng ở thủ đô Bangkok để thỏa thuận mua một lượng vũ khí gồm 700-800 tên lửa địa-đối-không loại vác vai hiện đại nhất, 5.000 khẩu AK-47, mìn, lựu đạn, tên lửa chống tăng và súng bắn tỉa… trị giá 12 triệu USD.

 Viktor Bout bị bắt giữ ngay khi vừa đáp xuống sân bay tại thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 6/3/2008.

Nhưng "cuộc chơi đã hết" - đúng như lời Viktor Bout thốt ra khi bị lực lượng DEA phối hợp Interpol và lực lượng an ninh Thái Lan bắt giữ.

Lập tức Washington muốn dẫn độ Viktor Bout về nước xét xử tội ủng hộ khủng bố, song không được chính quyền Bangkok chấp nhận. Nhà chức trách nước này cũng muốn mở phiên tòa xét xử Viktor về tội bán vũ khí bất hợp pháp cho các nhóm quân nổi dậy ở Nam Mỹ và châu Phi. Sau hai lần Tòa án Thái Lan xử không có tội vì thiếu bằng chứng, Mỹ đã dùng sức ép chính trị để dẫn độ Bout về Mỹ hồi tháng 10/2010 trong sự phản ứng khá căng thẳng từ phía Nga.

Cuộc chiến Nga - Mỹ xung quanh gã lái súng

Sau ba tuần nghị án, tuần vừa qua Viktor Bout đã bị Tòa án liên bang Manhattan, New York  quy kết phạm 4 tội danh: 1- Âm mưu giết công dân Mỹ. 2- Âm mưu giết viên chức và nhân viên Mỹ. 3- Âm mưu sử dụng và sở hữu tên lửa chống máy bay. 4- Âm mưu viện trợ vật chất cho tổ chức khủng bố FARC. Cụ thể, bán vũ khí cho FARC để họ giết phi công Mỹ làm việc cho Chính phủ Colombia. Dự kiến ngày 8/2/2012, Tòa án Manhattan sẽ ra phán quyết cuối cùng.

Với những tội danh trên, Viktor Bout có thể lãnh án tù chung thân hoặc ít nhất 25 năm - một mức án mà Albert Dayan, luật sư bào chữa cho Bout, cho rằng dựa trên "suy đoán thuần túy" chứ không hề rõ ràng chứng cứ.

Sergei Bout, em trai của Viktor Bout, cũng phản đối tòa án Mỹ đã có một loạt sai sót như xét xử Bout trong khi ông này hãy còn bị giam ở Thái Lan và dẫn độ Bout về Mỹ mà không đủ thủ tục hợp lệ. Việc Mỹ cho quay và chiếu rộng rãi bộ phim “Lord of War” - Trùm chiến tranh (vai chính do nam tài tử gạo cội Nicholas Cage đóng) dựa theo cuộc đời của Viktor Bout  mô tả  Bout là "lái buôn thần chết" trước khi xử án Bout cũng là sai trái. Bout cũng bị từ chối dùng tài khoản ngân hàng của mình ở Mỹ để trả tiền thuê luật sư bào chữa mặc dù điều này hoàn toàn hợp pháp theo luật Mỹ.

Luật sư Dayan của Bout cho rằng thân chủ của ông vô tội, rằng Bout biết rõ 2 người đến gặp ông ta ở Bangkok không phải là đại diện FARC, nhưng đã hứa hão bán "hàng nóng" nhằm mục đích bán hai chiếc máy bay vận tải cũ. Và như thế không thể kết tội Bout chỉ bằng những "suy luận".

Tuy nhiên, theo cách hành xử quyết liệt của Mỹ thì dư luận không tin kháng án của luật sư Dayan sẽ thành công. Giới truyền thông cho rằng, trên thực tế có rất nhiều vụ án tưởng tượng, những chứng cứ được xào nấu,.. để phục vụ cho những mục đích khác. Mỹ kết tội Bout bán vũ khí cho FARC. Nhưng FARC là ai? LHQ và các nước khác đều coi FARC là một tổ chức chính trị, chỉ có Mỹ coi FARC là một tổ chức khủng bố. Và tòa án Mỹ đã dựa vào đó mà suy luận rằng Bout âm mưu giết phi công Mỹ.

Nhiều nhà quan sát của phương Tây cho rằng, việc Mỹ ráo riết bắt Bout không đơn thuần vì muốn trấn áp nạn buôn lậu vũ khí xuyên quốc gia. Chẳng có lý do gì để họ trải qua nhiều rắc rối đến vậy để bắt Bout chỉ vì muốn tóm cổ một tên tội phạm buôn lậu vũ khí trong khi có vài chục người Nga làm trung gian trong ngành kinh doanh này, và hiện chưa chắc Bout có phải là kẻ lớn nhất hay không.

Có quá nhiều lý do vì sao Viktor Bout có ý nghĩa quan trọng với Mỹ đến thế. Chẳng hạn theo Anthony Davis, một chuyên viên phân tích an ninh của tờ HIS Jane's thì người Mỹ rất nóng lòng về các tài liệu trên chợ đen liên quan tới tên lửa 9K38 Igla, loại tên lửa đất đối không mới nhất và kinh khủng nhất của Nga, nhất là nếu những tên lửa Igla này đã rơi vào tay của quân Hezbullah.

Trong khi đó, ngay từ đầu phía Nga đã cực lực phản đối Mỹ trong vụ việc này. Bộ Ngoại giao Nga đã lên án Washington "tạo áp lực chính trị chưa từng thấy" để dẫn độ trái phép Bout từ Bangkok về New York. Bình luận về kết luận của Tòa án Manhattan, phía Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi chính đáng về mặt pháp lý cho Viktor Bout, một công dân Nga. Mục đích của chúng tôi là bảo đảm đưa ông ta về quê nhà".

Viện Duma quốc gia Nga cũng cho rằng phiên tòa xử Viktor Bout mang màu chính trị, một "trò tuyên truyền tiêu biểu của Mỹ". Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov, ngày 3/11 vừa qua còn tuyên bố, sẽ yêu cầu Mỹ trả lời một loạt câu hỏi liên quan đến vụ án Viktor Bout.

Và hiển nhiên, Mỹ đáp trả bằng hàng loạt những giả thuyết úp mở và mập mờ về lý do Nga bênh chằm chặp gã lái súng Bout. Rằng, có thể Bout đã biết quá nhiều về các nguồn cung cấp vũ khí bí mật của Nga cả chính thức và không chính thức từ nhiều thập kỷ nay. Rằng, với gần 20 năm cung cấp vũ khí của Bout cho Taliban ở Afghanistan, Hezbollah ở Liban, quân Hồi Giáo ở Somali và một lượng lớn các tổ chức phiến quân ở châu Phi, chắc chắn "sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự bảo trợ của nhà nước"….

Có quá nhiều phản ứng và động thái mang màu sắc khác nhau được tính toán trong vụ "lái súng" Viktor Bout khiến phiên xử không còn là một vụ xét xử tội phạm đơn thuần. Phạm vi ảnh hưởng của nó liên quan đến những quốc gia "ông lớn" và tới an ninh toàn thế giới. Không rõ chương trình nghị sự cuộc họp cấp cao APEC cuối tháng 11 này có thể đưa vụ Viktor Bout tới một bước chuyển rõ ràng hơn hay không, chúng ta hãy chờ xem.

Nguyễn Hải - Nguyên Linh/ An ninh thế giới

Bình luận
vtcnews.vn