• Zalo

Cuộc chiến mỳ ăn liền Việt trên đất Mỹ

Kinh tế Thứ Ba, 09/12/2014 11:30:00 +07:00Google News

Mỳ ăn liền Việt trên đất Mỹ đang phải đối đầu với cuộc chiến mỳ ăn liền khốc liệt không kém thị trường mỳ ăn liền tại Việt Nam.

(VTC News) – Khốc liệt không kém tại Việt Nam, cuộc cạnh tranh giữa các hãng mỳ ăn liền Việt trên đất Mỹ cũng diễn ra gay gắt.

Mỳ ăn liền cạnh tranh khốc liệt

Thị trường mỳ ăn liền Mỹ không “nóng” như thị trường mỳ ăn liền Việt Nam nhưng với dân số đông đúc, Mỹ vẫn là “điểm đến trong mơ” của bất cứ sản phẩm nào. Trong đó có cả mỳ ăn liền. Tuy nhiên, không hề dễ cho doanh nghiệp khi chen chân giành thị phần của mảng kinh doanh béo bở này vì hiện tại, các thương hiệu lớn đến từ châu Á đang làm chủ thị trường.

Tại Mỹ, Nissin và Maruchan (Nhật), Nongshim (Hàn Quốc) đang là những “ông chủ” thị trường. Rất nhiều thương hiệu còn lại đang nỗ lực tìm kiếm được chỗ đứng vững chắc, từ đó phát triển thị trường. Trong đó, có cả những thương hiệu đến từ Việt Nam như Vina Acecook, mỳliket, Vifon,…

Để giành thị phần, các thương hiệu Việt vừa phải dồn sức marketing để cạnh tranh với các “ông lớn” vừa phải dè chứng đối thủ “anh em”. Vina Acecook và Vifon là hai thương hiệu tỏ rõ nhiều tham vọng nhất nên “cuộc đua” giữa họ diễn ra khá gay gắt.

vinaacecook
Một sản phẩm mỳ ăn liền của Vina Acecook tại Mỹ 
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang đánh giá có lẽ “cuộc chiến” thú vị nhất của hàng Việt tại Mỹ đó là giữa Vifon và Acecook. Trong những chuyến khảo sát thị trường Mỹ, ông Quang đã bị chú ý bởi các băng rôn quảng cáo của Vina Acecook và cả Vifon.

Băng rôn của hai thương hiệu này giành giật nhau khá sôi động tại các siêu thị người Việt và Hoa tại California. Ông Quang cho rằng sự khốc liệt không kém gì cuộc chiến băng rôn giữa Unilever và P&G tại Việt Nam thời kỳ đầu.

Không chỉ tại các siêu thị của California và Texas, mà ngay chính tại trung tâm Manhatttan, trong các siêu thị châu Á và cả những siêu thị Việt Nam ít ỏi trụ vững, mỳ gói Vifon và Acecook vẫn âm thầm một cuộc cạnh tranh chen chân giành những chỗ đứng trên kệ hàng, bên cạnh níu-róu-mỳen (mỳ gói Trung Quốc) và nhãn hiệu Nissin (số một Nhật Bản).

Theo ông Quang có vẻ như ngoài sản phẩm mỳ Ý (macaroni, pasta…) và nhãn hàng Nissin (mỳ ramen chính thống châu Á) đã thâm nhập vào thị trường dòng chính. Cụ thể là các sản phẩm này được chấp nhận trong các máy bán lẻ tự động và 7-Eleven.

Tất cả các sản phẩm mỳ ăn liền còn lại đều được xếp ngang hàng với nhau bất kể xuất xứ và chủng loại. Điều này có thể tạo ra cơ hội ngang nhau cho các sản phẩm mỳ gói gốc châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam), tùy thuộc vào nỗ lực của các nhà phân phối và những cuộc cạnh tranh thương hiệu thực sự trong tương lai.

Cũng giống như tại Việt Nam, cuộc chiến mỳ ăn liền diễn ra gay gắt nhưng không có người thất bại vì mỗi thương hiệu đều có được chỗ đứng cho riêng mình. Vấn đề chỉ là thị phần lớn tới đâu.

Mỳ ăn liền Việt vẫn loay hoay trên đất Mỹ


Có thể thấy, hiện tại, chỗ đứng của mỳ Việt trên đất Mỹ vẫn khá khiêm tốn. Khách hàng mà các doanh nghiệp Việt hướng tới chủ yếu chỉ là người Việt, số ít người châu Á và cả người… Mexico sinh sống trên đất Mỹ. Vì vậy, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ của các doanh nghiệp Việt chưa cao.

Ông Hoàng Cao Trí - Phó Tổng Giám đốc Vina Acecook tiết lộ Vina Acecook phát triển theo hướng “ở đâu có người Việt, ở đó có mỳ ăn liền Việt Nam”. Từ cái nền đó, Mỹ, Australia, Canada và nhiều nước châu Âu là nơi có nhiều người Việt sinh sống nên đó là những thị trường mà Vina Acecook hướng tới.

Dù không khẳng định nhưng qua những nỗ lực marketing giành giật từng vị trí treo băng rôn ở Mỹ với Vifon, có thể thấy, với Vina Acecook, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của “ông lớn” mỳ tôm Việt.

Hiện tại, dù nắm giữ 90% thị phần mỳ ăn liền trong nước nhưng trước nguy cơ thị trường bão hòa, khả năng tăng trưởng nội địa không còn cao, Vina Acecook đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Vina Acecook cho biết trong năm nay, công ty tập trung đẩy mạnh xuất khẩu để đạt mức tăng trưởng 106 - 107%.

Dù vậy, sản lượng xuất khẩu của Vina Acecook vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với sản lượng tiêu thụ trong nước. Mà Vina Acecook xuất khẩu tới 46 nước. Điều đó có nghĩa các gói mỳ ăn liền mang thương hiệu Vina Acecook chỉ xuất hiện khiêm tốn tại Mỹ.

Không “làm khó” được Vina Acecook tại thị trường trong nước nhưng Vifon lại đủ sức “chạy đua” cùng Vina Acecook trên đất Mỹ. Xuất khẩu sang thị trường khó tính châu Âu từ những năm 1990, Vifon sớm “lận lưng” được những kinh nghiệm quý giá về quản lý chất lượng, phân phối,… Vì vậy, tới nay, các sản phẩm Vifon đã có mặt tại 50 nước. Trong đó không thể thiếu thị trường rộng lớn Mỹ.

Tuy nhiên, thị trường Mỹ vẫn đang “làm khó” mỳ Việt. Hiện tại, thị trường xuất khẩu chủ yếu của Vifon vẫn là Đông Âu. Còn Vina Acecook hoạt động mạnh tại các thị trường dễ vào, chủ yếu là Campuchia. Tại Campuchia, Vina Acecook Vietnam và Asian Food chiếm gần 2/3 thị phần.

Có thể thấy, doanh thu từ xuất khẩu cũng chỉ chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu của mỗi doanh nghiệp. Nhiều lắm, doanh nghiệp chỉ thu về vài triệu USD. Điều đó có nghĩa vị thế của mỳ ăn liền Việt trên thị trường thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng vẫn còn rất nhỏ bé.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn