Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ (Hà Giang) là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài 10 năm 1979-1989.
Nhiều địa danh, trận chiến tại đây đã đi vào lịch sử như: điểm cao 1509, 468, Cô Ích, Bốn Hầm, Lò vôi thế kỷ...
Đặc biệt từ 1984 đến 1989 tại mặt trận Vị Xuyên, tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt, dựa trên địa hình hiểm trở, đèo dốc cao các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã anh dũng đấu tranh, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc, câu nói được khắc trên báng súng của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Minh “Sống bám đá - Chết hóa đá - Thành bất tử” đã thể hiện rõ tinh thần đó.
Hôm nay (17/2) là ngày tròn 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta bắt đầu. Ba thập kỷ sau cuộc chiến, điểm nóng Thanh Thủy - Vị Xuyên đang hồi sinh mạnh mẽ.
Điểm cao 468 đã đi vào lịch sử là vùng chiến sự ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Nằm trên điểm cao 468 ở lưng chừng núi Nậm Ngặt thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) là Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên... Được khánh thành ngày 25/6/2016, công trình đã trở thành địa chỉ lịch sử-văn hóa góp phần tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đài hương 468 những ngày này đón rất nhiều đoàn đến thắp hương tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên.
Bia ký ức của Sư đoàn 356. Chiến trường xưa tại khu vực biên giới xã Thanh Thủy huyện Vị Xuyên, nơi đã từng là chiến trường khốc liệt, nổi danh với những “đồi thịt băm”, “lò vôi thế kỷ” hay “thung lũng gọi hồn”.
Gặp lại nhau, những người lính trẻ của Mặt trận Vị Xuyên năm nào đã cùng nhau ôn lại những ký ức của một thời hoa lửa. Họ kể về cuộc đời mình thời hậu chiến, về tình yêu, gia đình hay công việc.
Khi đến các địa danh, nhớ lại những ngày tháng chiến đấu các cựu chiến binh không khỏi xúc động khi đây là nơi gần 5.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương. Tại đây vẫn còn có 3.000 liệt sĩ vẫn nằm lại trên chiến trường xưa.
Một nén tâm nhang, với tấm lòng thành kính, biết ơn chân thành nhất để tưởng nhớ đến đồng đội đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc, nhớ lại một thời oanh liệt của cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ biên cương. Cựu chiến binh Đại tá Phạm Minh Nhàn - Sư đoàn 313 Quân khu 2 thắp hương tưởng nhớ đồng đội.
Đứng trên đài hương nhìn xuống, thung lũng Nậm Ngặt xanh ngát màu xanh của cây cối, lác đác những nếp nhà sàn êm ấm, yên bình. Dưới chân núi, dòng suối Thanh Thủy lặng lờ trôi. Cuộc sống thanh bình, hạnh phúc đã phủ lên mảnh đất từng một thời bom đạn, đau thương này. Trong ảnh là một góc bản làng Thanh Thủy hôm nay.
Những điểm cao túi đạn hố pháo chiến trường ác liệt năm xưa thì nay đã hồi sinh thành các điểm trường Mầm non Nậm Ngặt.
Thế hệ trẻ luôn trân trọng xương máu của thế hệ cha anh đi trước để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, chính quyền các cấp tỉnh Hà Giang và huyện Vị Xuyên luôn quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục để nuôi dưỡng và hun đúc truyền thống cha ông bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương.
(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận