Hiện nay 3 ông lớn trong ngành công nghệ chip và công nghệ bán dẫn lần lượt là Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, Ấn Độ đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp vốn là thế mạnh của nước này.
Cuộc chiến công nghệ bán dẫn
Cuộc chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây thiệt hại cho cả 2 bên, nhưng sự tách rời hoàn toàn giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu sẽ còn gây tổn hại nhiều hơn đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc.
Nếu hoàn toàn tách khỏi Mỹ, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm còn khoảng 3,5% vào năm 2030. Trường hợp quan hệ giữa 2 nước duy trì như hiện tại thì dự báo là 4,5%. Về phía Mỹ, mức tăng trưởng sẽ giảm còn 1,4% thay vì dự báo hiện tại là 1,6%.
Việc 2 nước hoàn toàn tách biệt về thương mại và công nghệ sẽ tác động nhiều hơn tới Trung Quốc vì nước này thu được nhiều lợi nhuận hơn từ việc nhập khẩu công nghệ chip và công nghệ bán dẫn, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất máy móc, thiết bị điện tử như điện thoại, radar quân sự và xe điện.
Chất bán dẫn, vốn là nền tảng cho tham vọng công nghệ của Trung Quốc, đang bị chính quyền Trump đe dọa cắt nguồn cung từ nước ngoài.
Chính phủ Mỹ đã đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen, đồng thời đưa ra lệnh cấm đối với các ứng dụng TikTok và WeChat, áp đặt các biện pháp trừng phạt với tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei Technologies.
Trong kịch bản này, năng suất sản xuất của Trung Quốc sẽ giảm do ngừng được chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hậu quả có thể sẽ không quá nặng nề vì quốc gia này đã thu hẹp đáng kể khoảng cách về công nghệ với các nền kinh tế tiên tiến trong 20 năm qua.
Các nhà kinh tế viết: “Nếu Trung Quốc tăng cường tài trợ cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, đồng thời mở rộng quan hệ với các nền kinh tế tiên tiến khác, họ có thể bù đắp đáng kể mức thiệt hại”.
Nhưng Trung Quốc dường như đang có xu hướng tách biệt với các nước khác khi chính sách mới của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ chú trọng phát triển trong nước.
Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng hơn nếu Mỹ phối hợp với các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp, để cô lập nước này. Trong trường hợp đó, tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống chỉ còn 1,6% vào năm 2030, Bắc Kinh khó có thể bù đắp được mức thâm hụt này.
Sự trả đũa của Trung Quốc
Tờ Bloomberg đưa tin, Trung Quốc đang lên kế hoạch cho loạt chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, đồng thời chống trả các hạn chế từ Chính quyền Trump.
Theo kế hoạch này, Bắc Kinh chuẩn bị đầu tư liên tục trong 5 năm, tới năm 2025, để phát triển cái gọi là chất bán dẫn thế hệ thứ 3. Đồng thời việc tăng cường nghiên cứu, giáo dục và tài chính cho ngành công nghiệp đã được thêm vào bản dự thảo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của đất nước, sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào tháng 10.
Chính phủ Trung Quốc trong tháng 10 sẽ họp bàn để vạch ra chiến lược kinh tế trong nửa thập kỷ tới, bao gồm thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa và phát triển công nghệ. Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết đầu tư ước tính 1,4 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2025 cho các ngành công nghệ từ mạng không dây đến trí tuệ nhân tạo.
“Ban lãnh đạo Trung Quốc nhận ra chất bán dẫn là nền tảng của tất cả các công nghệ tiên tiến và họ không thể phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ nữa”, Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho biết. “Trước những hạn chế của Mỹ với công nghệ chip, Trung Quốc chỉ có thể tự phát triển ngành công nghiệp của chính họ”.
Hiện nay, giá cổ phiếu của một số nhà sản xuất chip lớn tại Trung Quốc đã tăng. Công ty Thượng Hải Fudan Microelectronics có giá cổ phiếu tăng 4,3% tại Hồng Kông. Trên thị trường đại lục, Will Semiconductor Ltd., công ty chip đứng thứ 2 tại Trung Quốc, tăng gần 10%. Công ty Xiamen Changelight tăng gần 14% trong khi Focus Lightings Tech tăng 5,6%.
Hàng năm, Trung Quốc chi hơn 300 tỷ USD cho việc nhập khẩu chip, các nhà phát triển chất bán dẫn của họ cũng sử dụng công nghệ nhập từ Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Mối quan hệ ngày càng xấu giữa Bắc Kinh và Washington khiến các công ty Trung Quốc ngày càng khó tìm nguồn linh kiện và công nghệ sản xuất chip từ nước ngoài.
Vì hiện chưa có quốc gia nào thống trị công nghệ chất bán dẫn thế hệ thứ 3, canh bạc của Trung Quốc là các tập đoàn của họ có thể vươn lên nếu họ đẩy mạnh nghiên cứu lĩnh vực này.
“Lĩnh vực công nghệ sắp chứng kiến một sự tăng trưởng bùng nổ. Do nhu cầu và mức đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc, một ‘gã khổng lồ chip Trung Quốc đẳng cấp thế giới’ có thể ra đời”, Alan Zhou, đối tác quản lý của Quỹ đầu tư chip An Xin Capital ở Phúc Kiến, nhận xét.
Những cơ hội cho Ấn Độ
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh thương mại gay gắt thì Ấn Độ đang đẩy mạnh phát triển công nghệ này.
Hàng năm, Ấn Độ thiết kế và sản xuất gần 3.000 loại chip, nhưng sự phát triển của số hóa đang làm tăng nhu cầu về thiết bị điện tử và khả năng sản xuất thiết bị điện tử trong nước. Nhờ các chính sách thúc đẩy kinh tế của chính phủ như chương trình sản xuất tại Ấn Độ, 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cùng việc chi trả các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp, chú trọng vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, quốc gia này đang phát triển khả năng sản xuất chip và chất bán dẫn.
Một bước tiến khác của Ấn Độ là nước này đã ký một thỏa thuận với Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Singapore để phát triển hợp tác thương mại và kỹ thuật trong các ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn.
Nhiều công ty công nghệ lớn cũng nhận ra tiềm năng của lĩnh vực điện tử ở Ấn Độ và tiến hành đầu tư vào mảnh đất màu mỡ này. Tập đoàn Panasonic đang xây dựng một nhà máy sản xuất ở Haryana. Vùng Bangalore, bang Karnataka, Ấn Độ, đang nổi lên như một trung tâm tụ hội các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn.
Vì ngành công nghiệp chế tạo chất bán dẫn cần nhiều vốn tri thức nên Ấn Độ có lợi thế chiến lược và lợi thế cạnh tranh nhờ lượng dân số trẻ có học thức đông đảo và số lượng kỹ sư lớn.
Năm 2019, Chính sách quốc gia về điện tử Ấn Độ 2019 (NPE 2019) được ban hành nhắm mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành trung tâm toàn cầu về Thiết kế và Sản xuất Hệ thống Điện tử (ESDM). Mục tiêu được thực hiện bằng cách tăng hiệu quả sản xuất các linh kiện điện tử cốt lõi, bao gồm chip, và tạo cơ sở cho ngành công nghệ trong nước cạnh tranh trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, để thu hút các khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, Chương trình Gói ưu đãi đặc biệt (M-SIPS) đã được công bố nhằm hỗ trợ chi phí trong việc xây dựng các đơn vị sản xuất linh kiện điện tử, từ đó thu hút đầu tư từ các công ty quan tâm.
Đề án Khuyến khích sản xuất Linh kiện điện tử và Chất bán dẫn (SPECS) được giới thiệu vào tháng 4/2020, đưa ra mức kích thích tiền tệ 25% chi tiêu vốn cho việc sản xuất hàng hóa để tạo thành chuỗi cung ứng hàng hóa điện tử.
Hiện tại, hầu hết nhu cầu về chất bán dẫn của Ấn Độ đều được đáp ứng bởi hàng nhập khẩu từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan. Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu về công nghệ chip và công nghệ bán dẫn, nhưng với việc chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tài trợ cho sản xuất chip điện tử, Ấn Độ cũng là nước có tiềm năng phát triển lớn.
Trong Kỷ nguyên internet vạn vật (IoT), chiến thắng trong cuộc đua công nghệ chính là chìa khóa để phát triển đất nước, nắm bắt cơ hội đó, ngành công nghiệp bán dẫn của Ấn Độ đang từng bước trỗi dậy trong những động thái cạnh tranh qua lại giữa Mỹ và Trung quốc.
Bình luận