Đó là cuộc chia tay được cho là cuối cùng của Bác Hồ với người cha thương yêu trên Tổ quốc Việt Nam, vì khi Bác trở về nước năm 1941 sau 30 năm bôn ba, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã qua đời.
Tượng đài được thực hiện từ nội dung câu chuyện của cha con Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành trong thời gian ngắn làm việc, học tập tại Bình Định.
Theo cha vào Bình Định
Ông Từ Như Huyền Trân (cán bộ Sở Văn hóa - thể thao Bình Định, người biên soạn hồ sơ di tích huyện đường Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn) cho biết nhiều hội thảo lịch sử cấp tỉnh ở Bình Định và một số nơi mà Bác Hồ từng đến đã xác định: khi cụ Nguyễn Sinh Sắc từ Huế vào Bình Định nhận công tác có đưa hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn Tất Đạt) và Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành) theo cùng.
Trong khi ông Đạt theo giúp việc cho cha thì ông Thành được cụ Sắc gởi lại nhà người bạn thân là cụ Phạm Ngọc Thọ (thân sinh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch), lúc ấy đang là giáo viên của Trường Pháp - Việt Quy Nhơn, tại TP Quy Nhơn để trau dồi tiếng Pháp.
Ngôi nhà của cụ Thọ bây giờ vẫn còn, là kho lương thực ở số 147 Trần Hưng Đạo (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn).
Cụ Nguyễn Đỗ Quyên (87 tuổi, nguyên phụ trách ban nghiên cứu lịch sử Đảng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định, là người đã nghiên cứu sâu giai đoạn Bác Hồ ở tỉnh Bình Định, có tác phẩm in thành sách) cho biết qua nghiên cứu, các nhà khoa học lịch sử xác định ba cha con cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Bình Định từ tháng 5/1909 khi cụ Sắc đang là trước tác lễ bộ thừa biện, được điều vào coi kỳ thi hương tại Bình Định.
Cụ Quyên cho biết: “Kỳ thi hương được tổ chức tại Nhơn Hòa (thuộc thị xã An Nhơn bây giờ) trong vòng một tháng. Kết thúc kỳ thi thì cụ Sắc chính thức nhậm chức tri huyện Bình Khê vào đầu tháng 7/1909”.
Cũng theo cụ Quyên, hơn 30 năm trước cụ đã nhiều lần về khu vực huyện đường Bình Khê và tỉnh thành Bình Định (thuộc thị trấn Bình Định, thị xã An Nhơn ngày nay) gặp gỡ con, cháu những người cùng thời với cụ Sắc thì được kể là “cậu con thứ của cụ Sắc” (tức Nguyễn Tất Thành) thỉnh thoảng từ Quy Nhơn lên Bình Khê thăm cha.
Phút biệt ly lịch sử
Tháng 3/1910, Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn đến “dịch xá” (là nơi lưu lại của các quan huyện khi về tỉnh) của tỉnh thành Bình Định để gặp gỡ trước khi cha và anh trai về Huế.
“Lần chia tay này, khi cha và anh về lại Huế thì Nguyễn Tất Thành ở lại Quy Nhơn một thời gian, rồi tháng 8/1910 đã cùng ông Phạm Ngọc Thọ vào Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận) dạy học” - cụ Quyên giở tập sách Nguyễn Tất Thành ở Bình Định, do Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định xuất bản, cho biết.
Cũng theo tập sách này, tiếp đó năm 1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn rồi lên tàu ở cảng Nhà Rồng bôn ba tìm đường cứu nước.
Video: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" - tiếng reo vui từ triệu con tim
Có thể nói mảnh đất Bình Định không chỉ là nơi ba cha con cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sống chung với nhau những ngày đẹp đẽ cuối cùng sau những ngày ở Nghệ An và Huế, mà còn là nơi đã diễn ra cảnh chia tay được cho là cuối cùng, là giây phút ly biệt lịch sử để rồi sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác trở về mà không bao giờ gặp người cha kính yêu nữa.
“Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành được xây dựng ghi lại dấu ấn về thời trai trẻ khi Người trăn trở với nỗi đau mất nước, khát khao hướng tới một chân lý cao cả, tìm đường cứu nước cứu dân.
Tượng đài là niềm tự hào của nhân dân Bình Định, đồng thời là điểm nhấn cho đô thị và là nơi thu hút khách thập phương khi đến Bình Định” - họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền, một người dân Bình Định, nói.
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhìn nhận: “Bình Định tự hào là một trong những địa phương đã nuôi nấng, hun đúc tư tưởng, tinh thần yêu nước, thương dân của Bác Hồ trên chặng đường Người đi tìm hình của nước.
Tượng đài có ý nghĩa rất lớn, không chỉ nhắc về sự kiện lịch sử Bác Hồ với Bình Định, mà còn mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, giúp thế hệ con cháu hôm nay và mai sau tiếp nối ý chí, nghị lực của Bác, sống mãi lý tưởng trọn đời vì nước, vì dân”.
Cha con cùng nhìn hướng Biển Đông
Tượng Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành sắp khánh thành ở TP Quy Nhơn được làm bằng chất liệu đồng, cao 15,5m, đặt trong không gian rộng hơn 3.100m2.
Điêu khắc gia Vũ Đại Bình (Hà Nội) - tác giả bức tượng cho biết đây là bức tượng duy nhất khắc họa hình ảnh Bác đứng cùng cha.
Tượng có bố cục cụ Sắc đứng ở phía Bắc, Nguyễn Tất Thành ở phía Nam, cha con cùng nhìn ra hướng Biển Đông.
Tay trái cụ Sắc đưa ra phía trước, tay còn lại đặt nhẹ sau lưng con trai như ân cần, dặn dò. Cụ Sắc đội khăn xếp, mặc áo dài, chân đi guốc, khuôn mặt thể hiện sự từng trải với vầng trán cao.
Nguyễn Tất Thành mặc sơmi dài tay, áo bỏ trong quần âu, chân đi giày, dáng vẻ tự tin, kiên định, khuôn mặt thể hiện sự thông minh, rắn rỏi, cương nghị.
Bình luận