Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều cổ phiếu bị "bật" khỏi hai sàn Hà Nội và TP.HCM. Thế nhưng, ALP của công ty cổ phần đầu tư Alphanam và MPC của công ty cổ phần tập đoàn thủy sản Minh Phú là những ngoại lệ. Cả ALP và MPC đều tình nguyện "trốn" khỏi chứng khoán.
"Trốn" vì thua lỗ
Ngày 2/12/2014, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã có thông báo hủy niêm yết đối với cổ phiếu ALP của công ty cổ phần đầu tư Alphanam. Số lượng cổ phiếu hủy niêm yết lên tới gần 193 triệu đơn vị. Ngày giao dịch cuối cùng: 30/12/2014.
Việc hủy niêm yết ALP là tự nguyện, tuân theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2013. Đây là động thái đã được dự báo trước vì Alphanam có chuỗi quý thua lỗ nặng nề. Lợi nhuận sau thuế năm 2012, 2013 của công ty lần lượt là âm 149 tỷ đồng và 213 tỷ đồng.
Sang năm 2014, tình hình đỡ bi đát hơn nhưng công ty chỉ lãi 1 tỷ đồng. Khoản lãi dương này có được là nhờ hoạt động kinh doanh trong quý 3 khả quan hơn. Trước đó, trong cả 3 quý, Alphanam đều thua lỗ. Lần lượt trong 3 quý, công ty lỗ 28 tỷ đồng, 80 tỷ đồng và 63 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Alphanam chia sẻ lựa chọn của Ban điều hành Alphanam là chấp nhận mang tiếng "không minh bạch", chứ quyết không để mất thêm tiền. Chủ trương của ông Hải là công bố thông tin ở mức vừa phải, tránh những phiền phức có thể có.
Trong phiên giao dịch cuối cùng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu ALP dừng ở mức 3.400 đồng/CP, giảm 6.600 đồng/CP, tương ứng 66% so với mệnh giá.
Không lâu sau khi ALP dừng cuộc chơi, MPC của thủy sản Minh Phú cũng "chia tay" sàn chứng khoán. Ngày 2/3/2015, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã có quyết định về việc hủy niêm yết cổ phiếu MPC.
Cổ đông công ty thông qua phương án hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu MPC để tìm kiếm đối tác chiến lược và tái cơ cấu lại công ty. Kế hoạch này đã được bàn bạc qua hai kỳ Đại hội cổ đông thường niên 2013 – 2014.
MPC rời sàn khi chưa tới bước bết bát như ALP. Dù vậy, tại thời điểm đó, ngành tôm được dự báo là rất khó khăn khi giá tôm thành phẩm và tôm nguyên liệu xuống thấp nhất trong 5 năm. Ngay sau khi rời sàn, MPC đã thua lỗ 50 tỷ đồng trong quý 2/2015 và lỗ 19 tỷ đồng trong quý 4/2015.
Người trở lại, kẻ mất tăm
MPC và ALP là những ví dụ điển hình nhất của việc đại gia "trốn" khỏi thị trường chứng khoán. Trong thời gian "ở ẩn", cả hai đại gia này đều tái cơ cấu và có nhiều thay đổi trong hoạt động kinh doanh.
Trong khi MPC vẫn trung thành với ngành nghề cốt lõi là thủy sản, Alphanam đã chuyển dần sang bất động sản. Bên cạnh bất động sản, Alphanam có 2 lĩnh vực chính nữa là sản xuất và dịch vụ; quản lý khách sạn và du lịch.
Alphanam hoạt động theo mô hình công ty gia đình. Ông Nguyễn Tuấn Hải nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hai người con Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Ngọc Mỹ nắm giữ chức vụ CEO công ty cổ phần địa ốc Alphanam và CEO công ty cổ phần địa ốc Foodinco.
Có thể thấy, cả 2 con của ông Nguyễn Tuấn Hải đều nắm mảng địa ốc. Và có vẻ như, Đà Nẵng đang là điểm đến của 2 công ty này. Công ty cổ phần địa ốc Alphanam đầu tư dự án căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Luxury Apartment Đà Nẵng.
Còn công ty cổ phần địa ốc Foodinco dưới sự điều hành của CEO Nguyễn Ngọc Mỹ được thành lập đầu năm 2016. Đây là công ty con của Tổng công ty cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu Foodinco, đơn vị do ông Nguyễn Tuấn Hải nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị. Foodinco là chủ đầu tư và thực hiện dự án tổ hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ Marriott và nhà ở để bán.
Kể từ sau khi hủy niêm yết, Alphanam "im thin thít rồi lặn mất tăm", không công bố công khai bất cứ dữ liệu kinh doanh nào. Vì thế, không thể biết được liệu Alphanam có lãi trở lại sau khi rời sàn như đã kỳ vọng trước đó hay không.
MPC thì khác, dù hủy niêm yết, công ty vẫn công bố báo cáo kết quả kinh doanh đều đặn dù lãi lớn hay thua lỗ. MPC khá minh bạch với cổ đông. Mới đây, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông báo Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu MPC trên sàn UPCoM tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Dù chưa rõ MPC sẽ thế nào sau khi quay lại sàn nhưng rõ ràng cổ đông vẫn MPC vẫn được lợi hơn cổ đông ALP vì cổ phiếu có tính thanh khoản trở lại.
Video: Cổ phiếu ngân hàng cắt lỗ vẫn hiếm khách
Bình luận