Rằm tháng Giêng năm nay rơi vào ngày cuối tuần - thứ Bảy ngày 24/2/2024 Dương lịch. Vào ngày này, các gia đình thường sắm hai lễ để cúng Phật và gia tiên, tuy nhiên vẫn nhiều người băn khoăn không biết nên cúng rằm tháng Giêng trong nhà hay ngoài trời; nếu thực hiện ở cả hai nơi thì cúng ở nơi nào trước?
Nên cúng rằm tháng Giêng trong nhà hay ngoài trời?
Theo chia sẻ của chuyên gia phong thủy Song Hà trên Báo Giáo dục Thời đại, việc cúng rằm nên được tiến hành ở cả trong nhà và ngoài trời để tỏ lòng thành kính với thần, Phật, gia tiên.
Trong đó, mâm cúng quan thần được đặt ở ngoài trời, còn mâm cúng gia tiên đặt ở trong nhà. Lễ cúng rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (tức là từ 11h đến 13h) ngày chính rằm - 15/1 Âm lịch. Gia chủ cần thực hiện việc cúng bái ngoài trời trước khi làm lễ cúng trong nhà.
Cúng rằm tháng Giêng ngoài trời
Lễ cúng rằm tháng Giêng ngoài trời nhằm cảm ơn trời đất, thần tiên, Phật thánh cùng các vị anh hùng dân tộc. Những nhà không có sân thì có thể bày lễ ở gian giữa trong nhà hoặc sân thượng. Một số gia đình có điều kiện về không gian còn đặt bốn bàn lễ ở bốn hướng: Hướng bắc thờ Thượng đế, hướng nam thờ các vị thần, hướng tây thờ Phật; hướng đông thờ các vị anh hùng có công với dân với nước.
Mâm cỗ cúng ngoài trời gồm có:
- Mâm ngũ quả
- Hương (nên là 3 cây nhang to).
- 12 đĩa hoa đại diện 12 tháng trong năm.
- Đèn/nến - 24 hũ nến sáp vàng hoặc đỏ đại diện cho 24 tiết khí trong năm.
- Trầu cau, muối gạo, trà rượu, quần áo mũ thần nông giấy, lưỡi liềm giấy.
- Gà luộc
- Xôi hoặc bánh chưng
Cúng rằm tháng Giêng trong nhà
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng trong nhà có thể là cỗ chay hoặc mặn, hoặc cả hai - gồm cỗ mặn cúng gia tiên và cỗ chay để cúng thần, Phật.
Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng trong nhà dâng lên gia tiên thường có 4 bát, 6 đĩa. Thông thường, 4 bát gồm canh măng, canh bóng, bát miến và mọc; 6 đĩa gồm thịt gà hoặc lợn luộc, giò/chả, nem, món xào, dưa hành, xôi hoặc bánh chưng. Mâm cỗ nên bao hàm đầy đủ các vị: Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi có thể đến trong năm mới.
Ngoài các món mặn, gia đình còn cần chuẩn bị các lễ vật: Hương, hoa, đèn nến, vàng mã, trầu cau, rượu.
Trên ban thờ Phật, lễ vật đều phải là đồ chay thanh đạm với số lượng không quá nhiều. Với mỗi món ăn, gia chủ chỉ cần bày trong đĩa, bát nhỏ hoặc vừa. Lễ vật thường gồm:
- Hoa quả, chè, xôi
- Món xào chay
- Các món đậu
- Canh măng nấm hoặc canh củ quả chay.
- Bánh trôi nước.
- Hương hoa, tiền vàng, đèn nến, trầu cau và rượu trắng.
Trong mâm cỗ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
Tùy vào phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế, thời gian của từng gia đình mà mâm lễ mỗi nhà mỗi khác. Cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà gia đình nên "tùy tiền biện lễ", miễn là thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và tấm lòng thành kính, tri ân Phật, thánh, tổ tiên.
Bình luận