Rằm tháng Giêng (hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu) là ngày 15/1 Âm lịch, một trong 2 ngày rằm quan trọng nhất trong năm đối với người Việt. Câu tục ngữ "cúng quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng" thể hiện vị trí, ý nghĩa của ngày này trong văn hóa truyền thống Việt Nam.
Vào dịp Tết Nguyên tiêu, các gia đình thường chuẩn bị rất cẩn thận, từ mâm cỗ cúng đến ngày giờ cúng phải chuẩn chỉ, đích xác.
Cúng rằm tháng Giêng 2023 vào ngày, giờ nào?
Theo phong tục, lễ cúng rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (tức là từ 11h đến 13h) ngày chính rằm (15/1 Âm lịch). Người xưa cho rằng, đây là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ.
Thực tế, mỗi gia đình lại tùy biến linh động cúng vào ngày, giờ khác nhau. Việc cúng rằm tháng Giêng vào ngày giờ nào được nhiều người quan niệm khá cởi mở. Việc thờ cúng không ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở tấm lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà và thần linh.
Có gia đình bận rộn có thể cúng trước đó 1 ngày, tức 14 tháng Giêng. Thời gian cúng có thể là từ sáng sớm ngày 14 đến trước 19h ngày 15. Các gia đình bận rộn có thể sắp xếp cúng trước rằm, từ ngày 13 thậm chí có gia đình cúng từ ngày 11 - 12.
Rằm tháng Giêng năm 2023 các khung giờ hoàng đạo dưới đây, gia chủ có thể chọn để tiến hành nghi lễ cúng rằm cũng rất phù hợp:
Ngày chính rằm, giờ đẹp gồm: Giờ Ngọ (11h-13h); giờ Thân (15h-17h); giờ Dậu (17h-19h).
Năm nay rằm tháng Giêng nhằm vào cuối tuần nên tốt nhất là cúng đúng ngày (Chủ nhật) hoặc trước một ngày (thứ Bảy). Các gia đình hoàn toàn có đủ điều kiện về thời gian để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng thật chu đáo.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng có những gì?
Thông thường, vào ngày này mọi người thường sắm hai lễ, một là lễ cúng gia tiên và hai là lễ cúng Phật. Trong đó, lễ cúng Phật thường là mâm lễ chay thanh tịnh, cùng hương hoa đèn nến. Cúng gia tiên thì có thể làm các món mặn với các món ăn truyền thống của người Việt.
Hầu như mâm cỗ cúng gia tiền rằm tháng Giêng không thể thiếu thịt gà, xôi gấc/bánh chưng. Gà là vật cúng tế linh thiêng nhất, còn xôi gấc có màu đỏ, được cho là sẽ mang đến may mắn cho gia đình trong năm mới.
Các món giò, chả, rau xào... cũng thường có mặt trên mâm cỗ mặn cúng gia tiên vào ngày rằm tháng Giêng. Ngoài ra, các gia đình còn chuẩn bị hương, hoa tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu.
Bên cạnh đó, các món ăn dành để cúng Phật đều phải là đồ chay, thanh đạm, sạch sẽ. Không cần chuẩn bị số lượng lớn, mỗi món ăn chỉ cần bày trong đĩa, bát nhỏ hoặc vừa, số lượng từ 10, 12 đến 25 món, bao gồm các món sau: Hoa quả, chè xôi, món xào chay không thêm nhiều hương liệu, các món đậu, một bát canh măng nấm hoặc canh củ quả chay, bánh trôi nước.
Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.
Cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà gia đình nên "tùy tiền biện lễ", dựa vào điều kiện kinh tế và số thành viên trong gia đình mà chuẩn bị phù hợp. Nhà ít người không nên làm quá nhiều món, quá nhiều mâm cỗ, sau đó không thể thụ lộc hết sẽ rất lãng phí.
Lưu ý khi cúng rằm tháng Giêng
Không dùng hoa giả, trái cây giả
Rất nhiều gia đình sử dụng hoa giả, trái cây giả đặt trên ban thờ để làm cảnh cho đẹp, vì chúng mẫu mã rất bắt mắt, dùng được lâu mà không lo hỏng, héo.
Tuy nhiên, việc bày hoa, quả giả trên bàn thờ hay trong mâm lễ cúng là không nên, vì thờ cúng phải tịnh tâm, nhà có sao dâng lên vậy, nên dùng hoa tươi, trái cây tươi để dâng cúng thần Phật, tổ tiên.
Không dùng đồ chay giả mặn
Rất nhiều gia đình tránh sát sinh trong ngày rằm nên thường chọn mâm cỗ chay để dâng lên bàn thờ Phật và gia tiên, mong trong năm gia đình bình an, gặp nhiều điều may mắn, đây là một việc làm tốt. Tuy nhiên, gia chủ lưu ý, khi làm mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng là đồ chay thì nên làm đồ thuần chay.
Không đốt nhiều vàng mã
Trọng tâm của lễ rằm tháng Giêng là cầu nguyện cho một năm mới an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng. Tuy nhiên, đạo Phật không bắt buộc phải đốt vàng mã cho người đã mất, không cổ xúy việc đốt vàng mã, vừa phí phạm lại ô nhiễm môi trường.
Vậy nên, người dân đi lễ nên dùng tấm lòng thành kính chứ không phải cố sắm mâm cao cỗ đầy hoặc đốt quá nhiều vàng mã gây lãng phí.
Vào ngày rằm tháng Giêng, các gia đình thường lau dọn bàn thờ. Khi làm việc này lưu ý không xê dịch bát hương, trước khi lau dọn nên thắp 1 nén hương khấn xin Thần linh Thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng.
Không cúng thủ lợn
Theo quan niệm dân gian từ xưa tới nay, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng có thể cúng cả đồ chay và đồ mặn. Tuy nhiên, nếu gia chủ cúng mâm cỗ mặn thì nên nhớ, chớ nên cúng thủ lợn.
Thông thường các gia đình vẫn làm mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng tương đối giống với mâm cỗ ngày Tết với những món truyền thống, trong đó có thịt gà, thịt lợn, giò chả, măng miến… Người ta cho rằng cúng thủ lợn không tốt, ngày đầu năm đã sát sinh, có thể ảnh hưởng đến vận phúc của cả gia đình trong năm, vì thế vẫn nên hạn chế là hơn.
Không dùng tiền giả, tiền bất chính
Gia đình Việt thường có thói quen đặt tiền thật lên bàn thờ khi cúng tế, ngụ ý muốn cầu xin tài lộc, may mắn. Tuy nhiên cần lưu ý, tiền này nên là tiền thật, do chính sức mình làm ra.
Tuyệt đối không dâng lên tiền giả hay tiền có nguồn gốc bất chính, có được từ những hành vi phạm pháp hay trái với đạo đức.
(*)Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Bình luận