• Zalo

Cúng gia tiên ngày Tết sao cho viên mãn?

Đời sốngThứ Sáu, 27/01/2017 06:26:00 +07:00Google News

TS Vũ Thế Khanh – Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu Khảo nghiệm khoa học về các khả năng đặc biệt cho rằng tục cúng gia tiên ba ngày Tết bắt nguồn từ sự hiếu thảo muốn tri ân tổ tiên của người Việt song để viên mãn nên cúng đồ chay và thành tâm phát nguyện.

TS. Vũ Thế Khanh hiện là Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ - tin học ứng dụng (UIA).

vuthekhanh

TS Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc UIA.  

Ông Khanh cho biết: “Phong tục thờ cúng gia tiên là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt, đã được hình thành từ rất lâu đời. Phong tục ấy không chỉ thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mà còn mang giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ mai sau”. 

“Việc cùng nhau bày tỏ lòng thành kính trước tổ tiên, càng thắt chặt thêm sợi dây gắn kết huyết thống giữa các thành viên trong dòng tộc.” 

“Trong các lễ cúng ba ngày Tết, lễ nào cũng có một mâm cỗ cùng hương hoa, trầm trà, rượu bánh, để cúng gia tiên”. 

“Và với phong tục đẹp đẽ thờ cúng tổ tiên, dù tin vào tâm linh hay không, chúng ta đều đã chấp nhận phần thần thức (linh hồn) của gia tiên luôn song hành với con cháu trong cuộc sống trần gian”, - TS. Vũ Thế Khanh nói. 

Xem video: Cách bày và ý nghĩa mâm ngủ quả ngày Tết của Nam Bộ

Cho rằng nghi thức cúng lễ cũng sẽ góp phần quan trọng ảnh hưởng đến tâm thức của người đã khuất. Nên, theo ông Vũ Thế Khanh, cúng gia tiên dùng đồ chay và thành tâm phát nguyện thì kết quả sẽ viên mãn hơn. 

“Cúng những đồ sát sinh, tanh hôi thịt cá… không những gây nghiệp sát cho những người còn sống mà còn tác động  xấu đến vong linh người đã khuất”, ông Khanh nói. 

 
Cúng những đồ sát sinh, tanh hôi thịt cá… không những gây nghiệp sát cho những người còn sống mà còn tác động xấu đến vong linh người đã khuất.

TS Vũ Thế Khanh

Dẫn chứng từ thực tế, ông Khanh cho hay, qua số liệu thống kê, có khoảng 80% đối tượng tội phạm hình sự xuất thân từ những gia đình làm nghề bất lương, ví dụ như buôn bán ma túy, các chất độc hại, cờ bạc, lừa đảo, trộm cắp, hành nghề mê tín dị đoan, làm quan tham nhũng, xử án oan sai, nghề làm giàu trên thân xác phụ nữ, và đặc biệt là làm các nghề sát sinh, giết mổ...

Ngoài ra, TS Vũ Thế Khanh cũng cho rằng “không nên cúng các đồ vàng mã, tiền giả, bởi vì khi cúng đồ giả thì tâm người cúng cũng không thể trang nghiêm trân trọng được, do vậy tâm thức người đã khuất cũng giao cảm thọ nhận được sự giả dối từ người dâng cúng. 

“Hơn nữa, cho dù cúng đồ giả hay đồ thật thì đó cũng chỉ là vật dụng của thế giới hữu hình, còn “thế giới siêu hình chỉ cảm ứng bằng luồng giao thoa tâm linh chứ không dùng trực tiếp vào các đồ cúng được” bởi hai hệ quy chiếu khác nhau thì không thể dùng chung một loại phương tiện”- TS Vũ Thế Khanh cho hay. 

TS Vũ Thế Khanh nói thêm rằng, tuy cùng một nghi lễ, nhưng sự khác nhau cơ bản của cúng thường và cúng tâm linh là do sự phát nguyện. 

“Nếu nội dung phát nguyện với mục đích vụ lợi, ích kỷ thì cho dù lễ lạt linh đình đến mấy cũng trở thành lễ cúng của kẻ phàm phu.” 

“Ngược lại, nếu  phát nguyện với cái tâm vị tha “thi ân bất cầu báo”  thì các lễ vật dâng cúng bỗng nhiên chuyển thành cúng dường ba-la-mật. Muốn nghi thức cúng tâm linh được viên mãn, có thể phát nguyện trong phần hối hướng công đức ”, ông Vũ Thế Khanh nói. 

Cuối cùng, theo TS Vũ Thế Khanh, khi cúng gia chủ phải ăn mặc chỉnh tề, lên đèn, đốt hương, đánh chuông, hai tay chắp lại đưa lên ngang đầu và thành tâm khấn. 

Hoàng Hưng (ghi)
Bình luận
vtcnews.vn