Cận kề vòng thi, ekip làm phát thanh trực tiếp của Đài PT-TH tỉnh Lào Cai vẫn tranh thủ những khoảng thời gian cuối cùng để trau chuốt lại tất cả các khâu, bảo đảm không xảy ra sai sót trong chương trình xương sống là Thời sự - Tổng hợp. Đây là 1 trong 4 sản phẩm được Lào Cai “chọn mặt gửi vàng” nhằm thử sức ở thể loại khó, bám sát chủ đề “Linh hoạt chuyển đổi - Thích ứng vươn lên” của Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm nay.
Bà Trần Thu Hiền, Trưởng phòng Thông tin Điện tử của Đài cho biết, đây là lần đầu tiên Đài PT-TH Lào Cai tham dự ở thể loại thi phát thanh trực tiếp, kết nối các điểm cầu kết hợp với livestream trên các nền tảng mạng xã hội.
"Thực ra làm như vậy cũng không phải để thay đổi bản chất của phát thanh, vẫn phải giữ được các yếu tố cốt lõi nhưng khi kết hợp các yếu tố công nghệ vào sẽ giúp cho sản phẩm phát thanh có được lượng tương tác lớn, tính lan tỏa mạnh mẽ hơn, gần gũi, hấp dẫn thính giả hơn", bà Hiền chia sẻ.
Mùa Liên hoan năm nay, Đài PT-TH tỉnh Điện Biên có 5 tác phẩm dự giải ở các thể loại khác nhau. Trong đó, 2 tác phẩm lọt chung khảo nói về trách nhiệm bảo vệ rừng trước nạn chặt phá gỗ nghiến; định hướng phát triển bền vững cây mắc ca.
Ông Nhâm Văn Hòa, Phó Giám đốc Đài cho biết, các tác phẩm với chủ đề phong phú, được đầu tư có chiều sâu, hiệu ứng dư luận cao cũng khẳng định cho nỗ lực của Điện Biên trong việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa nội dung phát thanh qua 70 chuyên mục, duy trì thời lượng 19 giờ phát mỗi ngày.
Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, phát thanh ngày càng khẳng định được thế mạnh, rõ nét, chỗ nào cũng nghe được và rất gần gũi. Từ công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, cho đến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con theo cả hai chiều, phát thanh đều phát huy rất tốt vai trò. Hiện nay, song song với việc đầu tư các thiết bị, tỷ lệ phủ sóng được nâng cao, phát thanh đang là loại hình được nhiều bà con đón đợi.
Nằm ở địa bàn vùng cao, biên giới, Sơn La hiện có 12 tổ truyền thanh - truyền hình cấp huyện; 104 trạm truyền thanh cấp xã với hàng trăm cụm loa truyền thanh không dây đến các thôn, bản; duy trì thời lượng 13,5 giờ mỗi ngày bao gồm cả tiếp sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong số đó, có 7 trạm truyền thanh cấp xã sử dụng công nghệ IP thông minh để truyền và nhận bản tin phát thanh qua internet thay cho sóng FM truyền thống.
Theo ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Sơn La, việc đầu tư đúng mức cho hạ tầng phát thanh hoàn toàn phù hợp ở địa bàn có diện tích tự nhiên rộng lớn nhất khu vực, với trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Sơn La.
Trong vai trò cơ quan truyền thông chủ lực của địa phương, Đài PT-TH Sơn La những năm qua không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng nội dung chương trình phát thanh; trung bình mỗi ngày sản xuất trên 8 giờ đồng hồ, với các sản phẩm báo nói thiết thực, đáp ứng thị hiếu nghe của bà con.
"Hai chương trình tiếng Mông và tiếng Thái của chúng tôi chiếm 2/3 thời lượng và luôn luôn được bà con ủng hộ rất cao. Cánh sóng phát thanh của Đài Sơn La cũng được đông đảo đồng bào, đặc biệt là khu vực Tây Bắc tiếp nhận. Chúng tôi còn nhận được rất nhiều phản hồi từ bà con ở xa Tổ quốc, có cả thính giả nước ngoài, trong đó bao gồm vùng đồng bào của 9 tỉnh phía Bắc Lào", ông Chinh thông tin thêm.
Thống kê cho thấy, nền tảng phát thanh ngày càng được chú trọng ở địa bàn “lõi nghèo”. Tính riêng trong năm 2021, 8 Đài PT-TH trong khu vực Tây Bắc gồm Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và Tuyên Quang đã mở mới tổng cộng 88 chương trình phát thanh; với thời lượng phát mới là 35,5 giờ/ngày; thời lượng chương trình phát thanh tự sản xuất là 84 giờ/ngày. Nhiều tác phẩm báo chí của các đài khu vực có hiệu ứng dư luận cao, đoạt nhiều giải thưởng danh giá tại các cuộc thi do Trung ương, địa phương tổ chức.
Tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIV, các đài khu vực đã vinh dự giành 3 giải Vàng, 5 giải Bạc, 7 giải Đồng và 4 Bằng khen của Ban Tổ chức. Trong đó, nhiều tác phẩm chỉ qua tên gọi đã mang đầy đủ đặc trưng, sắc màu của Tây Bắc như "Những người con của núi"; "Người Mông đi chợ thế giới"; "Như cây sa mu giữa đại ngàn"…
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, thời kỳ 4.0 với sự bùng nổ của internet và mạng xã hội đang tạo ra thách thức rất lớn, buộc mỗi cơ quan báo chí phải thay đổi để thích ứng. Tuy nhiên, song song với đó cũng là cơ hội vì sẽ không còn chỗ cho truyền thông “vua”, không có sự chiếm lĩnh tuyệt đối công chúng chỉ dựa vào quy mô hay thể loại báo chí như trước nữa. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các đài địa phương khẳng định mình.
"Không có "vua" nghĩa là cơ hội phát triển, cơ hội cạnh tranh, cơ hội chia sẻ và chi phối thông tin sẽ khá công bằng giữa các đài lớn với các đài địa phương, hoặc các đài quy mô nhỏ hơn. Các đài địa phương khi đưa những thông tin gần gũi với công chúng của mình, mang tính địa phương, cá nhân hóa hơn sẽ có khả năng thuyết phục công chúng cao hơn; thậm chí tác động còn lớn hơn những tin bài mang tính phổ quát do phóng viên các đài trung ương đưa", ông Phạm Mạnh Hùng phân tích.
Liên hoan Phát thanh toàn quốc - ngày hội của những người làm phát thanh là sân chơi lớn để các Đài PT-TH khu vực Tây Bắc (vừa trong cụm thi đua số 1) mang tiếng nói của mình đi giao lưu, học hỏi. Thống kê từ Ban Tổ chức, đã có 19 tác phẩm của cụm đài này lọt vào chung khảo, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều bất ngờ.
Bình luận