Sáng 22/1, Cục QLTT Bộ Công thương mời Hiệp hội Gas Việt Nam, Hiệp hội Gas TP Hà Nội và một số cơ quan truyền thông đến tham dự cuộc họp để rà soát lại một số vụ việc liên quan đến kinh doanh khí hóa lỏng dầu mỏ.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Cục trưởng Cục QLTT vừa bị Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phê bình nghiêm khắc vì để tình trạng sang chiết gas, "cắt tai, mài vỏ", chiếm giữ vỏ bình gas... xảy ra tràn lan.
Việc này đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính cũng như đe dọa đến sự an toàn tính mạng của người tiêu dùng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đoàn Trọng Thà, phụ trách pháp chế - Hiệp hội Gas Việt Nam nhấn mạnh, tình trạng quản lý vỏ bình gas cũng như kinh doanh, sang chiết gas hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề “chưa từng có” từ trước đến nay.
Theo đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam, tình trạng chiếm dụng, "cắt tai, mài vỏ" bình gas không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mà còn dẫn đến hoạt động sang chiết gas trái phép, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với doanh nghiệp.
Để xảy ra những tồn tại bất cập nói trên ngoài sự thiếu ý thức đạo đức kinh doanh của một số doanh nghiệp kinh doanh gas, ông Thà cho rằng còn có trách nhiệm của cả cơ quan chức năng khi không làm tốt khâu quản lý mặt hàng này.
Ông Đoàn Trọng Thà nêu dẫn chứng: “Tôi lấy ví dụ đơn giản như kiểm tra việc vận chuyển bình gas thôi. Theo nguyên tắc là khi vận chuyển, các vỏ bình gas phải dựng đứng, không được để nằm.
Nhưng cơ quan chức năng có bao giờ kiểm tra các xe vận chuyển vỏ bình gas không? Tôi tin là không. Tôi thấy nhiều xe khi vận chuyển vỏ bình gas vẫn để nằm.
Hay như việc vận chuyển bình gas lên các căn hộ chung cư. Nguyên tắc là không được sử dụng thang máy để vận chuyển mà phải đi thang bộ, phòng khi xảy ra va chạm, cháy nổ. Nhưng chúng ta cũng không làm được.
Đó là tôi nói cái ý rất nhỏ ở khâu quản lý thường ngày thôi, còn lớn hơn thì ta cũng còn nhiều bất cập”.
Theo ông Thà, Bộ Công thương nên có dự án cho đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về vấn đề quản lý vỏ bình gas.
“Cần có đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về đề tài quản lý vỏ bình gas nói riêng và quản lý kinh doanh gas nói chung. Vấn đề này rất xứng đáng để làm thành một đề tài nghiên cứu khoa học bài bản, Bộ Công thương nên chủ trì vấn đề này”, ông Đoàn Trọng Thà nói.
Video: Cục trưởng Cục QLTT đề nghị phải xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp chiếm giữ vỏ bình gas trái phép
Cũng theo ông Thà, hiện các hãng như Hồng Hà Gas, Trần Hồng Quân, Venus, An Dương, Anpha Petrol… rất bức xúc về thực trạng vỏ bình gas bị các doanh nghiệp khác chiếm giữ.
Một lượng lớn vỏ bình của các đơn vị bị chiếm giữ, tháo bỏ van sau đó “tiêu hủy” bằng cách thanh lý sắt vụn, gây lãng phí rất lớn cho doanh nghiệp, bởi một vỏ bình gas bán sắt vụn chỉ được khoảng 100.000 đồng.
Ông Thà nhấn mạnh: “Hiện ở Hải Dương, cơ quan chức năng vẫn đang còn giữ hơn 16.000 vỏ bình gas, nhưng đến nay sau 3 tháng rồi vẫn chưa có kết luận hay hướng xử lý gì. Tôi đề nghị cần phải xử lý dứt điểm chuyện này.
Ngoài ra, ở Hòa Bình, sau khi đã xử phạt và tịch thu các vỏ bình gas của Công ty TNHH Phúc Khang, cơ quan chức năng lại ra thông báo rằng các doanh nghiệp có vỏ bình gas bị Công ty TNHH Phúc Khang chiếm giữ trái phép thì liên hệ với cơ quan chức năng để nhận lại, thì tôi cho rằng không hợp lý.
Đúng lý ra, cơ quan chức năng phải yêu cầu Công ty TNHH Phúc Khang phải có trách nhiệm đem trả lại các vỏ bình gas cho các doanh nghiệp khác mới đúng”.
Phải xử lý hình sự hành vi "cắt tai, mài vỏ" bình gas
Tại cuộc họp sáng 22/1, ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục QLTT nêu ra hàng loạt vướng mắc, khó khăn trong việc xử lý tình trạng chiếm dụng chai LPG (bình gas dân dụng). Hiện chưa có quy định về việc buộc phải trao trả bình gas cho chủ sở hữu.
Ông Ngọc cũng thừa nhận, việc kiểm soát chưa tốt các trạm chiết nạp cũng dẫn đến thất thoát một lượng bình lớn. Lượng bình này được một số đối tượng chiếm giữ, "cắt tai, mài vỏ" lại, đóng dấu nhãn mác của đơn vị khác rồi lại lưu hành trên thị trường.
Cũng tại cuộc họp này, ông Ngọc cũng đã lấy ví dụ cụ thể về trường hợp của Công ty Phúc Khang (Hòa Bình) thực hiện việc sang chiết gas trái phép, "cắt tai, mài vỏ" bình gas, gây nguy cơ mất an toàn.
Công ty này đặt tại một vùng núi hẻo lánh, xây tường cao, nuôi chó béc giê để canh giữ và mọi hoạt động chỉ diễn ra vào ban đêm.
Ông Ngọc cho biết: “Chỉ tiếc là khi mình vào kiểm tra, hồ sơ đầy đủ hết, nhưng khi chuyển cơ quan điều tra để xử lý thì không xử lý hình sự được. Cá nhân tôi khi bàn với các đồng chí cảnh sát bên C74 cũng yêu cầu vụ việc này là phải làm thật rắn, phải xử lý hình sự.
Sau khi báo chí phản ánh rằng dù đã xử lý, đã tước giấy phép rồi nhưng các cơ sở kinh doanh gas vẫn có hiện tượng hoạt động về đêm thì báo cáo với các đồng chí trong Hiệp hội Gas là chức năng quản lý thị trường chỉ kiểm tra quản lý hành chính và không quá 22h đêm, nên việc kiểm tra doanh nghiệp ngoài hành chính rất khó”.
“Sau khi nhận được phóng sự và và báo chí đưa tin, tôi đã phải báo cáo với Phó chủ tịch tỉnh Hòa Bình, là trưởng ban 389 của tỉnh để chỉ đạo cơ quan chức năng tỉnh kiểm tra ngay trong đêm và sau đó mới báo cáo Đảng và Chính quyền địa phương. Nói thế để các đồng chí thấy rằng rất vất vả chúng tôi mới làm được vụ này”, ông Ngọc nói.
“Quan điểm cá nhân tôi là trong vụ việc này phải xử hình sự. Bởi vì xử lý hành chính nhiều lần lắm rồi, nhưng có đủ sức răn đe đâu”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Về hướng giải quyết vấn đề kinh doanh và chiếm dụng vỏ bình gas hiện nay, Cục trưởng QLTT Trịnh Văn Ngọc cho biết đã thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý triệt để vấn đề này để đảm bảo sự công bằng, tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính cũng như bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
“Kết quả hoạt động của tổ công tác đặc biệt như thế nào thì chúng tôi sẽ thường xuyên cung cấp thông tin cho đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cũng như báo chí để được rõ. Quan điểm của Cục QLTT là kiên quyết làm nghiêm, làm triệt để vấn đề này”, ông Ngọc khẳng định.
Dư luận đang chờ sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của Cục trưởng QLTT Trịnh Văn Ngọc đối với những doanh nghiệp kinh doanh gas dối trá, bất minh, coi thường pháp luật và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ uy tín của những doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính.
Bình luận