• Zalo

Cục trưởng Cục NTBD: Quản lý người mẫu là bài toán khó

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 09/06/2012 08:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cục trưởng cục NTBD cho biết còn rất nhiều ý kiến trái chiều quanh việc cấp thẻ hành nghề người mẫu.

(VTC News) - Trước việc nhiều ý kiến cho rằng nên cấp thẻ hành nghề người mẫu nhằm quản lý chặt chẽ, hạn chế những lùm xùm trong giới chân dài, Cục trưởng cục NTBD Vương Duy Biên cho rằng việc này còn rất nhiều ý kiến trái chiều, chưa thể thống nhất.
 
Cục trưởng cục NTBD Vương Duy Biên

- Vừa qua, hai đường dây mại dâm bị bắt có liên quan đến lĩnh vực người mẫu là vụ Hồng Hà và Mỹ Xuân. Chuyện này làm dư luận đặt câu hỏi, phải chăng nghề người mẫu đang bị buông lỏng quản lý nên mới sinh ra những tệ nạn vậy?

- Hiện nay, hoạt động nghề nghiệp (người mẫu trình diễn thời trang) được quản lý chặt chẽ theo quy định tại Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành - Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng. Vì vậy không có chuyện “buông lỏng quản lý”.

Nhưng có thể nói rằng, một bộ phận những người “đẹp” đã bỏ qua những giới hạn về đạo đức, lối sống đời thường dẫn đến vi phạm phạm pháp luật, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, lối sống, cụ thể là những trường hợp báo chí đưa tin vừa qua.

- Ở vị trí cơ quan quản lý, ông thấy thế nào về thực trạng hoạt động và những phức tạp của nghề người mẫu hiện nay?


- Hoạt động người mẫu là hoạt động trình diễn, ai cũng biết đó là lĩnh vực hết sức nhạy cảm.
Những người mẫu thường có vóc dáng, xinh đẹp, nên nhiều người để ý, quan tâm, dễ có những đề nghị “hấp dẫn”, và nếu không có bản lĩnh sẽ khó thoát khỏi cám dỗ, dẫn đến đánh mất danh dự và nhân phẩm của cá nhân mình.

Và thực tế đã xảy ra những câu chuyện đáng buồn như thời gian gần đây cũng là dễ hiểu, đó là sự phức tạp của nghề người mẫu.


Hơn nữa, nhiều cơ quan truyền thông xây dựng cho giới người mẫu ánh hào quang xung quanh quá lớn. Đôi khi sự tô vẽ là quá đà, một người nào đó chỉ đạt một danh hiệu nhỏ từ cuộc thi cấp địa phương hay tư nhân tổ chức cũng phong cho họ danh xưng hoa hậu, hoa khôi, rồi thành người của công chúng.

Nhiều trường hợp, mọi người không biết là ai, sau scandal mọi người mới ớ người ra ơ hóa ra người này là ca sĩ, người kia là hoa khôi, hoa hậu à, và đều thông qua phương tiện truyền thông. Đó cũng là một chiêu đánh bóng tên tuổi “rẻ tiền” nhưng hiệu quả với sự trợ giúp của một bộ phận giới truyền thông.

- Tại Hội nghị chấn chỉnh quản lý nghệ thuật biểu diễn do Bộ VHTTDL tổ chức tuần qua, các công ty người mẫu có đề nghị Cục NTBD cấp thẻ hành nghề người mẫu cho họ. Ý kiến của ông thế nào về việc cấp thẻ này?

- Việc cấp thẻ hành nghề được đưa ra còn nhiều ý kiến trái chiều, có nhiều người ủng hộ việc cấp thẻ hành nghề nhưng nó lại không đúng tinh thần của chính phủ về cải cách thủ tục hành chính. Đối với ngành này thì là thẻ hành nghề nhưng với ngành khác thì không phải.

Ví dụ người học mỹ thuật thì có quyền vẽ, có quyền mở triển lãm, bằng cấp do nhà nước cấp, nhưng khi một người khác học ngành nghệ thuật khác ra vẽ lại cần có một chứng chỉ hành nghề nữa thì lại không bình đẳng, những người rẽ tay ngang sẽ rất khó cấp phép. Mình phải mở để cho tất cả có cơ hội thử sức và cùng phát triển.

Thực tế nhiều người học hành bài bản nhưng không biểu diễn được, không vẽ được, nhưng có người không học bài bản, trường lớp lại ca hát, diễn xuất hay vẽ được. Nên tiêu chí để cấp thẻ hành nghề rất khó và phức tạp, chính vì thế còn ý kiến khác nhau.

Giới người mẫu thời gian vừa qua gặp rất nhiều bê bối 

- Nhưng nhiều người nghĩ đơn giản, việc cấp thẻ hành nghề sẽ hạn chế được những bê bối trong nghề người mẫu, vì như vậy sẽ dễ quản lý hơn?

- Có thể khẳng định, những trường hợp “người mẫu, ca sỹ” vi phạm pháp luật vừa qua không phải là những vi phạm trong hoạt động nghệ thuật. Thẻ hành nghề chỉ có giá trị khi “người mẫu, ca sỹ” tham gia biểu diễn, nhưng trong đời sống sinh hoạt bên ngoài, họ lại sai phạm, thì thẻ hành nghề cũng không có giá trị, và những sai phạm này phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể nhiều người nghĩ rằng cấp thẻ người mẫu sẽ dễ quản lý, cứ người nào sai phạm là không cấp hoặc thu hồi thẻ, nhưng hầu hết những vụ việc liên quan đến người mẫu chỉ xử ở mức xử phạt hành chính chứ không phải án hình sự, không cấm vĩnh viễn được.

Vì vậy, vấn đề nào khi được đặt ra cũng cần cân nhắc kĩ càng và lựa chọn thấu đáo, việc cấp thẻ hành nghề cũng vậy, phải tính đến mọi phương án trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, vì hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói chung là khá phức tạp và nhạy cảm.

- Vậy đứng ở cương vị Cục trưởng cục NTBD, cá nhân anh thấy có phương án nào khả thi để tránh tình trang scandal trong giới người mẫu nhức nhối như hiện nay?
 

- Nhìn nhận một cách khách quan, scandal là mặt trái nhưng lại là một thực trạng của showbiz hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Nhưng vấn đề là những scandal dạng nào, và như những gì xảy ra vừa qua đã vượt mức cho phép của những scandal giải trí đơn thuần, đó là hành vi vi phạm pháp luật, và sẽ bị xử lý theo quy định.

Tại Hội nghị chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động nghệ thuật đã đưa ra những giải pháp, một trong những giải pháp quan trọng đó là tăng cường sự phối hợp của các cơ quan truyền thông, báo chí. Khi xảy ra một sự việc thì báo chí phản ánh ở mức độ nào, phê phán ở góc độ nào, ví dụ tôi đọc một bài báo phê phán cách sống của một “người mẫu nội y”, nhưng kèm theo đó lại là một vài cái ảnh rất to đập vào mắt người đọc cô này đang uốn éo trong bộ quần áo thiếu vải như thế nào. Sau vài bài với vài chùm ảnh như vậy là thành nổi tiếng rồi.

Ngay cả một chuyện rất vớ vẩn của một nam ca sĩ mà báo chí rùm beng, sau sự kiện đó thì anh này ra album. Vậy là báo chí vô  tình đã tiếp tay cho mục đích PR của không ít người muốn nổi tiếng, muốn bán được đĩa.

Cho nên, người làm báo cũng phải có nhạy cảm để biết phê phán đến đâu và phê phán như thế nào cho đúng.

Cái này nó phải đồng bộ từ cơ quan quản lý đến báo chí, truyền thông, từ các công ty tổ chức sự kiện tới những nhà làm phim. Nếu đã nhiễu scandal kiên quyết không mời tham gia sự kiện, nếu viết bài phê phán không đăng ảnh, ngay cả những người lợi dụng scandal để pr tên tuổi báo chí cũng không nên viết về họ.

Thực tế còn có những người muốn nổi tiếng đã nhờ một số phóng viên viết bài “đánh” mình, vì viết một bài báo khen chưa chắc người ta đã tin, đã khiến người đọc nhớ, nhưng chỉ cần vài bài chê hoặc phê phán là gây sự chú ý của độc giả ngay. Người ta sẵn sàng làm như thế để nổi tiếng chứ.

- Cá nhân anh suy nghĩ như thế nào về việc hai đường dây bán dâm trong đó hầu hết là người mẫu, diễn viên, hotgirl với cái giá lên tới hàng nghìn USD bị bắt vừa qua?


- Điều đầu tiên phải hiểu, đã vi phạm pháp luật là phải xử lý, bất kể đó là ngành nào, danh hiệu gì. Còn về sự việc vừa diễn ra thì tôi rất đáng tiếc vì những cái tên trong đường dây này lại có một số người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nên đương nhiên mình phải chú ý.

Các cơ quan quản lý ở địa phương cũng cần chú ý, đặc biệt là vấn đề giáo dục. Xây dựng cho những người tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật một phông văn hóa cơ bản, trang bị cho họ kiến thức, sự hiểu biết và trách nhiệm công dân. Hầu hết những người mẫu thường vào nghề từ khi tuổi còn rất nhỏ, chưa đủ độ chín chắn, lại làm việc trong một môi trường cám dỗ lớn, nên rất dễ sa ngã.

Các cơ quan quản lý nên chặt chẽ, truyền thông cũng phải hiệu quả và phải phối hợp với nhau.

Chỉ thị 65 của Bộ trưởng bộ VHTTDL đưa ra mấy vấn đề, thứ nhất hồ sơ phải chặt chẽ, thứ hai xác định rõ vai trò trách nhiệm của những người đứng đầu những cơ quan quản lý ở địa phương, thứ ba là thanh tra kiểm tra thường xuyên, thứ tư là mức xử phạt tăng mang tính răn đe. Đương nhiên chúng ta vừa chống lại vừa xây.

Việc cấp thẻ hành nghề người mẫu còn gặp nhiều ý kiến trái chiều 

- Còn nhớ trong bóng đá, khi Văn Quyến, Quốc Vượng và một số đồng đội của anh bán độ, người ta đổ lỗi một phần do phông văn hóa yếu, dễ bị cám dỗ, đã có người mạnh dạn đưa ra ý kiến là nên quy định học hết lớp bao nhiêu thì mới được vào đội tuyển quốc gia. Cũng tương tự, giới người mẫu, những người thỉnh thoảng vẫn bị gọi vui là chân dài óc ngắn, theo anh có nên có quy định về trình độ học vấn của người tham gia nghề người mẫu không?


- Thực ra là có những quy định rất cụ thể về vấn đề này, ví dụ như đối với những cuộc thi sắc đẹp chính thống, thí sinh dự thi ít nhất phải tốt nghiệp phổ thông trung học, tức là học hết lớp 12 nghĩa là phông văn hóa cơ bản đã được trang bị tương đối đầy đủ, từ kiến thức, thẩm mỹ, ứng xử...

Nhưng những cuộc thi ở địa phương, những cuộc thi do tư nhân tổ chức thậm chí những chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm người mẫu lại dễ xuê xoa về vấn đề này, thì tôi nghĩ cũng nên có những quy định cụ thể cho mỗi cuộc thi.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ trước, trong và sau các cuộc thi sắc đẹp tại địa phương, để hoạt động đi đúng định hướng và những thí sinh đạt giải phải thực sự xứng đáng.

Tới đây khi nghị định mới ra đời, tiếp theo sẽ có thông tư hướng dẫn chi tiết, trường hợp nào vi phạm, trường hợp nào cấm, mức xử phạt như thế nào, hy vọng sẽ giải quyết được tốt tình trạng hiện nay.

Xin cảm ơn anh!

An Yên(thực hiện)

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây

 
Bình luận
vtcnews.vn