Vấn đề ca khúc nhảm với tựa đề nhạy cảm, thiếu văn minh như Thu dẩm, Xếp hình, Như lời đồn... trở thành tâm điểm tranh cãi những ngày gần đây. Giới trong nghề, và cả dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm và động thái của cơ quan quản lý trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của những sản phẩm âm nhạc có nội dung "câu khách", chiêu trò.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), khẳng định cơ quan quản lý không dung túng hay đổ lỗi cho đơn vị khác về vấn đề này. Nhưng vị lãnh đạo Cục cũng thừa nhận văn bản pháp quy hiện chưa có sự hoàn thiện.
"Cục Nghệ thuật Biểu diễn không lúng túng"
- Ca khúc nhảm, nhan đề thô tục đang xuất hiện không ít trên thị trường với những cái tên như "Như cái lò", "Xếp hình", "Thu dẩm", "Như lời đồn"… nhưng Cục Nghệ thuật Biểu diễn vẫn chưa có động thái xử lý cụ thể. Có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý đang lúng túng?
Theo tôi, không hề có sự lúng túng. Cơ quan quản lý nằm trong một hệ thống nhất định. Như chúng tôi là Cục Nghệ thuật Biểu diễn, không thể lúc nào cũng lọ mọ xem cái nào là đúng, cái nào không đúng, không thể kiểm soát hết được, chỉ có cái nào vi phạm thì chúng tôi xử lý.
Tự đăng MV, ca khúc thô tục lên mạng là vi phạm.
Ông Nguyễn Quang Vinh
Ví dụ ở tỉnh, thành có ủy ban, sở. Các bộ ngành đều có cục, vụ. Vấn đề là khi ban hành tiêu chuẩn chung thì cơ quan của các bộ, ngành, địa phương sẽ đều cùng chung tay vào và đều có trách nhiệm. Khi vi phạm xảy ra ở địa phương thì không đổ cho Trung ương được, địa phương phải có trách nhiệm xử lý.
- Cụ thể, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, với trách nhiệm quản lý trực tiếp hoạt động biểu diễn nghệ thuật, sẽ có biện pháp gì trước vấn đề ca khúc nhảm mà dư luận đặt ra những ngày gần đây?
Chúng tôi đang xây dựng, nói đúng hơn, là đang trong quá trình hoàn thiện, bổ sung nghị định về vấn đề này. Chắc chắn là chúng tôi sẽ quan tâm và đang tìm biện pháp tốt nhất để có quy định cụ thể, từ đó các nơi căn cứ vào đó để xử lý những trường hợp vi phạm.
Hiện nay, nghị định cũ vẫn còn giá trị, tất nhiên là các nghị định sau một thời gian có thể không phù hợp nữa nên cần phải bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình hiện nay.
- Ngoài việc hoàn thiện về văn bản quy phạm pháp luật, Cục còn hướng xử lý nào khác?
Ca khúc được phát hành ở đâu, nơi đó có quyền xử lý. Điều này cũng giống như tham gia giao thông, người dân vượt đèn đỏ, công an giao thông ở đó sẽ xử lý, chứ đòi hỏi người dân thành một thói quen chấp hành cũng rất khó.
"Không biết thì không kiểm soát được"
- Thực tế, album, live show của ca sĩ, ngành văn hóa đang quản lý bằng cách cấp phép, nhưng loại hình music video (MV) gần như là tự do đăng tải. Quan điểm của ông như thế nào?
Đúng là album, live show, chúng tôi kiểm soát được, quản lý trước khi phát hành. Tất cả sản phẩm âm thanh, hình ảnh đều phải xin phép. Do vậy, không xin phép, tự đăng MV, ca khúc lên mạng là vi phạm. Nhưng chúng tôi cũng chỉ cấp phép khi họ xin cấp phép.
Tất nhiên, nếu tự đăng tải mà là những bài có nội dung tốt, không có ảnh hưởng gì cả thì dễ được chấp nhận, còn nếu nội dung không tốt, thô tục, thì các bên liên quan phải chịu trách nhiệm.
- Nhưng ca sĩ, nhạc sĩ thường đăng tải MV trên YouTube, một mạng xã hội chia sẻ clip, video. Cục Nghệ thuật Biểu diễn quản lý ra sao?
Đó là thuộc về Bộ Thông tin Truyền thông. Tất nhiên, hai bên phải có sự phối hợp. Chúng tôi đang xây dựng chính sách phối hợp để thành những quy định. Hiện tại, vấn đề quản lý vẫn là trên tinh thần cố gắng của cả hai cơ quan.
- Cục Nghệ thuật Biểu diễn có đang đổ lỗi cho một cơ quan quản lý khác?
Không. Với những sản phẩm được cấp phép, Cục cấp phép, Cục sẽ chịu trách nhiệm. Nhưng với những sản phẩm không thông qua Cục, Cục cũng không biết thì không thể kiểm soát được. Chúng tôi chỉ biết cố gắng.
- Theo ông, trước mắt khi cơ chế chưa rõ ràng, quy định chưa hoàn thiện, điều gì là cần thiết trước vấn nạn ca khúc nhảm, nhan đề, ca từ thô tục?
Trước hết là chúng ta không nên xem, nghe những sản phẩm như vậy, coi như không thấy gì cả.
- Xin cám ơn ông về những chia sẻ trên!
Bình luận