Theo Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), có hai phương án xử lý tài sản kê khai không trung thực là: Đánh thuế 45% hoặc xử phạt 45% giá trị tài sản bằng tiền. Ngoài ra, nhiều đại biểu còn mong muốn mở rộng đối tượng kê khai sang cả người thân của người phải kê khai tài sản.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt ý kiến đó còn gặp phải nhiều phản biện.
"Nếu mở rộng đối tượng kê khai tài sản ra người thân quan chức thì có ý kiến cho rằng cần phải tính toán lại, rằng người thân nhiều quá thì quản lý thế nào được. Nhưng theo tôi, nếu thực sự muốn quản lý thì phải kê khai, quản lý người thân quan chức.
Quan chức có 4-5 cái nhà, có bao giờ lấy tên mình, vợ mình đâu, toàn lấy tên người thân cả. Mà người thân họ làm doanh nghiệp, hay làm việc khác thì ai được quyền hỏi người ta. Người ta không phải đối tượng phải kê khai. Nhưng thực tế cho thấy đó là kẽ hở để quan chức đưa tài sản cho người thân.
Quan chức có 4,5 cái nhà, có bao giờ lấy tên mình, vợ mình đâu, toàn lấy tên người thân cả.
Cục trưởng Phạm Trọng Đạt
Mình biết có nhiều quan chức đưa tài sản cho người thân của mình, nhưng không làm sao xử lý được vì không có quy định. Hỏi những người được chuyển giao, họ nói họ không phải đối tượng kê khai tài sản, họ làm ra đấy, nếu làm sai thì bắt đi, nhưng làm sao mà bắt được".
Theo Cục trưởng Đạt, những vấn đề tồn tại đó sẽ cần phải có phương án giải quyết trong tương lai. Tuy nhiên, đứng về khía cạnh nào đó để chống tham nhũng thì đã là quan chức phải chấp nhận những ràng buộc, yêu cầu như thế, thế mới làm quan chức, còn không thì thôi, đừng làm quan chức nữa.
Có nhiều ý kiến cho rằng viếc đánh thuế 45% tài sản bất minh là hợp pháp cho tham nhũng, Cục trưởng Cục chống tham nhũng phủ nhận, và nói thêm rằng nếu cơ quan chức năng phát hiện ra đó là tài sản tham nhũng thì có quyền khởi tố và tịch thu, không loại trừ trách nhiệm hình sự, luật như thế là chặt rồi.
Theo Cục trưởng Phạm Trọng Đạt, việc phòng, chống tham nhũng hiện tại còn gặp nhiều khó khăn.
"Sắp tới phải có cơ quan chuyên về quản lý, lưu trữ, thẩm định, xác minh việc kê khai tài sản và chịu trách nhiệm về việc này thì mới thống nhất được. Mấy năm vừa rồi, giao các địa phương, bộ ngành, phát hiện quá ít các trường hợp kê khai không trung thực.
Chưa có một cơ quan quản lý sâu chuyện này. Quốc hội cần có ý kiến, làm luật, từ đó mới có cơ sở pháp lý giải quyết những vướng mắc về cơ chế, chính sách, điều kiện hiện tại. Tháo gỡ được cái đó thì sẽ làm được. Con người đã sẵn sàng rồi", ông Đạt nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng là dự án luật được Quốc hội dành thời gian thảo luận dài nhất tại kỳ họp thứ 5, và dự tính đến kỳ họp thứ 6 mới xem xét thông qua.
Bình luận