Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, song còn nhiều băn khoăn về tác động đến lợi ích của người dân và an ninh quốc gia.
Ngày 15/6, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng An ninh mạng (Bộ Công an) đã trả lời về các quy định của luật mới này.
- Trong quá trình soạn thảo dự luật, ông thấy các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Google… phản ứng ra sao trước yêu cầu phải lưu trữ dữ liệu người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam?
- Dự thảo Luật An ninh mạng được xây dựng từ tháng 11/2016 theo nghị quyết Quốc hội. Thành viên Ban soạn thảo gồm các bộ: Công an, Thông tin Truyền thông, Quốc phòng, Kế hoạch Đầu tư, Công Thương…
Quá trình xây dựng, chúng tôi đã tiếp cận những người có trách nhiệm của Google, Facebook, Hiệp hội kinh doanh Mỹ… để lắng nghe. Khi trao đổi, tôi chưa thấy đại diện các đơn vị đó có ý kiến gì khác. Họ chỉ hỏi khi ban hành luật có ảnh hưởng gì không. Chúng tôi giải thích và họ cho rằng đây là vấn đề phù hợp, sẽ nghiên cứu điều chỉnh chiến lược của tập đoàn.
- Nhiều người lo ngại vì quy định này mà Facebook, Google… sẽ rút khỏi Việt Nam khi Luật An ninh mạng có hiệu lực. Ông đánh giá việc này như thế nào?
- Chúng tôi chưa nhận được thông tin nào như vậy. Hiện có khoảng 48 triệu tài khoản Facebook ở Việt Nam, chiếm thị phần rất lớn trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.
- Một số ý kiến cho rằng Luật An ninh mạng vi phạm một số điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, chẳng hạn quyền tự do ngôn luận. Quan điểm của ông như thế nào?
- Không có chuyện cơ quan chức năng sẽ theo dõi, giám sát tất cả các tài khoản trên mạng xã hội mà trái lại chưa bao giờ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được bảo vệ nhiều như tại Luật An ninh mạng
Luật không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chúng tôi đã rà soát rất cụ thể. Tôi đã tiếp xúc, lắng nghe các nhà ngoại giao với tư cách thành viên tham gia Ban biên soạn và họ đều khẳng định có những phạm vi ngoại lệ, quốc gia nào cũng vậy.
Luật cũng không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận. Chưa có luật nào đưa ra những quy định bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức sử dụng không gian mạng mới như luật này, cũng chưa bao giờ quyền trẻ em được bảo vệ như vậy trên không gian mạng. Quyền của tổ chức và cá nhân được bảo vệ để mỗi người được thoải mái sử dụng mạng mà không lo vi phạm pháp luật.
Qua đây tôi cũng mong người dân hãy yên tâm có thể sử dụng Facebook và Youtube bình thường mà không lo sợ bị cấm hay khống chế. Nếu mọi người trình bày đúng quan điểm mà không vi phạm luật hình sự thì không bị cấm.
Các hành vi phạm pháp "ngoài đời" bị cấm như thế nào thì trên không gian mạng cũng bị cấm như vậy, chẳng hạn đe doạ giết người, mua bán, hướng dẫn sử dụng vũ khí, kích động biểu tình...
- Nhiều doanh nghiệp lo ngoại luật yêu cầu cung cấp thông tin cho cơ quan an ninh là vi phạm quy định bảo vệ bí mật quyền riêng tư của khách hàng. Ông giải thích gì về điều này?
- Tôi nghĩ doanh nghiệp không phải lo lắng, vì chỉ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật chúng tôi mới đặt vấn đề cung cấp thông tin người dùng. Hơn nữa, việc cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan an ninh không phải là vi phạm bí mật quyền riêng tư.
Cơ quan chức năng chỉ đề nghị doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp thông số khi điều tra hành vi vi phạm pháp luật được quy định rõ tại điều 26 Luật An ninh mạng. Cụ thể, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
- Để xác định thế nào là hành vi cấm hoạt động trên mạng, luật trao quyền thẩm định cho một số cơ quan chức năng..., song có cách kiểm soát nào để tránh việc đánh giá này mang tính quy chụp, không khách quan?
- Khi xác định nội dung vi phạm pháp luật, nếu liên quan vấn đề thông tin truyền thông thì Bộ Thông tin Truyền thông sẽ thẩm định; liên quan đến văn hoá thì Bộ Văn hoá thẩm định...
Cơ quan chuyên trách Bộ Công an, Quốc phòng sẽ căn cứ những thẩm định đó đẻ đề nghị cung cấp thông tin khi điều tra hành vi vi phạm pháp luật. Với các quy định chặt chẽ trong luật, tôi cho rằng không thể xảy ra việc lạm quyền, không khách quan.
Luật cũng quy định rõ, nếu cá nhân, tổ chức, cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng lợi dụng Luật An ninh mạng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trật tự an toàn xã hội thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
- Có đại biểu Quốc hội đề nghị việc xác định, đánh giá đó nên để toà án giải quyết mới đúng chức năng, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Toà án chỉ kết án khi có tội. Còn khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì việc thẩm định là của cơ quan chức năng.
- Theo luật, những nội dung nào đăng trên mạng xã hội sẽ bị coi là nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xúc phạm vĩ nhân, lãnh tụ, anh hùng dân tộc hay kêu gọi biểu tình?
- Chúng ta đang trong tình huống nguy hiểm về an ninh mạng khi có hiện tượng kích động biểu tình, gây rối vào những ngày này. Chúng ta phải giải quyết câu chuyện này để người dân không bị lợi dụng.
Khi có dấu hiệu xúc phạm vĩ nhân thì cần có thẩm định của Bộ Văn hoá để xác định có đúng hay không. Khi Bộ Văn hoá trả lời xác nhận thì cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng mới thực hiện theo luật. Nếu liên quan đến lịch sử, các bộ phận nghiên cứu lịch sử sẽ thẩm định và trả lời, chứ không phải thấy những nghiên cứu mới thì coi là vi phạm pháp luật.
Những gì mới mà không vi phạm luật hình sự thì không bị cấm.
- Ban soạn thảo đã lường trước thế nào về nguy cơ Luật An ninh mạng sẽ chồng chéo với các luật khác?
- Luật này không không hề chồng chéo với các luật khác và được 86,86% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua.
Cuộc sống của chúng ta đang bị ánh xạ từ thực sang ảo, nếu không điều chỉnh trên không gian mạng thì chắc chắn trong đời sống sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Bình luận