Sáng 18/5, tại Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 do Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với tổ chức ChildFund tổ chức, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trước tiên trách nhiệm phải là của bố mẹ và gia đình.
Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, nếu bố mẹ mà thiếu quan tâm, không bảo vệ tốt các con của mình thì không ai có thể làm tốt hơn.
Cục trưởng Cục Trẻ em nêu thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng lừa đảo gọi điện báo con trẻ cấp cứu, yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Vấn đề là những thông tin rất riêng ở đâu ra để đối tượng lừa đảo lợi dụng? Thực tế cho thấy, không ít bố mẹ vẫn vô tư chia sẻ hình ảnh, thông tin con học trường nào, đang có hoạt động gì, thậm chí còn định vị địa điểm của con đăng tải lên mạng xã hội.
"Chính cha mẹ, người thân trong gia đình cần phải chủ động bảo vệ con em mình trên môi trường mạng. Phụ huynh cũng cần phải học cách làm cha mẹ, chủ động tìm hiểu nâng cao nhận thức, kiến thức, cách thức để bảo vệ con em mình tốt hơn trên môi trường internet; cũng như hướng dẫn con khai thác tốt thế mạnh của công nghệ, đồng thời hạn chế con em tiếp xúc với thông tin xấu độc trên mạng", ông Đặng Hoa Nam cho hay.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, bà Đinh Thị Như Hoa - Trưởng phòng (Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo thống kê, tỷ lệ sử dụng internet ở trẻ từ 12 đến 17 tuổi là rất cao, chiếm 93% ở thành thị và 88% ở nông thôn. Trong đó, trẻ em gái sử dụng internet chiếm tới 89%. Đặc biệt, trẻ tiếp cận qua phương tiện là điện thoại thông minh chiếm tới 98%.
Theo bà Đinh Thị Như Hoa, một trong số những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng. Trong đó, chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh một cách vô tư không kiểm soát trên mạng xã hội, forum, diễn đàn... cũng có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ em.
Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” với các hoạt động, chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội nhằm tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em một cách quyết liệt, có các biện pháp can thiệp trước mắt và lâu dài.
Cùng với đó là việc thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại và phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ.
Bình luận