Đến Cúc Phương vào ngày nắng trời đất cho khung cảnh lung linh. Những tia nắng xuyên qua những kẽ hở tán cây rọi xuống như những thanh kiếm thủy tinh vàng sáng trong không gian chuyện cổ tích. Lá khô lạo xạo bước chân đi xuyên rừng thơm nồng ngái ngậy.
Êm như ru. Nhẹ như bấc. Thi thoảng gió hây thổi thoáng mát gương mặt lấm tấm mồ hôi của những con người đang hồ hởi khám phá rừng nguyên sinh. Rõ ràng là hơn đến với Cúc Phương ngày mưa. Mưa dầm dề cũng chán như mưa dội cơn. Trời thì âm u mà thảm lá khô tụ nước bốc lên mùi mốc ẩm hăng hắc và oi nồng. Khó chịu lắm. Những con vắt ở đâu búng ra biến ảo loại sâu đo đua nhau bám vào chân người hút và hít hà mùi máu. Chúng nghiện máu người như đỉa. Tôi chọn ngày nắng.
![]() |
1. Động Người Xưa và Cây Đăng cổ thụ
Động Người Xưa là một di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử. Năm 1966 Viện Khảo cổ Việt Nam đã tiến hành khai quật hang động này và phát hiện 3 ngôi mộ cổ với các bộ phận xương người hóa thạch còn khá nguyên vẹn. Bằng phương pháp khoa học các nhà khoa học đã xác định những bộ xương này cách nay khoảng 7.500 năm. Động Người Xưa là một di sản quý của Cúc Phương.
Từ đường ô tô dừng đỗ ta chỉ đi bộ khoảng 300 mét là đến. Nhưng cũng phải leo dăm chục bậc đá dốc ngược mới tới được cửa động. Mát ơi là mát như vào nơi có điều hòa nhiệt độ vậy.
Còn Cây Đăng cổ thụ là cây có hình thái đẹp, cao tới 45 mét, đường kính 5 mét. Cỡ 8 người ôm. Từ cổng vườn theo đường ô tô vào trung tâm, qua Động Người Xưa chừng 2 ki-lô-mét sẽ gặp Cây Đăng cổ thụ ở phía bên trái đường. Từ đây nếu ta đi bộ thêm 3 ki-lô-mét vượt qua 4 cái dốc đá sẽ thấy nhiều quần xã thực vật cũng là để hiểu biết thêm về rừng nguyên sinh mà nhận ra nhiều điều kỳ diệu của thiên nhiên. Và khi trở ra theo đường khác lượn tròn dài khoảng 6 ki-lô-mét lại có điều kỳ thú nữa, là xem bộ xương hóa thạch của một loài bò sát răng phiến.
2. Cây Chò Xanh ngàn năm và Động Sơn Cung
Cây Chò Xanh ngàn năm là một trong nhiều cây cổ thụ của Cúc Phương. Cây có hình thái đẹp cũng cao chừng 45 mét và có chu vi khoảng hai chục người ôm. Từ trung tâm vườn theo đường mòn đi chừng 3 ki-lô-mét là gặp Chò ngàn năm, đúng là một kỳ quan của tạo hóa. Trên tuyến đi ấy ta còn gặp một loại cây dây leo thân gỗ rất lạ có đường kính thân tới 0,50 mét.
![]() |
3.Cây Sấu cổ thụ và bản Mường
Tuyến này là tuyến du lịch mạo hiểm dành cho ai mạnh mẽ vì nó là tuyến đi bộ xuyên rừng ngủ bản. Từ trung tâm Vườn ta đi bộ về phía Tây, vượt qua con đường bê tông dài chừng 3 ki-lô-mét là tới Cây Sấu cổ thụ. Cây cao tới 45 mét, đường kính 1,50 mét. Cây có hình thái đẹp, du khách không khỏi sững sờ trước hệ thống bạnh vè cao và chạy dài như một bức tường thành. Từ Cây Sấu cổ thụ đi tiếp theo con đường mòn nhỏ chừng 13 ki-lô-mét xuyên rừng là ta tới được bản Mường. Bản Mường nằm bên dòng sông Bưởi thơ mộng với nhiều bản sắc văn hóa truyền thống, những căn nhà sàn thấp lợp lá gồi hoặc cỏ gianh, những khung cửi dệt thổ cẩm sắc màu sặc sỡ. Đi tuyến này là phải mang theo đồ ăn nhanh và nước giải khát bên mình. Đói là ăn khát là tu.
Lứa tuổi trẻ tới Rừng Quốc gia Cúc Phương nhiều trội. Đi bằng xe máy dung dăng từng đôi một. Phiêu lãng. Có lẽ chúng đi theo ánh lửa từ trái tim mình nên hăng bốc, thở hổn hển mồ hôi vã ra như tắm mà vẫn hỉ hả cười. Chúng nhờ tôi bấm máy ảnh giúp và gắng tạo dáng bên nhau mùi mẫn bên gốc cây đại thụ, bên hang động và đánh võng trên những chiếc cầu treo. Bù lại chúng giúp tôi xốc nách kéo lên dốc và kìm lại khi xuống. Rồi chúng tản ra riêng rẽ ở một nơi khuất nẻo nào đó. Chúng làm tôi chạnh lòng.
Đến Cúc Phương chuyến này tôi gặp lại mẹ con cô gái trẻ Phương Bình mà đầu năm chúng tôi đã có cuộc cùng đi đến đảo Nami Hàn Quốc. Phương Bình cũng là người thích du ngoạn đó đây. Cô nói rằng Nami có cái đẹp của Nami theo cái cách rừng nhân tạo mang chủ đề. Còn Cúc Phương có cái đẹp tự nhiên nguyên sinh. Đẹp lạ lùng nguyên sơ. Hiềm một nỗi con người cứ tận diệt sinh vật chỉ vì nghĩ tới cái ăn. Dẫu sao cũng đã kịp thời cứu rỗi.
Ở một quán ăn nơi xe đổ khách, có vài anh chị Tây – Tàu – Hàn Quốc. Những người này quen du lịch phượt hay sao mà không thấy nét mỏi mệt trên gương mặt họ. Họ ăn trứng vịt lộn, trứng vịt luộc, gà vườn nướng, cá rô chiên ròn nhắp rượu gạo lúa nương Mường cay cay ngọt ngọt.
![]() |
Thực tế trước đây thì có nhưng chục năm lại đây là cấm nghiêm. Trước đây những loại đó dân địa phương có bán vụng trộm nhưng phải đem ra cách cửa rừng hơn chục cây số. Người quen tôi ở Ninh Bình thỉnh thoảng có gửi quà ra Hà Nội là con chồn và cầy hương nướng một lửa để tôi chế biến sau. Giờ, chính người quen ấy cũng xác nhận không được phép. Bắt được, họ truy đến cùng ra người vi phạm từ đầu mối. Phạt rất nặng bằng tài chính và nếu có tổ chức là rơi vào nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thay thế, người quen ấy lại gửi cho tôi vài bắp hoa chuối rừng rất đặc trưng đỏ au to đẹp nở bung tua tủa những ấu chuối vàng rộm cắm vào những chiếc lọ sành hoặc đất nung mới thích hợp. Trông lạ sướng con mắt. Vào mùa có hoa chuối rừng người ta có chuyển về Hà Nội bán nhưng đắt kinh khủng. Bởi thế nay ngồi giữa rừng Cúc Phương mà phải ăn trứng vịt luộc cá rô ron chiên dầu và gà đồi nướng.
![]() |
Có lẽ thế, và đúng như thế, Ban quản lý Rừng Cúc Phương đã đề thơ trên một tấm biển lớn dựng nơi khu trung tâm như một lời cảm tạ:
Bạn không để lại gì ngoài những dấu chân
Bạn không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp
Bạn không giết gì ngoài thời gian
Thế là bạn đã cùng chúng tôi gìn giữ di sản thiên nhiên này
Leave nothing but footprings
Take nothing but photograpphs
Kill nothing but yourstime
Help protect Cuc Phuong .
Giang Lân
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận