• Zalo

Cục NTBD 'tố' Phó Đức Phương lương 45 triệu còn ăn vạ

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 26/02/2012 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News)- Cục Nghệ thuật biểu diễn tố nhạc sĩ Phó Đức Phương lương 45 triệu còn "ăn vạ”, “đổ vấy” cho cơ quan quản lý nhà nước để ép Cục phải “thông đồng”.

(VTC News )- Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vừa chính thức đưa ra phản ứng về việc nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng gần 40 nhạc sĩ phản đối Cục đã tiếp tay cho bầu show “quỵt” tiền tác quyền.

VCPMC bôi xấu Cục NTBD

Trên Tạp chí NTBD của Cục NTBD đã có loạt bài về Sự thật về đòi hỏi của của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Trong đó nêu quan điểm của Cục NTBD như sau:

“Gần đây, tình trạng vi phạm về bản quyền tác giả âm nhạc trong đời sống xã hội đã để cho nhiều nhạc sĩ bức xúc, đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay xuất hiện những ca sĩ biểu diễn chỉ một đêm nhưng hưởng cát-xê lên tới hàng trăm triệu đồng lại càng làm cho một số nhạc sĩ thêm bội phần… sốt ruột.

Chính vì vậy, việc đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giúp đỡ, ủng hộ, để các nhạc sĩ được bảo đảm quyền lợi về tác quyền là hoàn toàn chính đáng.

các nhạc sĩ ký kiến nghị gửi Chính phủ để tố Cục NTBD tại VCPMC ngày 16/2.  

Cuộc họp ngày 16/2/2012 của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (viết tắt theo tên giao dịch Quốc tế của tổ chức này là VCPMC) - một tổ chức nghề nghiệp hoạt động hoàn toàn tự nguyện thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam hướng tới mục đích trên cũng là nguyện vọng thỏa đáng của một tổ chức nghề nghiệp.

Song thật đáng tiếc, VCPMC do nhạc sĩ Phó Đức Phương đứng đầu tổ chức cuộc họp này đã lợi dụng vào bản chất trong sáng, trung thực của một số nhạc sĩ để tạo ra những thông tin thiếu chính xác hướng tới công kích và bôi xấu cơ quan quản lý nhà nước là Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nhằm thực hiện mục đích thu tiền tác quyền – mà đồng tiền này thu vào VCPMC đang bị các nhạc sĩ nghi ngờ, không tin tưởng bởi sự mập mờ của VCPMC...”

Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục NTBD cho rằng động thái này của nhạc sĩ Phó Đức Phương nhằm thực hiện mục đích thu tiền tác quyền mà việc làm này đang bị các nhạc sĩ nghi ngờ về sự mập mờ của VCPMC.

Các cán bộ của Cục NTBD đã điều tra về các chữ kí trong bản kiến nghị của VCPMC. Chỉ có bốn người ký ở dưới bản gốc lá đơn là nhạc sĩ Phó Đức Phương và ba nhà thơ, còn lại, hàng chục nhạc sĩ khác chỉ ký vào tờ giấy trắng mà không biết cụ thể nội dung ra sao.

Cục NTBD nhận định, một số cá nhân tại Trung tâm đã lợi dụng các nhạc sĩ và người nhà nhạc sĩ để “dựng chuyện, kích động tố cáo Cục theo kiểu ăn vạ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Cục cho rằng nếu VCPMC không bảo vệ nổi quyền lợi cho khách hàng thì phải bồi thường thiệt hại cho họ, chứ không thể chuyển sang “ăn vạ”, “đổ vấy” cơ quan quản lý nhà nước nhằm ép Cục phải “thông đồng” với mình.

VCPMC rất mập mờ chuyện tiền nong

Cục NTBD cũng tố Trung tâm đang có sự nhập nhèm tiền nong: “VCPMC rất mập mờ, thậm chí có biểu hiện sai phạm về thu chi tài chính”.

Ông Nông Xuân Ái, GĐ Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc, cho hay, ông không thể trả tác quyền chương trình Chế Linh biểu diễn tại HN vào 11/2011 là vì không thể thỏa thuận với nhạc sĩ Phó Đức Phương.

VCPMC đưa ra mức giá 4 triệu/ca khúc căn cứ trên số ghế của Trung tâm Hội Nghị Quốc gia, nhưng BTC thỏa thuận 300.000đ/ bài thì không được đồng ý. Ông Ái cũng cho biết thêm:

VCPMC do nhạc sĩ Phó Đức Phương đứng đầu tổ chức cuộc họp này đã lợi dụng vào bản chất trong sáng, trung thực của một số nhạc sĩ để tạo ra những thông tin thiếu chính xác hướng tới công kích và bôi xấu cơ quan quản lý nhà nước là Cục Nghệ thuật biểu diễn.  

 “Trong số các ca khúc mà VCPMC đòi tác quyền có một số bài của tác giả Tú Nhi. Khi tôi nói Tú Nhi là bút danh của Chế Linh thì họ bảo Chế Linh đã ủy quyền cho họ rồi. Tôi điện thoại cho ca sĩ Chế Linh thì ông nói chưa bao giờ ủy quyền cho VCPMC”.

Nhạc sĩ Phú Quang dùng từ “tùy tiện” để nói về việc thu tiền tác quyền và trả cho tác giả của VCPMC, bởi có những chương trình thu 2 - 4 triệu/ ca khúc nhưng tác giả chỉ nhận 300.000đ.

Ông dẫn chứng: “Một chương trình tổ chức tại Hải Phòng, đơn vị tổ chức biểu diễn trả cho các ca khúc của tôi là 20 triệu đồng nhưng tôi chỉ được nhận 10 triệu. Tôi tự nhận là người được lĩnh nhiều tiền nhất tại VCPMC cũng chỉ khoảng trên 100 triệu/ năm. Còn nhiều người khác chỉ khoảng 5-10 triệu”.

Nhạc sĩ Phú Quang cho hay, ông chưa khi nào được tiếp cận với văn bản thể hiện sự thu chi cụ thể từng khoản, mục của VCPMC.

Chung sự nghi ngờ, NSND Trần Bình, GĐ Nhà hát Ca Múa Nhạc nhẹ VN dẫn chứng: VCPMC thu 700.000 đến 2 triệu đồng/ca khúc trong chương trình của nhạc sĩ Quốc Trung biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội nhưng tác giả được trả thực chất chỉ là 200.000 đồng, hay 300.000 đồng.

NSND Trần Bình thấy bức xúc khi tình cờ biết được nhạc sĩ Phó Đức Phương đang hưởng mức lương 45 triệu đồng/tháng. NSND Trần Bình tiết lộ sẽ thành lập một Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả khác để tạo sự minh bạch, công tâm.

Liveshow Chế Linh, khởi nguồn cho cuộc chiến giữa Cục NTBD và VCPMC. 

Theo phía Cục NTBD thì rất nhiều nhạc sĩ không tin tưởng vào VCPMC do mập mờ về thu chi tiền nong, nên các nhạc sĩ đã trực tiếp làm việc với nghệ sĩ biểu diễn.

Nếu Cục Nghệ thuật biểu diễn giúp đỡ, hỗ trợ VCPMC để thu tiền tác quyền như đòi hỏi của VCPMC thì vô hình trung sẽ tiếp tay cho một tổ chức hoạt động nghề nghiệp (gần như tư nhân) để chiếm đoạt công sức của các nhạc sĩ.

Chính vì vậy, hiện nay có một số nghệ sĩ đã xúc tiến để cho ra đời Trung tâm bảo vệ quyền tác giả  lành mạnh hơn VCPMC do ông Phó Đức Phương làm giám đốc.

VCPMC: “Nên hiểu luật và phát ngôn có trách nhiệm”

Sau khi bị Cục NTBD bôi xấu, phía VCPMC đã ngay lập tức gửi văn bản tới các cơ quan báo chí để làm rõ những thông tin mà họ cho là “thiếu cơ sở, gây thiệt hại tới uy tín” của Trung tâm.

Phản pháo lại ông Nông Xuân Ái, Trung tâm cho hay: "Chế Linh đã thông qua con trai mình là Lưu Hoàng Phi (bút danh Lưu Hoàng Lê hay còn gọi là Chế Phi) thực hiện việc ủy thác quyền tác giả nên VCPMC hoàn toàn có quyền để thu".

"Tuy nhiên VCPMC chưa khi nào thu số tiền đó, khi làm việc với nhà tổ chức VCPMC đã loại những bài hát của Chế Linh ra khỏi danh mục thu tiền."

Cho tới thời điểm này, dù với lý do nào thì nhà tổ chức chương trình Liveshow Chế Linh ngày 12.11.2011 tại Hà Nội trong đó có sử dụng cả bài hát của một số tác giả khác vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ pháp luật quyền tác giả mà cũng chưa bị xử lý.

Trung tâm cũng khẳng định, nhạc sĩ Phú Quang đã đưa ra những thông tin thiếu trách nhiệm. Phía VCPMC khẳng định đây là ý kiến tùy tiện của Nhạc sĩ Phú Quang.

 

“Về việc nhạc sĩ Phú Quang nói chương trình biểu diễn tại Hải Phòng họ trả ông 20 triệu đồng, nhưng VCPMC chỉ trả ông 10 triệu đồng: Ý kiến này của NS Phú Quang đã được VCPMC giải thích cặn kẽ ngay khi nhận tiền bản quyền, ông đã vui vẻ ký nhận và bức xức với chế độ thuế của nhà nước”.

VCPMC cho biết đây không phải là lần đầu tiên Nhạc sĩ Phú Quang đưa ra những thông tin thiếu trách nhiệm. Nhạc sĩ Phú Quang đã từng nói VCPMC giữ lại 40% mà không chịu chấp nhận những quy định về chính sách thuế của Nhà nước mà VCPMC đang thực hiện nghiêm túc.

Trước những phát ngôn thiếu thiện chí của Nhạc sĩ Phú Quang, VCPMC đã nhiều lần đề nghị Nhạc sĩ Phú Quang có văn bản và dẫn chứng gửi VCPMC, chính thức đề nghị giải đáp, nhưng chưa khi nào ông thực hiện mà nói câu “Tôi chỉ nói thế thôi”.

Theo VCPMC việc chỉ nói thế thôi đó nếu gây thiệt hại về uy tín xã hội cho VCPMC thì nhất thiết VCPMC sẽ nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thiết nghĩ Nhạc sĩ Phú Quang phải ý thức được lời nói của mình”.

VCPMC cũng phản pháo lại ý kiến của nhạc sĩ Quốc Trung, người mới đây đã có tổ chức họp với các nhà sản xuất và nhạc sĩ tại Sài Gòn dể tố cáo VCPMC đang khai thác tùy tiện

 

VCPMC cho hay: “Khai thác hay thu tiền bản quyền cũng chỉ là một động thái. Ngay tại hợp đồng ủy quyền mà tác giả ký với VCPMC cũng đã ghi rất rõ là nhằm “Quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc”.

 Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng VCPMC tùy tiện ký hợp đồng với các nhà mạng để thu tiền bản quyền ….điều này cũng không đúng vì trong hợp đồng ủy quyền các tác giả đã ủy quyền cho VCPMC thực hiện việc đó.

Trong dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ của các nhà mạng, hành vi tải nhạc chính là việc sao chép tác phẩm, nghe nhạc online chính là truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Tất cả các quyền này VCPMC đã được tác giả ủy thác theo hợp đồng.

Chu Ngũ Nương 

Bình luận
vtcnews.vn