• Zalo

Cục NTBD mời công an vào cuộc vụ NS Phó Đức Phương

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 05/03/2012 02:20:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cục trưởng NTBD, ông Vương Duy Biên đã làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến lá đơn tố cáo.

(VTC News) - Để “tự bảo vệ mình”, Cục trưởng NTBD, ông Vương Duy Biên đã làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ thêm các vấn đề có liên quan đến lá đơn tố cáo Cục của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC).

VCPMC phạm luật nên không có quyền dùng luật với Cục NTBD?
 
Phía Cục NTBD cho rằng trong tất cả các văn bản, giấy tờ, đơn thư, hay phát biểu trong cuộc họp liên quan đến bản quyền nhạc sĩ Phó Đức Phương đều viện dẫn các điều nọ, khoản kia trong Luật Sở hữu trí tuệ (vì có nhân viên hàng ngày ở bên cạnh để tham mưu ông là một... “Luật sư”).

Nguồn cơn tranh chấp giữa Cục NTBD và VCPMC bắt đầu từ chính lá đơn do các nhạc sĩ ký nhằm tố Cục NTBD vi phạm trong công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn. 

Ví dụ vụ nhạc sĩ Phó Đức Phương đòi hỏi Cục Nghệ thuật biểu diễn phải giúp ông thu tiền tác quyền bằng cách đưa văn bản (hoá đơn đỏ, hợp đồng uỷ thác, giấy xác nhận đã nộp tiền tác quyền...) để chứng minh đã nộp tác quyền vào hồ sơ xin cấp phép biểu diễn; nhạc sĩ Phó Đức Phương và VCPMC thường viện dẫn: “Việc xin phép này phải thể hiện bằng hình thức hợp đồng theo mẫu tại điều 48 Luật Sở hữu trí tuệ 2005”.

Trong đơn tố cáo Cục Nghệ thuật biểu diễn vi phạm luật, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã viện dẫn nội dung của Điều 20 - Khoản 2 và Khoản 3; chưa hết ông còn tuyên bố: “Đây là văn bản pháp luật cao nhất và rõ nhất trong vấn đề này là Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và sửa đổi, bổ sung năm 2009”.

Ông Trần Đức Thọ, Tổng biên tập Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn của Cục NTBD cho rằng: “Ông Phương nói (và viết đơn kiện) rất hay, cứ như ông chấp hành pháp luật rất nghiêm chỉnh. Nhưng “gậy ông lại đập lưng ông” - chính ông đang chấp hành rất lèm nhèm luật pháp Nhà nước

 Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005, lẽ ra khi có “văn bản pháp luật cao nhất” này (như ông nói) thì ngay sau đó ông phải xin phép BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam để sửa đổi Điều lệ hoạt động của VCPMC cho phù hợp.

Đằng này ông Phương đã giấu kín bản Điều lệ VCPMC ra đời từ ngày 19/4/2002 để “khuất tất, mập mờ” trong hoạt động mà chủ yếu là để thu tiền hưởng lợi. Trong bản Điều lệ đó có một số điều khoản trái với Luật Sở hữu trí tuệ - Vậy đấy, ông Phương và VCPMC đã coi thường pháp luật lại còn lớn tiếng “yêu cầu” cơ quan Nhà nước cũng phải làm sai luật như ông... ???”           

Phía Cục NTBD cũng chỉ ra rằng, VCPMC không chỉ mon men đến các chương trình biểu diễn nghệ thuật có thu tiền để tìm cách “ép giá” thu tác quyền, mà tổ chức “tư nhân VCPMC” này còn ký cả văn bản gửi UBND các tỉnh, còn đến cả các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của nhà nước chuyên làm nhiệm vụ biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị để “ép giá, ép ký hợp đồng” nhằm thu tiền hưởng lợi. 
 
Bị VCPMC do ông Phó Đức Phương đứng đầu tìm cách bắt nộp tác quyền, ngày 29/10/2010 Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Cạn đã có Công văn số 36/ CV – ĐNT gửi về Cục Nghệ thuật biểu diễn để báo cáo, công văn này gửi kèm cho VCPMC để biết nên Đoàn nghệ thuật Bắc Cạn viết như sau:

Tôi thấy VCPMC thông báo năm 2011 thu được 41 tỷ, tôi không hiểu số tiền đó có chia hết cho các nhạc sĩ không - NS Giáng Son thắc mắc. 

“Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn được thành lập tại quyết định số 919/QĐ – UB ngày 11 tháng 7 năm 2000 của Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Bắc Kạn. Cho đến ngày 19/08/2002 Đoàn nghệ thuật dân tộc Bắc Kạn mới chính thức có được chương trình nghệ thuật ra mắt để đi biểu diễn phục vụ nhân dân theo yêu cầu nhiệm vụ của Tỉnh uỷ đề ra. Nếu như Ngân sách của Tỉnh không cấp bổ sung kinh phí cho đơn vị thì Đoàn không có khoản thu nào để chi trả cho việc thực hiện nghĩa vụ bản quyền tác giả âm nhạc”.

Còn theo ý kiến của nhạc sĩ Giáng Son thì: “Cứ 3 tháng một lần VCPMC lại gọi điện mời tôi đến nhận tiền và bao giờ cũng đưa cho tôi một bảng kê tên các ca khúc, số lần sử dụng và ở đâu nhưng tôi có 2 điều ngạc nhiên.

Tôi không phải là nhạc sĩ sáng tác nhiều nhưng cũng có một số tác phẩm được khán giả yêu thích. Hai năm gần đây tôi có sáng tác thêm một số ca khúc và được khán giả lên mạng truy cập nhiều như: “Mùa đông không lạnh”; “Thu cạn”; “Gửi”; “Hãy mỉm Cười”… nhưng chưa thấy thu được tác quyền.

Ngoài VCPMC, tôi còn nhận tiền tác quyền từ Đài truyền hình và các ca sĩ trực tiếp đưa cho tôi. Nhưng khi tôi kiểm tra trên mạng thì lượt truy cập cả mấy ca khúc này đều rất cao.

Tôi có sang VCPMC hỏi thì họ bảo sẽ kiểm tra lại nhưng đã gần 2 năm nay vẫn không thấy thay đổi gì. Tiền tác quyền thu được vẫn là của mấy ca khúc cũ như “Cỏ và mưa”; “Giấc mơ trưa”… chứ không có tên một bài hát mới nào cả. Một điều ngạc nhiên nữa là số tiền tác quyền bên VCPMC thu được ngày càng tăng lên hàng năm trong khi số tiền tác quyền của tôi lại bị giảm xuống.

Thực ra mà nói tôi và nhiều nhạc sĩ ký là ký thôi chứ không mấy ai hiểu luật và cách thu bản quyền ra sao. VCPMC đưa thì nhận chứ không nghi ngờ gì vì nghĩ anh em đồng nghiệp với nhau chắc họ không làm sai. Tôi thấy VCPMC thông báo năm 2011 thu được 41 tỷ, tôi không hiểu số tiền đó có chia hết cho các nhạc sĩ không”.

Cục NTBD mời công an, thanh tra vào cuộc

Đại diện Cục NTBD, ông Trần Đức Thọ cho hay: một số cơ quan như Thanh tra, các Văn phòng Luật sư, Viện Nghiên cứu Pháp luật… vì thấy việc khiếu kiện này không phù hợp với quy định pháp luật nên đã đặt vấn đề với Cục để xem xét.

“Chúng tôi đã liên hệ với Bộ Nội vụ để làm rõ pháp nhân và quy trình hoạt động của VCPMC, vì theo nghị định 45/2010/NĐ-CP do Thủ tướng ký và Thông tư hướng dẫn số 11/2010/TT-BNV do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn ký, để qua đó xác định rõ pháp nhân và tư cách hoạt động của VCPMC, ví dụ như đến nay VCPMC này chưa sửa đổi Điều lệ là một vi phạm”, ông Thọ nói.

Ông Trần Đức Thọ, đại diện CỤc NTBD nhận xét, về tình, nhạc sĩ Phó Đức Phương quá gay gắt, về lý, lại sai nguyên tắc. 
Ông Trần Đức Thọ cũng khẳng định Cục làm việc này không phải để “bới móc” sai phạm của Trung tâm là mà để ngăn chặn sai phạm, nhằm bảo đảm ổn định tình hình trật tự trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Cục NTBD được Bộ giao quản lý 27 lĩnh vực ngành, trong đó, âm nhạc chỉ là một.

Cục cho rằng, nhận thức sai về tình hình thu tác quyền và xới lên vấn đề không đúng nguyên tắc pháp luật đã ảnh hưởng đến hoạt động biểu diễn, đến chất lượng các chương trình biểu diễn và tâm lý nghệ sĩ.

Người đứng đầu VCPMC, nhạc sĩ Phó Đức Phương, vốn là cán bộ Phòng Nghệ thuật Biểu diễn của Cục trong suốt 25 năm. Do đó, từ hôm nhận được lá đơn tố cáo, đa số cán bộ ở Cục đều ngỡ ngàng và buồn.

“Thường trong cuộc sống người Việt rất ít khi có chuyện quay trở lại gây hấn với nơi mình đã trưởng thành. Chúng tôi nghĩ, đây không phải cá nhân anh Phương, mà là anh đại diện cho Trung tâm với mục đích trong sáng là đảm bảo quyền lợi cho nhạc sĩ, tiếc là việc làm không lành mạnh, không thấu tình đạt lý”.

Ông Thọ nhận xét, về tình, nhạc sĩ Phó Đức Phương quá gay gắt, về lý, lại sai nguyên tắc. “Nếu thực sự đây là nguyện vọng của anh em nhạc sĩ, anh Phương có thể tập hợp lại kèm với bản báo cáo về BCH Hội Nhạc sĩ VN, từ đó, phản ánh với cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ VHTT&DL, Bộ Nội vụ”, đại diện Cục nói.

Sự việc giữa VCPMC và Cục NTBD ngày càng căng thẳng, nhưng đến giờ Hội Nhạc sĩ, cơ quan chủ quản của VCPMC, chưa có trao đổi gì với Cục về sự việc nói trên.

Chu Ngũ Nương

 

Bình luận
vtcnews.vn