Kiểm soát phim chiếu mạng là một trong các đề xuất của Cục Điện ảnh tại hội thảo Lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh khu vực phía Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà nhận định đây là vấn đề phức tạp, cần nhiều thời gian bàn thảo. "Hiện nay, chúng ta chỉ mới duyệt nội dung phim chiếu rạp. Với các sản phẩm trên Internet, định nghĩa 'như thế nào là phim' chưa xác định rõ", bà nói.
Đề xuất này nhằm cập nhật luật Điện ảnh cho phù hợp tình hình hiện tại, khi các phim chiếu mạng thành trào lưu. Luật Điện ảnh năm 2006 chỉ nêu: "Việc phổ biến phim trên Internet, khai thác phim từ vệ tinh để phổ biến phải thực hiện theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật liên quan".
Theo Cục Điện ảnh, năm 2006 các doanh nghiệp chỉ khai thác các tác phẩm trên Internet sau khi chúng đã chiếu ở rạp. Tuy nhiên hiện nay, phát hành phim trên Internet là một kênh kinh doanh của doanh nghiệp (tức nhiều tác phẩm sản xuất chỉ nhằm chiếu trên mạng, không ra rạp), do đó cần quy định chi tiết hơn để tăng cường quản lý và hạn chế tác động tiêu cực của loại sản phẩm văn hóa độc hại.
Một số phim phát hành trên Internet vi phạm luật Điện ảnh và một số luật khác nhưng không quy được trách nhiệm quản lý cho đơn vị nào, không có chế tài pháp lý.
Giải pháp dự kiến của Cục là Ủy ban Nhân dân tỉnh và thành phố quản lý nội dung các phim phát trên Internet do các doanh nghiệp có máy chủ đặt tại Việt Nam và đăng ký kinh doanh tại địa phương đó. Còn Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng các biện pháp kỹ thuật, bổ sung chế tài trong văn bản để kiểm soát các nhà phát hành có máy chủ ở nước ngoài.
Nhiều ý kiến tán đồng đề xuất này. Bà Ngô Phương Lan - cựu Cục trưởng Điện ảnh, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - không dự họp nhưng gửi văn bản, trong đó nhấn mạnh phải xây dựng chính sách với các hình thức phát hành phim phi truyền thống.
"Với các phim đang phổ biến tràn làn trên Internet - thường gọi là web drama, luật không điều chỉnh và cơ quan quản lý cũng không tính tới. Nhưng nhiều phim chiếu mạng có hàng chục triệu lượt xem, gấp nhiều lần phim chiếu rạp", bà viết.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - đại diện công ty Thiên Ngân (kiểm soát hệ thống Galaxy Cinema) - nhận định đề xuất này sẽ tạo sự bình đẳng giữa việc phổ biến phim trên Internet và phim chiếu rạp. Bà Hoa lấy ví dụ hiện nay có những phim cấm phổ biến ở rạp nhưng vẫn xuất hiện trên Internet, hoặc các phim bị chỉnh sửa khi chiếu rạp nhưng chiếu bản đầy đủ trên mạng.
Một nội dung khác cũng được quan tâm là áp số buổi chiếu phim Việt. Theo đề xuất, luật Điện ảnh mới sẽ quy định số buổi chiếu phim Việt ở mỗi phòng chiếu và tỷ lệ chiếu phim Việt ở rạp hàng tháng, hàng quý, hàng năm (chưa nêu con số cụ thể). Đề xuất này nhằm gia tăng thời gian chiếu phim nội ngoài rạp.
Theo luật Điện ảnh hiện tại, phim Việt Nam chiếm 20% tổng số buổi chiếu ở rạp. Mức này hiện được các doanh nghiệp đảm bảo nhưng các buổi chiếu chưa rải đều trong năm mà chỉ tập trung vào các dịp lễ, Tết, thời gian chiếu có khi vào các khung giờ bất lợi.
Đại diện Cục Điện ảnh cho rằng quy định mới sẽ khiến các doanh nghiệp phải cân đối tỷ lệ chiếu phim Việt và nhập khẩu, số buổi chiếu phim nội rải đều trong năm, qua đó phát triển ngành điện ảnh nước nhà.
Đại diện công ty Thiên Ngân cho rằng đề xuất này chưa phù hợp. Theo bà Mai Hoa, việc chọn ngày phát hành phim phụ thuộc vào nhà sản xuất. Số lượng phim Việt hiện tại cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu rải đều trong năm. Chất lượng phim Việt chênh lệch, có phim thắng lớn nhưng có phim phải hủy suất do không có khán giả.
Ông Lưu Trọng Hồng, cựu Cục trưởng Điện ảnh nhận định đây là giải pháp tốt nhưng chỉ nên áp mức chiếu phim Việt theo quý chứ không đến mức tháng.
Trong khi đó, bà Ngô Phương Lan cho rằng chính sách ưu đãi nên tập trung vào các phim Việt có giá trị nội dung và nghệ thuật, có ý nghĩa giáo dục, được dán nhãn P (phù hợp mọi đối tượng khán giả).
Hội thảo lấy ý kiến góp ý sửa đổi luật Điện ảnh khu vực phía Bắc sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 23/8. Luật Điện ảnh mới dự kiến có hiệu lực từ năm 2021.
Bình luận