• Zalo

Cửa hàng tự phục vụ: Tồn tại nhờ sự lương thiện của khách hàng

Kinh tếThứ Tư, 02/11/2016 08:58:00 +07:00Google News

Với hình thức kinh doanh này, cửa hàng không cần người bán, khách tự phục vụ và trả tiền, hay khách ăn xong trả tiền tùy tâm…

Bên cạnh những hình ảnh hàng quán chặt chém hay trộm cắp ở cửa hàng, thời gian gần đây, một số cửa hàng có hình thức kinh doanh siêu lạ xuất hiện: kinh doanh bằng niềm tin, dựa trên lòng trung thực của khách. Với hình thức kinh doanh này, cửa hàng không cần người bán, khách tự phục vụ và trả tiền, hay khách ăn xong trả tiền tùy tâm…

Thời ăn uống tùy thích, trả tiền tùy tâm

Từ lâu, khá nhiều người Việt đã biết đến mô hình kinh doanh tự chọn đồ, tự phục vụ 100% ở Nhật. Cụ thể, tại những cửa hàng dạng này, thông thường đầu ngày, chủ cửa hàng mang sản phẩm kèm với giá tiền ghi sẵn ra để đó rồi về. Khách đến mua chỉ việc lựa đồ, để lại tiền ngay tại quầy nơi họ lấy hàng, hoặc cho vào một lon đựng xu chủ hàng đã để sẵn. Cuối ngày, chủ cửa hàng chỉ việc đến mang hàng thừa và tiền về.

Giữa năm 2016, cửa hàng đồ uống mới mở của anh Đào Khánh Hiệp ở Hà Nội khiến nhiều người thích thú, đặc biệt là giới trẻ khi cho phép khách hàng tự phục vụ 100% từ khâu mua hàng cho đến trả tiền. Chủ hoặc nhân viên chỉ xuất hiện khi khách cần hướng dẫn sử dụng thiết bị tại cửa hàng.

Để mua hàng, khách chỉ việc bấm chuông và đẩy cửa vào rồi tùy ý lựa chọn sản phẩm. Khi đã ưng ý, khách mang sản phẩm đến trước bàn chít giá, tự chít giá để máy tính in hóa đơn. Sau khi lấy hóa đơn, khách bỏ số tiền cần thanh toán và bọc vào trong một túi nilon đen có sẵn, điền thêm tên, số điện thoại trên máy tính và bỏ túi vào hòm là hoàn tất chuyện mua bán. Bởi tất cả hoạt động đều phụ thuộc 100% vào khách hàng nên cửa hàng đồ uống của anh Hiệp hấp dẫn khá nhiều người tò mò đến thử.

11

 Cửa hàng không cần chủ, khách mua tự trả tiền bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội

Bên cạnh hình thức kinh doanh này, trước đó, vào thời điểm đầu năm 2015, quán cơm chay tự chọn của anh Dương Khánh Đạt (quê Thái Bình) khiến nhiều người xôn xao bàn tán, thu hút hàng trăm lượt khách vào mỗi ngày. Đạt còn hấp dẫn bởi khác biệt hoàn toàn với những quán cơm chay khác trên địa bàn Hà Nội.

Tại quán, khách hàng được ăn uống tự chọn, thoải mái nhưng không bắt buộc phải trả tiền hoặc trả tùy tâm. Trong quán để một chiếc hòm để khách tự thả tiền. Theo đó, doanh thu của quán mỗi ngày rơi vào khoảng 2-3 triệu đồng, chưa kể chi phí mua nguyên vật liệu, điện nước… Để có thể duy trì quán ăn, anh Đạt tiết kiệm bằng cách tự đi chợ, nấu ăn, phục vụ.

Cũng áp dụng hình thức trả tiền tùy tâm, quán cháo ếch của anh Hà Mạnh Cường (phố Huế, Hà Nội) khai trương hồi tháng 11/2015 thu hút 450-500 thực khách mỗi ngày. Có những lúc, khách hàng phải kiên nhẫn chờ đợi bên ngoài quán để được vào ăn.

Được biết, mỗi suất cháo ếch của anh có giá từ 45.000 đồng-90.000 đồng tùy món, nhưng khách có thể ăn bao nhiêu cháo tùy thích và trả tiền bao nhiêu tùy tâm. Thậm chí, trả 0 đồng, khách vẫn được nhân viên lẫn ông chủ vui vẻ phục vụ.

Đặt niềm tin vào khách hàng

Những hình thức kinh doanh đặt niềm tin hoàn toàn vào khách hàng mới manh nha xuất hiện gần đây nhưng đang dần trở nên phổ biến. Phần lớn mọi người đều ủng hộ các cửa hàng kinh doanh theo hình thức này, nhưng cũng có một số người đặt ra câu hỏi: nhỡ khách đến mua đồ không trả tiền, khách đến ăn nhiều trả tiền ít hay các chủ hàng chẳng sớm thì muộn cũng sẽ sập tiệm bởi hình thức kinh doanh này?

12

Cơm chay ăn tùy thích, trả tiền tùy tâm 

Thực tế, những câu chuyện về người Việt vào siêu thị thích ăn miễn phí, vào cửa hàng vẫn hay “quên không trả tiền” không phải làm chuyện hiếm nếu không muốn nói là xảy ra thường ngày. Song, với hình thức kinh doanh không cần người bán, khách tự trả tiền của các chủ hàng trên, họ đang muốn chứng minh rằng đa phần người Việt là trung thực.

Bằng chứng là, cửa hàng tự phục vụ của anh Đào Khánh Hiệp dù không có nhân viên phục vụ, giám sát nhưng mọi hoạt động mua bán ở đây diễn ra rất suôn sẻ. Theo đó, suốt 3 tháng mở cửa, anh chưa thu thiếu đồng nào cũng chưa để mất bất cứ thứ gì.

“Khi có ý định mở cửa hàng này, tôi từng bị bạn bè, người thân ngăn cản vì cho rằng Việt Nam khác với Nhật Bản. Song, tôi cho rằng, bản chất của người Việt rất tốt, lương thiện nhưng chưa có cơ hội để thể hiện điều đó. Vì thế, tôi muốn tạo ra môi trường để những điều tốt đẹp có dịp phát huy”, anh Hiệp chia sẻ.

Tương tự, anh Dương Khánh Đạt cũng cho biết, quán cơm chay tự chọn, khách trả tiền tùy tâm đã khai trương được 2 năm nay nhưng vẫn hoạt động cực tốt.

Theo anh Đạt, khách đến ăn có thể trả bao nhiêu tiền tùy thích kể cả ăn ít hay ăn nhiều. Song, hầu hết mọi người đều tự giác trả tiền đúng với giá trị của đĩa cơm mình ăn, hầu như không có người ăn nhiều mà trả tiền ít.

Theo một chủ cửa hàng cơm chay tự chọn, trả tiền tùy tâm ở Thanh Xuân (Hà Nội), khi mở cửa hàng, lợi nhuận chỉ là một phần, điều ông muốn nhiều hơn là gieo niềm tin, dành sự tôn trọng tuyệt đối cho khách hàng.

Trong khi đó, đa phần những khách hàng từng ghé qua những cửa hàng trên đều muốn quay lại, bởi họ sẵn sàng đáp lại niềm tin, sự tôn trọng của cửa hàng bằng những hành động văn minh, lịch sự và thiết thực nhất của mình.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn