Hàng loạt quán đóng cửa, những quán còn hoạt động cũng lay lắt, cầm chừng vì các đợt dịch COVID-19 liên tiếp bùng phát khiến người kinh doanh khốn khổ.
Chủ nhà hàng, quán nhậu khóc ròng
Nhìn dãy bàn ghế, chén bát xếp góc mấy ngày nay, chị Trần Thị Hà (32 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), chủ quán nhậu buồn bã vì những ngày tới chưa biết xoay sở thế nào. Theo chị Hà, vợ chồng chị thuê mặt bằng mở quán nhậu này được 3 năm thì 2 năm nay kinh doanh khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Nếu hoạt động bình thường, trừ các khoản tiền thuê mặt bằng mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, lương nhân viên, vợ chồng chị cũng có nguồn thu ổn định vì quán khá đông khách. Tuy nhiên, 2 năm nay cứ hoạt động được ít tháng thì lại phải tạm nghỉ vì dịch bệnh khiến doanh thu sụt giảm, thậm chí có thời điểm phải bù lỗ.
“Tôi vừa mở cửa quán được đúng 10 ngày thì nhận được thông báo của địa phương yêu cầu tạm dừng phục vụ tại chỗ từ trưa 20/6 vì có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Người ta kinh doanh cà phê, quán cơm thì còn có thể cầm cự nhờ vào hoạt động của lực lượng shipper chứ bán đồ nhậu có mấy ai mua đồ mang về đâu. Mở cửa phục vụ mang về thì chẳng đủ chi phí điện, gas nên đành đóng cửa chờ đợi chứ biết làm sao bây giờ”, chị Hà than thở.
Cũng theo chị Hà, đã 2 tháng nay chị cho nhân viên nghỉ việc nhưng cũng chỉ hỗ trợ một chút gọi là vì họ gắn bó với mình từ ngày mở quán đến nay. “Bây giờ đóng cửa nhưng chưa biết đến bao giờ được hoạt động lại, chỉ biết mỗi sáng mở mắt ra mất 500 nghìn đồng tiền mặt bằng rồi”, chị Hà rầu rĩ.
Chung cảnh ngộ, anh Phúc, chủ nhà hàng trên đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà cũng tạm đóng cửa từ ngày 20/6 theo quyết định của UBND TP Đà Nẵng.
Đợt bùng phát dịch cuối tháng 4/2021, nhà hàng đóng cửa, đến ngày 9/6 thành phố cho phép loại hình kinh doanh ăn uống được phục vụ trở lại, anh Phúc rất mừng, gọi lại nhân viên, khử khuẩn, lau chùi bàn ghế để đón khách. Thế nhưng chỉ hoạt động được đúng 10 ngày thì lại phải đóng cửa.
“Không biết nói sao nữa. Kinh doanh mà cứ khắc mở khắc đóng thế này thì chịu không thấu. Bao nhiêu khoản phải chi phí mà hoạt động phập phù, chẳng biết có trụ được đến khi tình hình dịch ổn định hay không”, anh Phúc chán nản.
Là chủ nhà hàng trên đường Nguyễn Văn Thoại, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, anh Hồng đang tính chuyện sang nhượng lại toàn bộ bàn ghế, dụng cụ để thu hồi vốn chuyển đổi ngành nghề khác vì không thể chịu được tiền thuê mặt bằng.
“Từ cuối tháng 4 đến nay, thời gian đóng cửa nhà hàng nhiều hơn mở. Mới mở cửa được mấy ngày thì lại phải ngừng hoạt động. Tối 19/6, khi nhận thông báo, tôi vận động khách mua giúp số hải sản nhập về để giải phóng hàng chứ không thì chết vốn. Cũng may nhiều khách thương, mua giúp người cân tôm, ký mực. Có lẽ phải chuyển nghề chứ duy trì kiểu này không có nguồn thu trả chi phí thuê mặt bằng”, anh Hồng cho biết.
Cả tháng nay, chủ nhà hàng trên đường Chương Dương căng băng rôn lớn với nội dung “Chuyển nhượng nhà hàng” kèm theo số điện thoại nhưng chẳng có ai liên lạc. “Qua mấy đợt dịch, mình cố gắng bám trụ nhưng đến nay thì không được nữa, phải sang nhượng để tính đường khác. Thế nhưng cả tháng chẳng có ai liên hệ. Mình đang thuê 1 nhân viên ở lại trông coi, bảo vệ tài sản”, chủ nhà hàng buồn bã.
Quán cơm, cà phê lay lắt cầm cự
Không thảm thương như những chủ nhà hàng, quán nhậu, các chủ quán cơm, cà phê ở Đà Nẵng vẫn có thể cố gắng duy trì hoạt động dù khó khăn không ít.
Những ngày này, chị Tôn Nữ Thu Thủy, chủ quán cơm trên đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng vẫn duy trì hoạt động để phục vụ nhu cầu của các nhân viên văn phòng, người lao động làm việc quanh khu vực.
Tuy nhiên, không được phục vụ tại chỗ nên chị Thủy phải giảm khoảng 2/3 suất ăn so với trước đây vì chỉ chủ yếu phục vụ cơm trưa văn phòng. Chồng chị là giáo viên, đang nghỉ hè nên chuyển sang làm shipper phụ vợ, đưa cơm cho những mối quen.
“Còn được bán là may mắn rồi vì dù thu nhập giảm nhiều nhưng cũng có nguồn thu để trả chi phí thuê mặt bằng hàng tháng. Chỉ mong dịch đừng diễn biến xấu hơn để duy trì hoạt động”, anh Cường, chồng chị Thủy nói và cho biết thêm rất lo lắng nếu phải phải đóng cửa.
Theo anh, mỗi tháng chi phí thuê căn nhà 2 tầng này vừa để ở, vừa mở quán khoảng 10 triệu đồng nên vợ chồng rất áp lực. “Lương giáo viên của tôi chẳng đáng là bao, tất cả chi phí của gia đình đều trông cả vào việc kinh doanh quán cơm này. Tôi phải cố phụ vợ giao cơm cho khách để giảm bớt nhân viên phụ việc. Dịch bệnh, khó khăn đủ đường nên phải cố”, anh Cường chia sẻ.
Ghi nhận của PV VTC News, tương tự chị Thủy, nhiều chủ quán cơm tại Đà Nẵng đang cố gắng duy trì dù không còn được phục vụ tại chỗ, suất ăn bán giảm rất nhiều, chỉ lấy công làm lời để chi trả tiền thuê mặt bằng.
Chị Hồng, chủ quán cơm trên đường Ngũ Hành Sơn, phường Mỹ An cho biết: “Mình bán cơm bình dân, chủ yếu phục vụ khách là sinh viên, người lao động nhưng nay sinh viên nghỉ học, chỉ còn người lao động nên không ăn thua gì. Bây giờ thêm dịch bệnh, không phục vụ tại chỗ lại càng khó khăn hơn. Ít còn hơn không, đành cố gắng chờ tình hình khá lên trong thời gian tới”.
Với các chủ quán cà phê, sự lo lắng cũng không kém vì chi phí mặt bằng rất lớn và hợp đồng ký kết cũng thường 12 tháng trở lên. Theo anh Phan Văn Tâm, chủ quán cà phê trên đường Pasteur, quận Hải Châu, nỗi lo lớn nhất của anh là tiền thuê mặt bằng và trả lương nhân viên. Hiện mỗi tháng cho phí mặt bằng 20 triệu đồng, thêm tiền lương 6 nhân viên, ngót nghét anh cũng phải kiếm được 40 triệu đồng thì mới không thua lỗ.
“Với cà phê, bình thường mình bán lai rai cả ngày, khách khứa khá đông nhưng nay chỉ cho phép bán mang về nên doanh thu giảm đến 70%. Tôi phải xoay đủ đường để duy trì qua đợt dịch này. Tình hình bi đát quá”, anh Tâm than thở.
Bình luận