• Zalo

'Cử tri ước gì đời sống kinh tế vật chất được như ngày nay, đạo đức xã hội được như ngày xưa'

Thời sựThứ Sáu, 25/05/2018 10:10:00 +07:00Google News

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu khẳng định tình hình kinh tế chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều vấn đề khiến cử tri lo lắng.

Trong phiên thảo luận sáng nay về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) bày tỏ niềm tin vào sự phát triển của nền kinh tế.

Theo báo cáo bổ sung tình hình phát triển kinh tế năm 2017, 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt trên 1% so với kế hoạch; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53% (kế hoạch 4%); xuất siêu 2,9 tỷ USD; dự trữ ngoại hối là 63,5 tỷ USD.

GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm trở lại đây. Cả ba khu vực cốt lõi của kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và chế biến, chế tạo đều tăng cao so với cùng kỳ, lần lượt đạt 4,05%; 9,7% và 13,56%.

huucau

 Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng từ thực tiễn cuộc sống, cử tri đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ cần phải làm nhiều hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn những vấn đề bức xúc đang đặt ra.

"Trước hết là vấn đề suy thoái đạo đức, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Hiện thực cuộc sống trong thời gian gần đây đang xảy ra những câu chuyện động trời, khó tin, những hành vi mất nhân tính như lấy than tre làm thuốc trị bệnh, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ, tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong bệnh viện, thảm án giết nhiều người gây chấn động dư luận.... 

Cử tri lo lắng và tâm tư rằng ước gì đời sống kinh tế vật chất được như ngày nay, đạo đức xã hội được như ngày xưa.

Nguyên nhân thực trạng đáng buồn trên có nhiều nhưng cốt yếu nhất là sự xuống cấp về đạo đức, buông lỏng kỷ cương phép nước.

Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những giải pháp cứng rắn, mạnh tay, trừng trị, ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi mất nhân tính như trên càng nhanh càng tốt.

Cử tri phấn khởi với kết quả phòng chống tham nhũng thời gian gần đây song cũng tâm tư trăn trở trước tình trạng lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản.

Tình hình giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án lớn nhưng thực hiện quyền sử dụng đất, đất để hoang nhiều năm gây lãng phí trong khi dân không có đất sản xuất, dự án treo còn xảy ra nhiều, xuất hiện tình trạng đầu cơ chọn đất vàng để chuyển nhượng mua bán trục lợi cá nhân gây thất thoát lớn cho Nhà nước.

Đồng thời, cử tri kiến nghị Nhà nước nên tính toán lại định mức, trượt giá, bù giá trong xây dựng cơ bản, nếu không sẽ còn thất thoát hơn. Thực tiễn, 12 đại dự án thua lỗ mà Chính phủ đang xử lý rốt ráo hiện nay là một ví dụ nhãn tiền.

Gần đây, Kiểm toán Nhà nước phát hiện sai phạm tại các dự án BOT, BT, cổ phần hoá doanh nghiệp, cá biệt như dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) điều chỉnh tăng đến 36 lần từ 72 tỷ lên 2.959 tỷ đồng, đã chứng minh tâm tư của cư tri là có cơ sở".

khaimac-quochoi-01

Quốc hội dành hết ngày 25/5 và sáng 26/5 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2017, quyết toán ngân sách 2016.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đề nghị Chính phủ làm rõ 3 vấn đề.

"Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế 2017 và những tháng đầu năm 2018 cao nhưng thu cân đối ngân sách TW lại thiếu hụt. Đây là mâu thuẫn cần có câu trả lời thoả đáng. Ngoài nguyên nhân khách quan là tăng trưởng phụ thuộc doanh nghiệp FDI thì nguyên nhân chủ quan là Luật thuế có vấn đề hoặc cơ quan chức năng có vấn đề hoặc chúng ta chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Bởi lẽ, theo báo cáo kiểm toán, năm 2017, tình trạng nộp thuế, kê khai thuế, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế Thu nhập doanh nghiệp khá phổ biến. Trong khi đó, việc hậu kiểm của cơ quan Nhà nước còn quá ít. 

Thứ hai, tốc độ giải ngân vốn đầu tư dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ chậm, điều đó cho thấy khâu tổ chức thực hiện còn yếu kém, kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục. Cử tri lo ngại vốn đầu tư phát triển còn ít, nếu kéo dài tình trạng này thì hiệu quả còn thấp. Trách nhiệm này thuộc bộ ngành, địa phương nào, cần quy định, quy cho rõ và xử lý nghiêm.

Thứ ba, tôi đề nghị Chính phủ siết chắt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Việc này phải làm thường xuyên, quyết liệt hơn nữa, không để nợ công, nợ xấu, nợ thuế gia tăng, gây áp lực xấu cho nền kinh tế".

Phạm Thành
Bình luận
vtcnews.vn