Chiều 28/11, tổ đại biểu HĐND TP.HCM khóa X - đơn vị số 12 gồm các đại biểu: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; Trương Quốc Lâm, Bí thư Quận ủy quận 11; Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và Quản lý TP.HCM, tiếp xúc cử tri quận 11 trước kỳ họp HĐND TP.HCM thứ 13.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ quan tâm về vụ án Vạn Thịnh Phát; việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các hoạt động giám sát của HĐND TP.HCM; Quy định 1629 về mua tin phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc sắp xếp lại khu phố, ấp…
Cử tri Đặng Văn Rành đề xuất, TP.HCM xem xét cần thiết động viên bằng chế độ trích thưởng lớn cho lực lượng chống tham nhũng, trong đó có người cung cấp thông tin quan trọng. Kinh phí khen thưởng này lấy từ tiền thu hồi trong các vụ án tham nhũng.
Bên cạnh đó, theo cử tri, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TP.HCM cần siết chặt hơn nữa các quy định, chế tài; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn từ sớm, từ xa các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực...
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Hồ Hải ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của cử tri và khẳng định sẽ chuyển tải đầy đủ các ý kiến tới cơ quan chức năng có liên quan.
Chia sẻ về vụ án Vạn Thịnh Phát, đại biểu Nguyễn Hồ Hải khẳng định, việc phát hiện, điều tra, xử lý cho thấy sự nghiêm minh, quyết liệt của công tác phòng, chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù bất cứ ai, ở cơ quan nào.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng thực hiện quy trình xử lý cán bộ liên quan trong vụ việc. Đồng thời, kết quả xử lý công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
"Cán bộ các cấp ở thành phố có sai phạm tới đâu thì cơ quan chức năng sẽ xử lý triệt để tới đó và sẽ có thông báo đến cử tri; thông báo chưa đầy đủ cử tri có thể trao đổi trực tiếp với tôi và sẽ được phúc đáp”, đại biểu Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồ Hải chia sẻ, Vạn Thịnh Phát là một trong những vụ án điển hình trong lĩnh vực tài chính. Từ vụ việc này, các cấp cũng cần nhìn nhận rõ hơn, rà soát kỹ lại để có các quy định phù hợp, chặt chẽ, đủ sức ngăn ngừa các sai phạm tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới.
Về Quy định 1629 về mua tin phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Hồ Hải cho biết, sau khi cơ quan báo chí đăng tải, người dân hết sức quan tâm, ủng hộ các giải pháp tăng cường hơn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của TP.HCM.
Trước đây, thành phố có Quy định 1374 và sau khi thực hiện có nhiều kết quả rất tốt; quy định này dựa vào người dân cung cấp các thông tin quản lý điều hành của thành phố...
Sau 5 năm tổ chức thực hiện, kết hợp quy định của Trung ương, tỉnh thành thì Thành ủy TP.HCM ban hành Quy định 1629. Đây là giải pháp tăng cường đồng bộ hơn, phát huy vai trò quan trọng của người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Theo ông Hải, do Quy định mới được ban hành nên cũng cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả.
Về quản lý tài sản công, đại biểu Nguyễn Hồ Hải chia sẻ, TP.HCM là nơi đặc thù có nhiều tài sản công do thành phố và nhiều cơ quan Trung ương cùng quản lý nên việc xử lý tương đối phức tạp.
Thành phố rất quan tâm và có nhiều giải pháp để quản lý, phát huy hiệu quả tài sản công trên địa bàn đồng thời cũng thường xuyên kiểm tra giám sát công tác này. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố cũng còn mặt bằng, cơ sở chưa được sử dụng đúng mục đích, chưa phát huy được hiệu quả. Đây là một số trường hợp cá biệt, thành phố sẽ kiểm tra, chấn chỉnh để đảm bảo hiệu quả.
Ông Nguyễn Hồ Hải bày tỏ tin tưởng rằng với sự cố gắng của các cấp, bên cạnh việc triển khai quyết liệt Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, việc xử lý, sử dụng các trụ sở, cơ sở liên quan nhà công, đất công sẽ được chấn chỉnh hiệu quả trong thời gian tới.
Đồng thời, ông Nguyễn Hồ Hải mong các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên thực hiện nghiêm hơn nữa quy định sắp xếp khu phố, ấp; trong đó cần lắng nghe ý kiến của người dân để việc triển khai phù hợp tình hình thực tiễn ở địa phương mình.
Bình luận