Ông Trần Minh Sự - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 2 chủ trì buổi tiếp xúc cử tri. Ông Sự cho biết, sẽ điều hành buổi tiếp xúc cử tri diễn ra văn minh, công tâm và dân chủ, tuyệt đối không để tình trạng lợi dụng buổi tiếp xúc cử tri để tuyên truyền những vấn đề trái quy định của pháp luật. Không biến hội nghị tiếp xúc cử tri thành nơi khiếu nại, tố cáo của bà con hoặc là nơi trả lời những khiếu nại. Buổi tiếp xúc phải đảm bảo an ninh, trật tự.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó chủ tịch UBND quận 2 cho biết: Về những kiến nghị liên quan đến giải tỏa mặt bằng, khu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện UBND quận 2 đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
"Quận tiếp tục lắng nghe, xử lý những vấn đề liên quan đến bức xúc trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Song vấn đề này phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ"
Từ năm 2016 đến nay, quận 2 cũng đã tạm dừng vấn đề cưỡng chế đất của người dân để làm khu đô thị Thủ Thiêm. Chúng tôi khẳng định, hiện không có bất cứ động thái cưỡng chế nào", ông Khiết cho hay.
Cử tri Nguyễn Thị Mão (phường An Phú, quận 2) đặt câu hỏi cho các Đại biểu Quốc hội Khóa XIV. Theo bà Mão, việc giải phóng mặt bằng phường An Phú rất lộn xộn, không đúng trình tự, thủ tục. "Khu vực đất nhà tôi 2 mặt tiền, được thu hồi đất từ năm 1997 nhưng chỉ được đền bù 4 triệu đồng/m2"
Bên cạnh đó, bà Mão cho rằng cách tiếp dân của chính quyền quận 2 là thiếu tôn trọng dân. Những văn bản cơ quan chức năng gửi cho bà không có giáp lai, không dấu mộc.
"Đó là điều không thể chấp nhận được. Đề nghị, đoàn Đại biểu Quốc hội rà soát lại các văn bản giải tỏa đất phường An Phú xem có đúng trình tự, thủ tục không?", bà Mão nêu ý kiến.
Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết đặt câu hỏi cho đoàn Đại biểu Quốc hội liên quan đến bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bà cho rằng, Bộ Xây dựng dựa vào QĐ 6565 của UBND TP do Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua ký lại thay thế QĐ 367 của Thủ Tướng Chính phủ, nhưng theo bà QĐ của TP là không có giá trị. Từ bản đồ 1/5.000 mới ra QĐ 367 và từ đó mới ra bản đồ tỷ lệ 1.2.000. Bà Tuyết đặt nghi vấn, việc quy hoạch Thủ Thiêm dựa vào QĐ 6565 liệu có đúng?
"Tôi đã gọi lên công ty Sala được trả lời đã bán hết căn hộ. Nếu cần thì năm sau công ty sẽ báo lại nhưng giá 23 tỷ 1 căn. Tôi nghĩ rằng nhà nước đến bù cho chúng tôi 18 triệu/m2 mà công ty bán lại cho chúng tôi 350 triệu/m2. Tôi nghĩ như vậy là bóc lột dân quá, đa số người dân là nghèo”.
Bà Nguyễn Ngọc Thanh nêu ý kiến: “Nhà tôi có diện tích 59m2, nằm ở phường An Khánh có 2 mặt tiền. Hồi đó tôi mua 50 cây vàng nhưng sau đó chính quyền quận 2 thu hồi và chỉ bồi thường 94 triệu đồng. Sau khi thu hồi, quận đưa gia đình tôi về khu tái định chung cư, buộc tôi phải đóng thêm 800 triệu đồng nữa mới được ở. Nay tôi yêu cầu trả lại đất hoạc bồi thường cho tôi mảnh đất ở trong địa bàn phường để tôi yên tâm làm ăn".
Cử tri Nguyễn Thị Tám phát biểu: “Tại sao cơ quan chức năng đập nhà tôi mà không có quyết định thu hồi đất và không có bản đồ quy hoạch. Đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội trả lời cho chúng tôi biết, nếu không có bản đồ quy hoạch tức là cơ quan chức năng quy hoạch “lậu”.
Ông Võ Viết Thanh đã trưng bản đồ cho TP. Liên quan đến việc này, quận 2 giải quyết như thế nào, Hội đồng nhân dân giải quyết như thế nào?"
Cử tri Lê Thị Hồng Vân (ngụ số 22 đường Lương Định Của, Bình Chánh, quận 2) cho biết, bà đã khiếu kiện 36 lần, từ trung ương đến địa phương về các vấn đề nhà đất. Theo bà, căn nhà của bà không nằm trong quy hoạch, nhưng vẫn bị thu hồi, mà không có quyết định thu hồi đất. Gia đình 6 người phải ở thuê trong một căn nhà dột nát, gần sập, rất nguy hiểm. Bà Vân yêu cầu trả lại căn nhà đã bị thu hồi để gia đình được ổn định cuộc sống.
Cử tri Nguyễn Thị Phương Nga bức xúc nói: Gia đình tôi có căn nhà ở phường Thảo Điền. Mấy năm trước chính quyền nói gia đình trong ranh quy hoạch, đền bù 1m2 bằng 3 tô phở. Quận 2 đã ra quyết định cưỡng chế, công tác bồi thường, cưỡng chế không đúng quy trình, đúng phát luật. Khu dân cư đã làm kiến nghị lên Trung ương nhưng không có kết quả. Giờ gia đình tôi bàng hoàng, lo lắng. Tôi đề nghị thanh tra tất cả công ty, giống như khu Phước Kiển huyện Nhà Bè.
“Gia đình tôi 3.700m2 chỉ được đền bù 150 ngàn đồng/m2. Thực chất khi nhận gia đình tôi nhận tiền cũng không đủ và bị bớt xén. Tôi thực hiện chủ trương nhà nước, nhưng đất nhà tôi nằm ngoài dự án sao thu hồi được. Tôi đề nghị chính quyền quận 2, TP.HCM phải thanh tra làm rõ." - cử tri PhạmThị Bạch Tuyết khiến nghị.
Cử tri Nguyễn Phi Thường (ngụ Phường Bình Khánh quận 2) khẳng định: “Pháp lý chỉ có một không có hai. Tôi đề nghị làm rõ chúng tôi có nằm trong khu đô thị không. Đến bây giờ lãnh đạo TP không trả lời được chúng tôi nằm ngoài hay trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nếu thấy sai rồi thì ngồi lại với chúng tôi, nếu không có khiếu kiện, khiếu nại thì làm. Còn chỗ nào còn có khiếu kiện thì phải ngồi lại với chúng tôi. Chúng tôi không có khó khăn gì với cán bộ cả, nhưng chịu khổ nhiều năm trời rồi. Lãnh đạo chính quyền phải nhìn thấy cái sai của mình để cùng ngồi lại với nhân dân."
Từ đó cử tri Thường đề nghị, nếu lãnh đạo TP không đứng ra trả lời cho người dân rõ ranh quy hoạch đô thị Thủ Thiêm, thì đề nghị Thủ tướng, Quốc hội, Thanh tra chính phủ vào thanh tra toàn bộ khu đô thị Thủ Thiêm để trả lời cho người dân được rõ.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt quy hoạch gần 20 năm, được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế, qua nhiều năm giải tỏa, di dời khoảng 15.000 hộ dân, chi phí gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư của thành phố, nhưng tới nay vẫn chưa thành hình hài.
Quá trình xây dựng cũng xảy ra nhiều tranh chấp, liên quan việc xác định ranh quy hoạch, dẫn đến kiện tụng kéo dài nhiều năm nay.
Cử tri Nguyễn Tiến Thịnh cho rằng 4 con đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm dài 12km nhưng đầu tư đến 12.000 tỷ đồng, tính ra mỗi cây số 1.000 tỷ đồng. Phải chăng đây là con đường dát vàng? Việc giao đất cho Công ty Đại Quang Minh bao nhiêu ha, cần phải làm rõ, bởi đây là đất của nhân dân, tiền của nhân dân. Chúng tôi sẵn sàng giao đất để xây Thủ Thiêm, nhưng đến thời điểm hiện tại, Thủ Thiêm không có hội trường, không có khu vui chơi, chỉ có biệt thự, vila, nghĩa là sao. Đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội làm rõ.
Bình luận