(VTC News) - TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cử tri sẽ có đủ nhận thức để cân nhắc, xem xét và không bầu những người không dám nói tiếng nói của lòng dân hoặc chỉ nói để lấy lòng, nói theo, nói dựa hoặc không nói gì.
Ngày 22/5/2016, nhân dân cả nước sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV trong bối cảnh đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014...
Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
1. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, một trong những công việc mà Bác Hồ đề nghị Chính phủ phải tập trung giải quyết là vấn đề tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội. Người khẳng định: “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Kể từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ngày 1/6/1946 đến cuộc bầu cử gần nhất ngày 20/5/2011 chúng ta đã tổ chức thành công 13 kì bầu cử Quốc hội.
Những quy định về Bầu cử Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp và các nguyên tắc bầu cử được thể hiện trong Hiến pháp, Luật Bầu cử Đại biểu quốc hội và Hội đông nhân dân. Nhìn chung, các nguyên tắc bầu cử phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín là các nguyên tắc xuyên suốt trong các qui định pháp luật về bầu cử ở nước ta.
Vai trò của bầu cử trong việc nâng cao chất lượng Đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân thực chất là việc nhân dân thực hiện việc trao quyền lực Nhà nước cho Quốc hội và cơ quan dân cử ở địa phương.
Thông qua bầu cử, nhân dân thể hiện ý chí của mình, chọn người đại diện để ủy thác cho họ thực hiện quyền lực của mình. Mục đích của một cuộc bầu cử đại biểu quốc hội là bầu ra được những người đại diện xứng đáng cho nhân dân, thay mặt cho nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.
Thông qua đại biểu dân cử nhân dân sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề quan trọng của đất nước. Đại biểu Quốc hội có một địa vị pháp lý đặc biệt, vừa là đại biểu nhân dân, vừa là thành viên của cơ quan quyền lực tối cao.
Đại biểu dân cử của chúng ta như “đầu dây thần kinh” là cầu nối giữa nhân dân với chính quyền nhà nước, kết nối các lợi ích trong xã hội, mối quan hệ giữa đại biểu dân cử đối với cử tri và nhân dân có thể được coi như một sự gắn bó máu thịt, một sợi dây liên kết bền chặt, gắn kết, lợi ích của cử tri và các nhóm dân cư trong xã hội vì thế sẽ được đại biểu dân cử thể hiện vào các quyết sách của Nhà nước.
Ảnh minh họa |
Để đảm nhận được trọng trách thiêng liêng đó đại biểu dân cử phải là những người có năng lực trí tuệ và đạo đức xứng đáng. Mà chất lượng của đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân hoàn toàn phụ thuộc vào khâu lựa chọn đại biểu (bầu cử).
Vậy vấn đề cốt lõi, quan trọng, tâm điểm của một cuộc bầu cử chính là việc nâng cao chất lượng của đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân được bầu ra trong nhiệm kì đó, ngoài việc lựa chọn, hiệp thương dân chủ đúng nguyên tắc, khách quan thì vai trò lựa chọn của cử tri có tính quyết định rất cao.
Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật Việt Nam khẳng định rõ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội. Ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân, ý thức về dân chủ trong xã hội được nâng lên.
Phát triển những quan điểm nền tảng trong Hiến pháp năm 2013, Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thể chế hoá và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện tức là tăng cường được sự tham gia trực tiếp của người dân vào các công việc của nhà nước và xã hội.
Như vậy, dân chủ đại diện hay dân chủ gián tiếp - là hình thức tham gia quản lý nhà nước thông qua các đại diện được bầu cử. Dân chủ đại diện thể hiện thông qua các cuộc bầu cử định kỳ để lựa chọn các đại biểu thay mặt cho cử tri trong việc thực hiện các chức năng hoạch định chính sách, quản lý nhà nước và xã hội.
Do đó, cần thực hiện đầy đủ quyền đề cử, ứng cử và bầu cử của người dân trong việc lựa chọn đại diện để hành động vì lợi ích của mình. Việc lựa chọn được thể chế hóa và thực hiện bằng các cuộc bầu cử được tiến hành định kỳ dưới hình thức bỏ phiếu kín, và tất cả mọi công dân trưởng thành đều có quyền bầu cử.
Với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất, một thiết chế đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các thành phần trong xã hội, đại biểu dân cử phải phản ánh được tiếng nói đa dạng của cử tri và nhân dân. Do vậy, cơ quan dân cử nhất thiết phải có cơ cấu, tỷ lệ, thành phần các tầng lớp xã hội phù hợp để đảm bảo năng lực đại diện của mình. Tuy nhiên, vấn đề hết sức cốt lõi, quan trọng nữa là phải nâng cao chất lượng đại biểu, cân bằng với cơ cấu.
Cơ cấu, tỷ lệ nào thì cũng phải gắn với tiêu chuẩn của đại biểu. Đó phải là những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và địa phương. Vì vậy cơ quan dân cử mà đáp ứng được yêu cầu cả về tính đại diện, cả về cơ cấu và chất lượng thì sẽ quy nạp được sức mạnh nhân dân, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân, dám nói, dám có ý kiến để giải quyết những vấn đề cuộc sống đang đặt ra, đem hơi thở của cuộc sống để phúc đáp mong muốn của cử tri.
2. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang đến gần. Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình bầu cử đi đôi với bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng đối với công tác cán bộ là một trong những nguyên tắc trong xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước. Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp, trước hết là cơ sở tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ về từng ứng cử viên sẽ là động lực quan trọng thu hút sự quan tâm của cử tri đối với cuộc bầu cử, là động lực động viên cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu và tỉnh táo, sáng suốt lựa chọn, bầu những đại biểu thực sự đủ phẩm chất đạo đức, có năng lực, bản lĩnh, tâm huyết, hành động theo ý chí, nguyện vọng, sẵn sàng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Chất lượng đại biểu Quốc hội, HĐND chỉ có thể được nâng cao khi tập trung thực hiện có hiệu quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp mà trọng tâm là lựa chọn đúng cơ cấu, chất lượng các ứng cử viên trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định và quy trình bầu cử theo luật định. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, cử tri sẽ có đủ nhận thức để cân nhắc, xem xét và không bầu những người không dám nói tiếng nói của lòng dân hoặc chỉ nói để lấy lòng, nói theo, nói dựa hoặc không nói gì.
Trong quá trình tổ chức bầu cử, việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, cũng như việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp bảo đảm theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền chính là thiết thực phát huy nền dân chủ đại diện, quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo chất lượng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XIV, công việc đầu tiên là cần đảm bảo quy trình thẩm tra, duyệt hồ sơ chặt chẽ. Theo chương trình, ngoài 3 vòng hiệp thương, các cuộc vận động bầu cử và Hội nghị lấy tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội cũng được tổ chức.
Tuy nhiên, để lựa chọn những ứng cử viên xứng đáng vào danh sách bầu cử đòi hỏi Hội đồng Bầu cử các cấp và toàn thể cử tri thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm và đặc biệt cần hết sức công tâm, khách quan trong nhìn nhận và đánh giá từng ứng cử viên trong quá trình chuẩn bị cho ngày bầu cử. Trước 27/4 Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ công bố danh sách ứng cử viên và từ 2/5 đến 21/5 người ứng cử có thể vận đồng bầu cử tại hội nghị cử tri hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng. Đến ngày 22/5/2016, cử tri cả nước sẽ đi bầu, chọn ra 500 đại biểu Quốc hội khóa 14.
Với tất cả những ý nghĩa đó, việc chuẩn bị chu đáo (tỉ mỉ, cẩn trọng, chi tiết, khách quan, dân chủ…) để cử tri lựa chọn bầu ra những người thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, nghị lực và bản lĩnh của một dân tộc anh hùng vào Quốc hội, HĐND thì đó là một thắng lợi kỳ diệu. Làm được như thế thì sẽ đáp ứng được yêu cầu của Văn kiện Đại hội XII của Đảng “…mở ra một thời kỳ mới của đất nước, thực hiện bằng được mục tiêu cao cả, xây dựng đất nước ta dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Điều kiện để hiện thực hóa phương hướng trên, trước hết phải đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.
Để người dân hiểu đầy đủ về đại biểu ứng cử, từ đó có quyết định sáng suốt về người đại diện cho mình thì cần tạo mọi điều kiện cho các đại biểu ứng cử được tiếp xúc với cử tri của mình nhiều hơn. Giữ mối liên hệ gắn bó với cử tri không phải chỉ khi đại biểu đã được cử tri bầu vào cơ quan dân cử, mà phải được bắt đầu từ khi họ là ứng cử viên đại biểu.
Chính vì thế, thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng đại biểu dân cử sẽ góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, nâng cao ý thức trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân hướng tới ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
Chúng ta hy vọng rằng, những nhân tố mới trong đời sống chính trị đang xuất hiện sẽ mang lại những sự đổi thay hữu ích cho đất nước và người cầm lá phiếu đi bầu cử sẽ tin tưởng vào những người xứng đáng được bầu và xứng đáng với sự trông cậy của cử tri.
TS. Bùi Sỹ Lợi
Bình luận