• Zalo

Cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 12/06/2022 17:11:14 +07:00Google News
(VTC News) -

Các cử tri Pháp ngày 12/6 bước vào vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội để lựa chọn ra 577 nghị sĩ Quốc hội khoá mới.

8h sáng 12/6 (theo giờ địa phương), tất cả các điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp mở cửa để chào đón các cử tri Pháp đến bỏ phiếu vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp. Tổng cộng gần 6.300 ứng cử viên thuộc mọi đảng phái chính trị tại Pháp tham gia tranh cử để được bầu vào một trong 577 ghế nghị sĩ Quốc hội Pháp khoá mới.

Số ứng cử viên tham gia tranh cử năm nay ít hơn khoảng 20% so với kỳ bầu cử năm 2017 do các đảng cánh tả đã thống nhất xây dựng được liên minh cùng tranh cử. 80% số nghị sĩ khoá cũ sẽ tiếp tục ra ứng cử cho khoá mới.

Cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội - 1

Cử tri Pháp đi bầu tại Marseille sáng 12/6. (Ảnh: Le Monde)

Diễn ra chỉ 2 tháng sau cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp năm nay thu hút sự chú ý đặc biệt và được nhiều chuyên gia đánh giá như là “vòng 3 cuộc bầu cử Tổng thống” bởi vào thời điểm hiện tại, liên đảng trung hữu ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ mang tên “Liên minh nhân dân sinh thái và xã hội mới” (Nupes), tập hợp các đảng cánh tả lớn nhất như đảng “Nước Pháp bất khuất” (LFI), đảng Xã hội (PS), đảng Cộng sản Pháp (PCF) và đảng Sinh thái (EELV). Ngoài ra, phe cực hữu cũng tiếp tục là một lực lượng lớn đáng chú ý.         

Các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy liên đảng trung hữu mang tên “Chung sức” của Tổng thống Macron và liên minh cánh tả do ông Jean-Luc Mélenchon lãnh đạo đang so kè quyết liệt và dự kiến kết quả sẽ rất sít sao. Thực tế này cho thấy Tổng thống Emmanuel Macron có thể không giành được đa số tại Quốc hội Pháp và trong trường hợp liên minh cánh tả chiến thắng, ông Macron có thể sẽ buộc phải chấp nhận chung sống chính trị, tức việc chỉ định một nhân vật cánh tả đối lập làm Thủ tướng. Ý tưởng này đã và đang được ông Jean-Luc Mélenchon, người công khai bày tỏ tham vọng trở thành Thủ tướng Pháp, vận động quyết liệt trong suốt thời gian qua.

Khi tôi nói rằng cuộc bầu cử Quốc hội sẽ là vòng 3 của cuộc bầu cử Tổng thống, để quyết định hướng đi tiếp theo của nước Pháp, thông điệp này đã được lắng nghe. Tất cả mọi người đều đón nhận thông điệp này và trái với những gì tôi đọc trên báo chí, như quan sát của tôi, ở liên minh cánh tả, tất cả mọi người đều có sự háo hức nhiệt huyết lớn, đều muốn tham gia vận động. Chúng tôi đều hiểu rằng có một thách thức lớn đang chờ đợi và đó là điều tốt cho nền dân chủ Pháp”, ông Mélenchon nói

Theo luật bầu cử của Pháp, cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra trong 2 vòng, vòng 1 được tổ chức ngày 12/6 và vòng 2 sẽ được tổ chức vào ngày 19/6. Một ứng cử viên sẽ giành chiến thắng chung cuộc ngay sau vòng 1 nếu nhận được trên 50% số phiếu tại đơn vị bầu cử. Trong trường hợp không có ai nhận được đa số quá bán, 2 ứng cử viên đứng đầu vòng 1 cũng như tất cả các ứng cử viên nhận được trên 12,5% số phiếu sẽ tiếp tục được vào vòng 2. Tại vòng 2, người có số phiếu cao nhất sẽ giành chiến thắng.

Một trong những yếu tố tác động lớn nhất của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp năm nay là tỷ lệ cử tri vắng mặt. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ cử tri Pháp vắng mặt tại vòng 1 hôm nay sẽ tiếp tục ở mức cao, dao động từ 51-54% và nhiều khả năng sẽ phá kỷ lục của năm 2017 (gần 51%). Tại một số vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, các cử tri đã đi bầu sớm hơn và vòng 1 cuộc bầu cử đã kết thúc tại một số nơi như Guadeloupe, Guyanne và Martinique.

Quang Dũng/VOV-Paris
Bình luận
vtcnews.vn