Theo báo cáo Hurun Greater China Unicorn Index 2018 mới công bố, Trung Quốc đã có thêm 97 startup "kỳ lân", tức giá trị từ một tỷ USD mỗi công ty. Tính trung bình, cứ 3,8 ngày là có thêm một công ty khởi nghiệp tỷ USD. Đến nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có tổng cộng 186 doanh nghiệp khởi nghiệp, với mức định giá tổng cộng hơn 736 tỷ USD.
Trong đó, Ant Financial Services, thuộc Alibaba Group Holding đang là startup lớn nhất Trung Quốc với giá trị một nghìn tỷ nhân dân tệ (148,5 tỷ USD). Jinri Toutiao, thuộc sở hữu của ByteDance là kỳ lân lớn thứ hai với giá trị ước tính 500 tỷ nhân dân tệ (74,2 tỷ USD). Nền tảng gọi xe Didi Chuxing đứng thứ ba với mức định giá 300 tỷ nhân dân tệ (44,5 tỷ USD).
Báo cáo của Hurun cho biết có 18 "kỳ lân" đã tăng trưởng giá trị lên gấp đôi trong năm ngoái. Riêng trang tổng họp tin tức Jinri Toutiao, ứng dụng live-streaming Kuaisho và nền tảng bán nông sản Meica đã tăng trưởng đến 4 lần. Trong khi đó, hãng xe điện Leap Motor thành lập vào tháng 1/2017 là startup tỷ USD trẻ nhất Trung Quốc với định giá 7 tỷ nhân dân tệ (1,04 tỷ USD).
Xét theo lĩnh vực, tài chính internet đứng đầu về tổng giá trị các startup với 1.600 tỷ nhân dân tệ (237,5 tỷ USD). Tuy nhiên, các dịch vụ tức thì trực tuyến có số lượng nhiều nhất, với 45 startup.
Có 24 startup tỷ USD IPO trong năm 2018 và một số đang có giá cổ phiếu thấp hơn giá chào bán lần đầu, tương tự như trường hợp của Xiaomi và Meituan Dianping. Điều này dẫn đến tâm lý kém tin tưởng của một số nhà đầu tư vào "kỳ lân" Trung Quốc vì cho rằng chúng được định giá quá cao với thực tế.
Tuy nhiên, chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu của Hurun - Ruper Hoogewerf nói rằng đến 70% các công ty đang có cổ phiếu giao dịch trên mức giá lúc IPO. Theo ông, điều này có nghĩa bong bóng định giá khá thấp.
Hurun cho biết Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu là 3 nơi tăng trưởng số lượng startup tỷ USD nhanh nhất năm 2018, với lần lượt là 79, 42 và 18 "kỳ lân" có trụ sở tại các thành phố này.
Bình luận