(VTC News) - Dư luận xã hội đang hàng ngày, hàng giờ theo dõi sức khỏe của cụ rùa. Hàng loạt những cuộc thảo luận nảy lửa, những “sáng kiến”; những đề xuất chữa trị cho cụ rùa được đưa ra bàn bạc để rồi đi đến kết luận: “Tất cả mới chỉ là ý tưởng”!
Có lẽ, những người có trách nhiệm đang cần thời gian để tìm ra được phương án khả thi nhất. Nhưng cụ rùa ơi! Cụ có đợi được lâu nữa không?
Những ý tưởng bao giờ thành hiện thực?!
Cuộc hội thảo về giải pháp chữa trị cho cụ rùa diễn ra vào ngày 15/2 vừa qua đã không đưa ra được một phương pháp khả thi nhất để cứu chữa cho cụ rùa. Tất cả các nhà khoa học tham gia hội thảo đều nhận thấy sự cấp bách phải có ngay các biện pháp chăm sóc sức khỏe và chữa trị những vết thương đã bắt đầu lở loét trên cổ và mai cụ rùa. Hàng chục giải pháp được đưa ra để đưa cụ rùa lên bờ, chăm sóc sức khỏe và chữa trị các vết thương trên thân thể cụ.
Nhưng, tất cả chỉ là ý tưởng mang nặng tính lý thuyết mà thiếu tính thực tế!
Mới đây, khi cụ rùa ở Hồ Gươm là cụ ông hay cụ bà vẫn còn chưa ngã ngũ thì có người đề ra sáng kiến “lấy… vợ cho cụ rùa”. Đó có thực sự là việc làm cần thiết khi sức khỏe của cụ rùa đang xấu đi từng ngày?
Giáo sự Hà Minh Đức trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đã khẳng định: “Quan trọng nhất là phải tiến hành đưa ngay cụ rùa lên bờ để khám sức khỏe, từ đó đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời. Tôi thấy hội thảo có vài chục ý kiến khác nhau nhưng chẳng đi được tới thống nhất sẽ dùng giải pháp nào. Cuối cùng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phỏng đoán theo kiểu “thầy bói xem voi”.
TS Lê Xuân Rao – Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội cho biết, hiện Sở đang làm văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội để cố gắng trong tháng 2, hoặc chậm nhất trong đầu tháng 3 sẽ tổ chức một cuộc họp với thành phần "gọn” hơn cuộc hội thảo vừa tổ chức hôm 15/2 nhằm bàn cụ thể hơn về các giải pháp cứu cụ rùa, đặc biệt là quy trình cứu chữa vết thương cho cụ.
Ngày 17/2, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ cụ rùa Hồ Gươm với sự tham gia của nhiều ban ngành.
Sự ra đời của Ban chỉ đạo còn sẽ kéo theo hàng loạt các cuộc họp để bàn bạc phương án cứu cụ rùa. Các cuộc họp sẽ còn tiếp tục đến khi nào tìm ra một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ cụ rùa Hồ Gươm.
Các cuộc họp cần có thời gian chuẩn bị, cần có biên bản, có đại biểu… Nó sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian. Mà thời gian với cụ rùa lúc này vô cùng quý giá.
Cụ rùa có đủ kiên nhẫn để chờ đợi?
Trong suốt mấy ngày qua, cụ rùa lại nổi hàng giờ liền ở một vị trí nhất định. Theo những người có kinh nghiệm trong việc quan sát cụ rùa hồ Hoàn Kiếm, thì việc dừng lại lâu ở một vị trí là khá bất thường.
Nhiều người lo lắng cho rằng cụ rùa đang bị viêm phổi, phải nổi lên mặt nước để thở. Có người lại cho rằng việc cụ rùa nổi là hoàn toàn bình thường trong điều kiện thời tiết của Hà Nội mấy ngày vừa qua.
Rõ ràng, việc liên tục nổi lên mặt nước của cụ rùa khiến chúng ta lo lắng về sức khỏe của cụ. Phải chăng cụ đang yếu đi từng ngày?
Hồ Hoàn Kiếm sẽ còn gì nếu vắng cụ rùa?
Cụ rùa không chỉ là một cá thể rùa quý hiếm trên thế giới, mà còn là biểu tượng cho những trang sử oai hùng của dân tộc. Cụ rùa là chứng nhân của quá khứ chống giặc ngoại xâm kiên cường của cha ông ta. Nhắc đến Hà Nội, chúng ta nhắc ngay đến Hồ Gươm, đến niềm tự hào, tự tôn của dân tộc.
Không chỉ thế, cụ rùa còn gắn với một truyền thuyết đã ăn sâu vào trong trái tim của mỗi người dân Việt
Vậy Hà Nội sẽ còn gì, hồ Hoàn Kiếm sẽ còn gì nếu vắng cụ rùa?
Quốc Khánh
Bình luận