Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại trường Đại học Luật Hà Nội vào tháng 6, ông Ngô Tôn Đức (sinh năm 1945, Hà Nội) lại tất bật chuẩn bị hồ sơ đăng ký học lên bậc cao hơn.
“Một là học cao học tại khoa Pháp luật dân sự, trường Đại học Luật Hà Nội. Hai là học nghề luật sư tại Học viện Tư pháp. Tôi đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, nếu may mắn trúng tuyển cả hai sẽ học song song”, ông chia sẻ. 40 năm trước, ông từng tốt nghiệp Kỹ sư chế tạo máy, Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi về hưu, ông muốn được tiếp tục đi học.
“Nếu không đi học tôi sẽ buồn lắm”
Cuối năm 2018, ông Ngô Tôn Đức làm hồ sơ xét tuyển vào trường Đại học Luật Hà Nội. Ông giấu kín chuyện này, mãi cho đến khi có giấy trúng tuyển mới thông báo với gia đình.
“Vợ và các con tôi người đồng ý, người không tán thành. Ai cũng ái ngại vì khi đó tôi đã bước sang tuổi 74, họ sợ không đủ sức khỏe. Nhưng tôi muốn đi học và cứ thế quyết tâm theo đuổi đến cùng”, ông Đức nói.
Ngày đầu nhập học, “sinh viên U80” gặp tình huống “dở khóc dở cười”. Chuyên viên phòng đào tạo nhầm tưởng ông đến đăng ký học cho cháu, rồi không ít lần bạn học hiểu lầm ông là giảng viên. Dù đi học ở tuổi xế, nhưng ông luôn nghiêm túc với mục tiêu đã đặt ra.
Minh chứng là trước khi bắt đầu mỗi năm học, ông đều tìm hiểu và chuẩn bị trước giáo trình của cả học kỳ đó để chủ động nghiên cứu. “Tôi luôn đọc giáo trình trước khi lên lớp. Nhiều người hỏi tôi đi học có mệt không, tôi chỉ cười thôi. Có lẽ vì thích học quá nên tôi quên hết mệt nhọc, thấy người trẻ và khỏe ra. Nếu không đi học tôi sẽ buồn lắm”, ông tâm sự.
Những ngày có lịch học, ông Đức tự di chuyển bằng xe máy, vượt quãng đường hơn 6km để “kiếm con chữ”. Ông bắt đầu xuất phát từ 5 giờ chiều và có mặt ở nhà khoảng 9 rưỡi tối. Sau khi ăn uống, vệ sinh cá nhân, ông nghỉ ngơi khoảng 15 phút rồi ngồi vào bàn để làm bài tập hoặc xem lại bài học ngày hôm đó. “Học đến khoảng 1 - 2 giờ sáng là chuyện bình thường. Tôi không thể yên tâm đi ngủ nếu kiến thức chưa vững”, ông kể thêm.
Đi học ở tuổi U80, ông cũng gặp khó khăn trong lĩnh vực công nghệ, xử lý văn bản bằng máy tính. “Mỗi lần làm tiểu luận, tôi sẽ viết ra giấy vài lần rồi nhờ con cháu đánh máy giúp. Trong quá trình này, tôi cũng ngồi bên cạnh để kiểm tra và học hỏi. Tôi nghĩ đây cũng là cách học hay, tôi có cơ hội học về kỹ thuật máy tính, con cháu lại biết thêm kiến thức Luật”, ông bộc bạch.
Học cả phần những người con đã khuất
Trong suốt quãng thời gian học đại học, ông Đức nhớ mãi câu hỏi của một giảng viên: “Bác ơi, bác nhiều tuổi thế này còn đi học làm gì?”
Giây phút ấy, lòng ông dâng lên nỗi chua xót. Với ông, cách hỏi đó “thật thà đến mức trần trụi”. Sau đó, ông đứng lên chia sẻ câu chuyện của bản thân.
“Ba người con của tôi mất khi còn trẻ, chúng chưa có cơ hội cắp sách đến trường. Bây giờ, tôi không học cho riêng tôi mà học cho các con, các cháu", ông nói và chia sẻ đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại giai đoạn “đau đớn nhất cuộc đời” ấy tim ông như thắt lại.
Ông kể, năm 1974, sau trận sốt cao, người con trai đầu lòng khi ấy vừa lên 4 tuổi bỗng tím tái, lịm dần rồi rời xa vòng tay ông mãi mãi. Năm 1979, con gái 2 tuổi đột ngột mất do lồng tắc ruột. Thời điểm ấy, ông đang làm đề tài tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì 3 tháng 4 ngày sau ông lại tiếp tục mất người con gái mới lên 7 tuổi sau trận sốt li bì. Trong 4 năm, vợ chồng ông mất 3 đứa con.
Quãng thời gian ấy với gia đình ông gói gọn trong 5 chữ “không khác gì địa ngục”. Có những ngày ông đi lang thang, lòng trống rỗng vì quá đau đớn. Nhưng sau đó, ông vực dậy tinh thần bằng suy nghĩ “phải sống, phải học thay cho phần của những người con kém may mắn”.
Tấm bằng giỏi ngành Luật là “quả ngọt” xứng đáng ông Đức nhận được sau hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ. Câu chuyện của cụ ông 78 tuổi tốt nghiệp loại Giỏi ngành Luật, trường Đại học Luật Hà Nội truyền cảm hứng và động lực cho nhiều người trên con đường chinh phục tri thức.
Bình luận