• Zalo

'Cú hích' giao thương ở cửa khẩu Xín Mần – Đô Long

Thời sựThứ Tư, 11/04/2018 17:11:00 +07:00Google News

Việc mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc) thực sự là “cú hích” lớn, tạo sức bật phát triển kinh tế biên mậu của tỉnh Hà Giang.

“Gỡ” thế bí cho cửa khẩu Xín Mần

Theo thông tin của các ngành chức năng, từ năm 2016 trở về trước, tuy cơ sở hạ tầng còn thiếu, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở pháp lý chưa đầy đủ nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua cửa khẩu Xín Mần (Hà Giang) có thời điểm diễn ra khá sôi nổi (năm 2014), với mặt hàng chủ yếu xuất sang Trung Quốc là lúa, gạo.

Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, phía Trung Quốc gần như đóng cửa cửa khẩu, không nhập các mặt hàng nông sản như trước, trừ một số ít hàng tạm nhập tái xuất và hàng hóa của cư dân biên giới trao đổi trong các chợ phiên biên giới.

Chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh, Lương Thị Kim Duyên cho biết: Trong khoảng 2 năm trở lại đây, khi phía nước bạn không cho nhập khẩu hàng qua cửa khẩu Xín Mần, lực lượng hải quan của tỉnh thường trực tại khu vực này chủ yếu thực hiện công tác phòng, chống hàng giả.

1- cu hich....(d.tuan)

Đến thời điểm này vẫn chưa có các hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long.

Ngoài hoạt động của chợ biên giới ngay tại Mốc 5 và một số chuyến hàng tạm nhập tái xuất qua đây, hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động trao đổi hàng hóa nào giữa 2 bên qua cửa khẩu Xín Mần – Đô Long.

Thông tin từ lực lượng biên phòng tại khu vực cửa khẩu Xín Mần – Đô Long, dù Quốc môn tại cặp cửa này đã được 2 nước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khoảng 2 năm nay nhưng không hiểu sao phía Trung Quốc vẫn không cho thông quan hàng hóa qua đây.

Hoạt động của chợ biên giới tại Mốc 5 cũng rất tẻ nhạt. Mỗi phiên chợ chỉ có vài tiểu thương bày bán sản phẩm, số lượng dân cư biên giới đi chợ cũng không nhiều…

Ngày 16/1, Thủ tướng ký Nghị quyết số 06 về việc mở chính thức thức cặp cửa khẩu song phương Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc).

Ngay sau đó đúng một tuần, ngày 23/1, Bộ Ngoại giao nước ta đã gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc Công hàm xác nhận việc mở chính thức cặp cửa khẩu này.

Theo Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc,  ngày 23/1 được 2 bên xác định là ngày chính thức mở cặp cửa khẩu Xín Mần – Đô Long.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu, lựa chọn ngày tổ chức công bố mở cửa cặp cửa khẩu này trong thời gian sớm nhất. Đây là những thông tin hữu ích, giúp “gỡ” thế bí trong hoạt động xuất, nhập khẩu tại cặp cửa khẩu trọng yếu khu vực phía Tây của tỉnh.

Để thúc đẩy giao thương cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Trong những năm qua, được sự quan tâm từ T.Ư đến cấp ủy, chính quyền tỉnh bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu, thu hút đầu tư vào các khu kinh tế tỉnh, ở các cửa khẩu, lối mở, chợ biên giới, các điều kiện đáp ứng hoạt động thương mại biên giới khu vực Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long đang từng bước được hoàn thiện.

Cuối năm 2013, nhiều hạng mục công trình như: Quốc môn, Trạm kiểm soát liên ngành; san ủi mặt bằng khu vực cửa khẩu; kè chống sạt lở khu vực mốc 198; hệ thống giao thông kết nối đường tỉnh lộ 177… phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu khu vực cửa khẩu Xín Mần, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới của huyện Xín Mần đã được Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt đầu tư, với nguồn tổng nguồn kinh phí trên 400 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, các công trình: Quốc môn và Trạm kiểm soát liên ngành với quy mô xây dựng gần 1.300m2; công tác san ủi mặt bằng khu vực cửa khẩu diện tích trên 3ha; kè chống sạt lở tại khu vực mốc 198 với chiều dài trên 241m đã hoàn thành, đủ điều kiện bàn giao, đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, để thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông quan qua cửa cẩu Xín Mần, cần hệ thống giao thông hoàn chỉnh.

Nhưng đến thời điểm này, Dự án nâng cấp cải tạo đường từ tỉnh lộ 177 đến cửa khẩu Xín Mần và mốc 198 vẫn còn dang dở, gây cản trở lớn tới hoạt động thu hút xuất nhập khẩu khi cặp cửa khẩu Xín Mần – Đô Long chính thức đi vào hoạt động.

2- cu hich....(d.tuan)

  Dự án cải tạo tuyến đường từ tỉnh lộ 177 đến cửa khẩu Xín Mần giai đoạn 2 vẫn còn dang dở khiến hoạt động thương mại sau khi cửa khẩu chính thức mở cửa gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án các công trình trọng điểm tỉnh, Dự án nâng cấp, cải tạo đường từ tỉnh lộ 177 đi cửa khẩu Xín Mần và mốc 198 được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư trong năm 2013 và 2014, thực hiện trong 2 giai đoạn, với tổng kinh phí trên 370 tỷ đồng.

Tổng chiều dài tuyến trên 24km. Đến nay, giai đoạn 1 của Dự án từ trung tâm xã Xín Mần đến cửa khẩu Xín Mần đã hoàn thành 100% khối lượng thi công, giai đoạn 2 hoàn thành trên 80% khối lượng.

Với khối lượng hoàn thành thi công như trên, đáng lẽ tuyến đường có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, giao thương của người dân và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này, tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, hiện nay giai đoạn 2 của Dự án nâng cấp đường (đoạn đường từ tỉnh lộ 177 đến trung tâm xã Xín Mần) chưa thể đảm bảo giao thông.

Nhiều đoạn đường mới chỉ được hoàn thiện một nửa theo chiều dọc, nửa còn lại vẫn đang trong quá trình san, gạt, tạo nền đường, rất khó khăn cho các phương tiện di chuyển.

Mỗi khi trời mưa, không có phương tiện nào có thể vượt qua các khúc cua đang thi công dang dở hay các đoạn đường chưa được thi công nếu không có máy xúc, xe tải chuyên dụng kéo, bởi khối lượng bùn đất quá lớn…

Cho nên, đến đầu tháng 3 này vẫn chưa có bất kỳ hoạt động xuất nhập khẩu mới nào qua cửa khẩu Xín Mần.

Nguyên nhân khiến việc thi công tuyến đường kéo dài trong những năm qua được cho là do kết cấu nền đất pha cát, độ kết dính kém, thường xuyên xảy ra sạt lở khi mưa to xảy ra hay mưa kéo dài; bên cạnh đó một số đoạn đường vẫn chưa hoàn thành xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Mặc khác, khối lượng thi công đã hoàn thành đạt trên 80% nhưng vốn bố trí đến thời điểm này mới đạt khoảng 60%, đây cũng là khó khăn không nhỏ cho đơn vị thi công…

Bên cạnh khó khăn về giao thông, hiện nay một số cơ sở hạ tầng cho các cơ quan chuyên môn như: Nhà công vụ cho cán bộ hải quan, khu vực kiểm dịch động vật, thực vật… chưa được khởi công xây dựng; duy chỉ có Trạm biên phòng đang được xây dựng nhưng cũng hoàn thành. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu của cửa khẩu Xín Mần.

Kinh tế biên mậu được Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 lựa chọn là 1 trong 5 chương trình trọng tâm thực hiện. Từ những chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi khi thực hiện xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh, trong 2 năm 2016 và 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đạt lần lượt trên 2,4 tỷ USD và gần 3,5 tỷ USD.

Đây là sự tăng trưởng ấn tượng nhất từ trước tới nay của hoạt động thương mại biên giới rên địa bàn tỉnh. Nếu các hạng mục cơ sở hạ tầng của cửa khẩu Xín Mần được hoàn thiện, chắc chắn kinh tế biên mậu của Hà Giang trong năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ tăng trưởng mạnh. Điều này tiếp tục cần sự quan tâm đặc biệt từ T.Ư đến địa phương.

Video: Phú Quốc sẵn sàng trở thành đặc khu kinh tế

Duy Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn