(VTC News) – Người mua căn hộ tại tòa nhà 8B Lê Trực làm đơn kêu cứu, đề nghị Hà Nội, Bộ Xây dựng xem xét dừng việc cưỡng chế phá dỡ.
Ngày 21/3, trao đổi với phóng viên VTC News, ông Nguyễn Sỹ Duyên - một trong những người dân mua căn hộ tại dự án 8B Lê Trực cho biết, ông cùng hàng chục người dân mua căn hộ tại đây đã ký đơn gửi Bộ Xây dựng đề nghị tạm dừng việc cưỡng chế phá dỡ phần sai phép của tòa nhà.
Cư dân 'ngồi trên đống lửa'
Theo ông Duyên, ông mua một căn hộ ở tầng 18 tòa nhà 8B Lê Trực. Quá trình theo dõi cơ quan chức năng cưỡng chế tầng tum và tầng 19, ông Duyên nhận thấy việc phá dỡ gây ra rung chấn, có nguy cơ tác động xấu tới phần còn lại của tòa nhà, đặc biệt là tầng 18.
Người mua căn hộ ở 8B Lê Trực lo ngại việc phá dỡ sẽ tác động xấu tới phần còn lại của tòa nhà. Ảnh: Báo Giao thông |
“Tôi là một Đảng viên 50 năm tuổi Đảng, đồng thời là cựu chiến binh, một thương binh. Cả cuộc đời tôi mới tích cóp được chút tiền, phải vay mượn thêm nhiều nơi mới mua được căn nhà để ở.
Việc phá dỡ tầng 19 như hiện tại chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhà của tôi. Chẳng may lúc chúng tôi chuyển về đó mà nhà xảy ra sự cố thì phải làm sao? Bây giờ, báo chí, cơ quan có thẩm quyền phải cứu chúng tôi,” ông Duyên cho hay.
Ông Duyên cho biết thêm, không chỉ bản thân ông mà hàng trăm hộ dân mua căn hộ tại 8B Lê Trực đang “ngồi trên đống lửa” vì lo ngại việc cưỡng chế phá dỡ của cơ quan chức năng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới phần còn lại của tòa nhà.
“Ngày 18/3 vừa qua, chúng tôi đã tới trụ sở Bộ Xây dựng gặp trực tiếp ông Phạm Gia Yên – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng. Hiện chúng tôi đang làm đơn, đề nghị được gặp lãnh đạo UBND TP Hà Nội để phản ánh sự việc.
Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xuống kiểm tra ngay, xem đã có phương án tháo dỡ chưa, có hợp tình hợp lý hay không, rồi giải quyết thế nào để dân chúng tôi yên lòng. Tạm thời, cơ quan chức năng phải cho dừng ngay việc phá dỡ.
Ông Nguyễn Sỹ Duyên cũng một số người dân mua nhà ở 8B Lê Trực trao đổi với phóng viên. |
Theo tôi nắm được thì UBND quận Ba Đình tiến hành cưỡng chế phá dỡ khi chưa có phương án. Không có phương án mà cứ cho người lên đó đập thì nguy hiểm quá. Hiện bụi bặm, vôi vữa rơi khắp nơi, trần nhà tôi còn có nguy cơ bị nứt.
Chủ đầu tư làm sai thì chính quyền cứ xử lý, tôi không bênh, nhưng quyền lợi của người dân mua nhà của chúng tôi thì chính quyền phải có trách nhiệm bảo vệ. Cơ quan chức năng phải xử lý làm sao không ảnh hưởng đến quyền lợi, tài sản và tính mạng của những người mua nhà chúng tôi,” ông Duyên đề nghị.
Video: Toà nhà 8B Lê Trực phá dỡ phần sai phạm
Cùng chung nỗi lo như ông Duyên, bà Nguyễn Thị Hồng Xuân (trú ở quận Đống Đa) mua căn hộ ở tầng 10 tòa nhà 8B Lê Trực cho biết, để có tiền mua nhà, vợ chồng bà phải bán hết đất đai, nhà cửa vốn có, thậm chí còn vay thêm cả người thân, vay ngân hàng chịu lãi suất để mong muốn có chỗ ở ổn định.
“Tòa nhà là một kết cấu bê tông cốt thép được thiết kế xây dựng hoàn chỉnh, có ai đứng ra đảm bảo rằng, việc đập bỏ một phần thì phần còn lại sẽ không bị ảnh hưởng gì hay không?
Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải áp dụng hình thức xử lý sai phạm khác đối với chủ đầu tư chứ không thể phá dỡ tòa nhà như vậy được. Việc phá dỡ này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ của phần còn lại, ảnh hưởng tới quyền lợi của những người mua nhà chúng tôi,” bà Xuân nói.
Tòa nhà 8B Lê Trực |
Cũng theo bà Xuân, hiện bà đã đóng đến 90% giá trị căn hộ. “Đáng ra chúng tôi đã có thể chuyển về nhà mới từ năm ngoái. Nhưng bây giờ lại phải dừng để xử lý sai phạm như vậy thì không biết bao giờ chúng tôi mới có nhà để ở. Chúng tôi thiệt thòi quá,” bà Xuân chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Gia Yên – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng xác nhận, ông đã nhận được phản ánh của một số người dân mua căn hộ tại 8B Lê Trực. Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ báo cáo nội dung mà người dân phản ánh tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đồng thời chuyển xuống cho UBND TP Hà Nội xem xét, giải quyết.
Chuyên gia nói gì?
Trước đó trả lời báo chí, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO), ông Nguyễn Lương Bình cho rằng, việc phá dỡ nhà cao tầng nói chung và dự án 8B Lê Trực nói riêng là “khá khó khăn và phức tạp”.
Bởi theo ông Bình, nhà cao tầng Việt Nam thường áp dụng giải pháp hệ kết cấu khung giằng, hệ thống vách lõi cứng chịu chủ yếu tải trọng ngang và có khả năng phân tán năng lượng lớn, hệ khung chủ yếu chịu tải trọng thẳng đứng. Hơn nữa, phần lớn nhà cao tầng cũng nằm lẫn trong các khu dân cư, xung quanh là nhà thấp tầng hoặc trong khu nhà cao tầng.
Bên cạnh đó theo tính toán, hệ kết cấu chịu lực chính của công trình được thiết kế thường là kết cấu bê tông cốt thép toàn khối, liên kết chặt chẽ tạo thành một hệ khung không gian ổn định. Do vậy, công trình sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí không đảm bảo an toàn trước tác động của các loại tải trọng nếu cục bộ một cấu kiện hay bộ phận nào mất khả năng chịu lực hoặc bị biến dạng và chuyển vị..
Với tính chất của bê tông, khi phá dỡ các chấn động và rung động, chắc chắn sẽ làm om kết cấu bê tông cốt thép phần dưới, các cốt liệu bị rời rạc, cấu trúc bê tông cũng bị phá hủy. Bên cạnh đó, lượng thép trong kết cấu bê tông là dày và nhiều nên việc phá dỡ sẽ làm giảm khả năng liên kết thép, bê tông.
“Về cấu tạo, việc phá dỡ cũng dẫn đến các cấu tạo sai khác so với ban đầu. Các nút khung, các nút liên kết giữa cột vách và dầm nối ở các vách cứng hay lõi cứng là những vị trí tập trung nội lực lớn. Khi phá dỡ sẽ xảy ra hư hỏng cục bộ. Trong phá dỡ, sẽ để lại kết cấu thừa, đây là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn chịu lực và thẩm mỹ kiến trúc”, chuyên gia này nói.
Còn theo TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, hầu như không có việc cắt ngọn công trình.
Theo ông Chủng, thường người ta chỉ có kéo sập, phá hủy toàn bộ tòa nhà bằng thuốc nổ, mìn công nghệ cao. Chỉ có riêng Việt Nam thường xuyên xảy ra việc để chủ công trình xây sai xong, lại phải cắt ngọn.
“Với công trình số 8B Lê Trực (Hà Nội), nếu “cắt” hết phần sai phạm công trình sẽ tan tành. Vì ngoài hạ độ cao 16m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà. Việc phá dỡ tòa nhà số 8B Lê Trực chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu”, ông Chủng nói.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng, nói rằng, công trình 8B Lê Trực có số tầng sai phạm lớn khi cắt ngọn, nếu cắt giật cấp thì phải cùng cân, có các trụ đỡ vì nếu không cẩn thận có thể gây lệch tâm tòa nhà.
Ở góc độ kinh tế - xã hội, một chuyên gia Hiệp hội Bất động sản cho rằng, việc không phá dỡ phần sai phạm dự án 8B Lê Trực cũng có những lợi ích nhất định.
Bởi hiện nay, người mua nhà đang khẩn thiết kêu cứu tới các cơ quan quản lý vì lo ngại chất lượng của toàn công trình. Nếu không phá dỡ thì lo ngại này được loại bỏ. Việc chủ đầu tư muốn được “hiến tặng” phần xây dựng sai phép này cho nhà nước hoặc các đơn vị công ích cũng là một đề xuất cần xem xét.
Minh Long
Bình luận