Phổ biến trong đời sống
Ngọc Khánh (23 tuổi, sống tại TP.HCM) đang chọn cho mình 2 chiếc điện thoại mới để làm quà tặng cho mẹ và cho bà ngoại ở quê. Yếu tố anh quan tâm nhất là máy ảnh của điện thoại phải rõ nét để thuận tiện cho cuộc gọi video, vì gia đình anh liên lạc bằng cách này qua ứng dụng Zalo hàng ngày.
Trong khi đó, Chị Minh (45 tuổi, Tiền Giang) cho biết, mình là người không rành công nghệ nhưng Zalo rất dễ dùng. “Nhà tôi có cô con gái đang học trên thành phố, cứ 2 3 ngày là gọi Zalo về, ở xa gọi thấy hình nhau cũng đỡ nhớ, mà còn tiết kiệm nữa”, chị Minh chia sẻ.
Làm việc tại một cửa hàng điện máy tại TP.HCM, chị Hoài Thu (nhân viên kinh doanh) cho hay, có rất nhiều khách hàng như anh Khánh. Dù khách mua điện thoại hay máy tính mới, sau khi kích hoạt đều yêu cầu cửa hàng cài sẵn một số ứng dụng quan trọng và thường sử dụng. Trong đó, Zalo luôn là ứng dụng ưu tiên.
“Cứ 10 chiếc điện thoại bán ra thì hết 8 chiếc khách nhờ cài đặt Zalo đầu tiên. Với khách hàng lớn tuổi tôi còn phải hỗ trợ đăng ký tài khoản Zalo cho họ”, chị Thu cho biết.
Có thể thấy, độ phổ biến về nhu cầu trao đổi trực tuyến qua ứng dụng nhắn tin Zalo ngày càng lớn. Zalo đã trở thành ứng dụng quan trọng hàng đầu trong đời sống của người Việt.
Theo báo cáo The Connected Consumer Q1 2023 do MMA Việt Nam và Decision Lab vừa công bố mới đây, Zalo tiếp tục là ứng dụng nhắn tin được sử dụng nhiều nhất Việt Nam. Cụ thể, Zalo dẫn đầu với tỷ lệ sử dụng là 86%, theo sau là Facebook với 71%, Messenger là 57% và Instagram là 14%. Vào năm 2022, Zalo cũng dẫn đầu tại bảng xếp hạng này.
Bên cạnh đó, trong 2 năm liên tiếp (2021 và 2022), Zalo cũng lọt Top 20 ứng dụng được yêu thích nhất trên Apple Store. Bảng xếp hạng này được App Store toàn cầu lựa chọn dựa trên tiêu chí lượt tải, chất lượng, công nghệ, thiết kế, tác động tích cực đến văn hoá, cộng đồng.
Tính ổn định, bảo mật cho công việc
Ở góc độ chuyên môn phát triển sản phẩm, TS. Nguyễn Trường Sơn - Giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM đánh giá, ứng dụng Zalo với giao diện thân thiện, tối ưu hóa trải nghiệm, các tính năng, tiện ích phù hợp với thói quen của người Việt.
Điều này dễ hiểu bởi ứng dụng này do chính người Việt sáng tạo ra, dựa trên thói quen sinh hoạt của người Việt.
“Một trong những tính năng cực kỳ quan trọng của các ứng dụng nhắn tin là tính bảo mật và quyền riêng tư, điều này Zalo đã làm tốt. Khi họ ra mắt tính năng mã hóa đầu cuối E2EE vào năm 2022 đã làm tăng tính bảo mật của ứng dụng này lên thêm một bước quan trọng” - TS. Sơn cho biết thêm.
Cũng theo ông, với một nền tảng có đến 75 triệu người dùng thường xuyên, 2 tỷ tin nhắn mỗi ngày, có thể thấy Zalo sở hữu nền tảng công nghệ kỹ thuật cực kỳ tốt. Bởi trong những dịp cao điểm, Lễ, Tết, lượng tin nhắn, cuộc gọi có thể tăng cao, nếu không có nền tảng tốt, sự tắc nghẽn, mất kết nối có thể xảy ra. Nhưng có thể nhìn thấy, dù là cao điểm thì người dùng Zalo luôn hoạt động thông suốt, liên lạc ổn định trên nền tảng này.
Sự ổn định, bảo mật này cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều người dùng, doanh nghiệp sử dụng Zalo trong công việc hàng ngày.
Theo anh Minh Tuấn (30 tuổi, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội), cả công ty anh sử dụng Zalo là công cụ trao đổi chính. Ứng dụng cho phép người dùng gửi hình ảnh, tệp tin chất lượng cao, dung lượng lớn lên tới 1GB thông qua phiên bản Zalo PC và Zalo Web. Điều này rất thuận tiện mà không phải ứng dụng nào cũng có.
Ngoài ra, với anh Tuấn, tính năng “To-do” là tính năng hỗ trợ đắc lực trong công việc. Với “To-do” người dùng có thể giao việc nhanh chóng kèm thông tin hạn nộp và người chịu trách nhiệm ngay trong nhóm thảo luận.
“Bây giờ mình mà không dùng Zalo thì không thuận tiện trao đổi với ai, vì ai ai cũng dùng Zalo cả” - anh vui vẻ cho biết.
Trong một phép so sánh tương đối, kết thúc năm 2022, dân số của Việt Nam là 99,46 triệu người, trong khi đó, Zalo công bố có 75 triệu người dùng thường xuyên, như vậy, ước tính, người dùng nền tảng nhắn tin “made in Việt Nam” này chiếm tới gần 75% dân số nước ta.
Bình luận