Nhiều ý kiến người dân cho rằng quy định nghiêm cấm CSGT không được truy đuổi người vi phạm sẽ hạn chế quyền hạn của CSGT, đồng thời tạo cơ hội cho những kẻ coi thường pháp luật "làm loạn" khi tham gia giao thông.
PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - Nguyên Tổ trưởng Tổ xử lý (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
- Quy định nghiêm cấm CSGT không truy đuổi người vi phạm giao thông vừa được Phòng CSGT - CA TP Hà Nội đề ra cần được hiểu thế nào, thưa ông?
Thông tư 01 của Bộ công an đã quy định việc nghiêm cấm truy đuổi đối với hành vi không chấp hành luật giao thông, trừ trường hợp đó là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Trong trường hợp người tham gia giao thông không chấp hành quy tắc, thay bằng biện pháp truy đuổi CSGT phải ghi lại thông tin về phương tiện, sau đó xác minh mời chủ phương tiện lên giải quyết, tránh gây những việc nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác trên đường.
Còn đối với những trường hợp, đối tượng nằm trong những chuyên án, đã biết trước được chủ phương tiện đó đang sử dụng vũ khí hoặc đang phạm tội hình sự cần truy bắt, đang vận chuyển hàng cấm, hàng ma túy hoặc những phương tiện có thể gây tai nạn rồi bỏ chạy thì CSGT cần phải kịp thời ngăn chặn để không cho tiếp tục thực hiện những hành vi nguy hiểm tiếp theo.
Video: Người dân Hà Nội nghĩ gì khi cấm CSGT truy đuổi người vi phạm
- Nhiều ý kiến cho rằng việc cấm CSGT truy đuổi người vi phạm sẽ làm giảm đi quyền hạn của CSGT trong khi làm nhiệm vụ. Quan điểm của ông về điều này?
Quy định này không hề làm giảm đi quyền hạn của CSGT như nhiều người đang hiểu mà việc đó chỉ nhắc lại những quy định trong luật.
Nó là quy định hoàn toàn hợp lý. Quy định này đã được thực hiện nhiều năm nay và không có gì mới. Theo tôi, các cơ quan truyền thông phải giải thích, tuyên truyền để cho người dân hiểu.
- Ông suy nghĩ thế nào về ý kiến, việc cấm CSGT truy đuổi người vi phạm sẽ là cơ hội cho những kẻ côn đồ, vô văn hoá "làm loạn" khi tham gia giao thông?
Đối với những kẻ đó, CSGT sẽ bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình để truy tìm, xác minh hoặc thông tin với các chốt liền kề để dừng phương tiện.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ
Đối với những kẻ đó, CSGT sẽ bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình để truy tìm, xác minh hoặc thông tin với các chốt liền kề để dừng phương tiện.
Thông báo bằng bộ đàm, có camera ghi lại hình ảnh, thông tin những đặc điểm, hành vi vi phạm cho chốt liền kề và hướng phương tiện đó đang đi tới để có những biện pháp để ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định của pháp luật.
Không truy đuổi nhưng không có nghĩa là dừng ở đó, bỏ chạy nhưng sẽ có các bước tiếp theo.
Ngay cả trên các tuyến quốc lộ, cáo tốc thì cũng có các chốt tiếp theo hoặc là địa phương lân cận. Còn đối với các tuyến đường trong nội đô thì lại càng dễ dàng trong việc xử lý việc này vì có nhiều lực lượng kiểm tra.
- Vậy trong trường hợp người tham gia giao thông đang lưu thông trên đường, có lực lượng CSGT vượt lên trước, yêu cầu dừng xe thông báo lỗi vi phạm và kiểm tra hành chính. Việc làm này có đúng chức năng, nhiệm vụ của CSGT không thưa ông?
Chức năng nhiệm vụ của CSGT là phân luồng điều tiết hướng dẫn giao thông tại các nút giao và tuần tra kiểm soát trên đường.
Đối với trường hợp trong quá trình kiểm tra tuần soát trên đường (tức là tuần tra lưu động) mà phát hiện phương tiện vi phạm thì có quyền dừng phương tiện kiểm tra.
Còn đối với trường hợp phát hiện vi phạm ở những nút giao hay nút đang điều tiết giao thông, đang chỉ huy giao thông thì khi phát hiện vi phạm phải có đủ khoảng cách an toàn để ra hiệu dừng phương tiện kiểm tra, không được tự ý dừng phương tiện kiểm tra.
CSGT không được dừng phương tiện không có dấu hiệu vi phạm hay nói cách khác là không có kế hoạch kiểm tra phương tiện trong chuyên đề.
Khi dừng phương tiện phải thông báo được hành vi vi phạm cho người tham gia giao thông biết, yêu cầu chủ phương tiện dừng xe vào lề đường và xuất trình giấy tờ để kiểm tra.
CSGT có thể yêu cầu dừng phương tiện bằng lời nói, bằng còi hoặc bằng gậy, tùy theo những tình huống cụ thể.
Dừng phương tiện phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người tham gia giao thông, còn đột ngột hay chặn đầu xe là không đúng.
Anh phải vượt lên trước, ra tín hiệu hoặc đi ngang qua yêu cầu dừng xe, sang lề đường bên phải. Chú ý không làm người ta giật mình, không được làm cho người ta mất lái dẫn tới tai nạn giao thông.
Nếu trong quá trình dừng phương tiện, vì lý do nào đó lực lượng chức năng gây tại nạn cho người tham gia giao thông thì cán bộ, chiến sỹ đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Video: Hà Nội nghiêm cấm CSGT truy đuổi người vi phạm
Bình luận