• Zalo

CSGT được thu tiền phạt trực tiếp ở mức nào?

Pháp luậtThứ Tư, 12/02/2014 12:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Dự thảo quy định người vi phạm được nộp phạt trực tiếp cho CSGT cũng quy định rõ cấp xử phạt, mức phạt mà CSGT được thu.

Như tin đã đưa, Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo lần 1 thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 để lấy ý kiến người dân.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.

Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định tại chương 3 của Thông tư 153/2013 do Bộ Tài chính ban hành - quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.

CSGT làm việc với người vi phạm. Ảnh minh họa.

Trả lời phỏng vấn báo chí liên quan đến những nội dung này, ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông - Bộ Giao thông Vận tải; đơn vị chủ trì xây dựng Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cho rằng, việc người vi phạm hành chính được nộp phạt trực tiếp đã được Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013) quy định.

Cụ thể, tại Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thuấn, các nội dung được Bộ Công an đưa ra trong dự thảo hướng dẫn thực hiện Nghị định 171 hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành bởi đối chiếu theo Nghị định 171 thì hành vi nào có mức phạt tiền nằm dưới 250.000 đồng thì các cá nhân vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp. Mức phạt lớn hơn thì thẩm quyền ra quyết định thuộc về cấp cao hơn của các cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường.

 

CSGT dừng xe vi phạm. Ảnh minh họa.

 
Cụ thể, thẩm quyền phạt trực tiếp của trạm trưởng hoặc đội trưởng của các chiến sĩ công an tuần tra kiểm soát trên đường không quá 1,5 triệu đồng. Đối với trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an hoặc trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền phạt tiền các lỗi vi phạm không quá 2,5 triệu đồng.

Nghị định 171 cũng quy định, các lỗi vi phạm có mức phạt tiền nằm trong khung có thể nộp phạt trực tiếp tại chỗ là điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh, dừng đỗ trái quy định, đi vào đường cấm, điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm (hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng cài quai không đúng quy cách, chở người đằng sau không đội mũ bảo hiểm), chở quá số người quy định…

Cũng liên quan về các quy định trong dự thảo, một lãnh đạo cấp phòng thuộc Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67)- Bộ Công an cho biết áp dụng theo quy định trên dự thảo thông tư của Bộ Công an đã hướng dẫn: Đối với những lỗi vi phạm có mức phạt tiền dưới 250.000 đồng (cá nhân) và dưới 500.000 đồng (tổ chức) sẽ thuộc diện được các chiến sĩ công an thực thi nhiệm vụ trên đường lập biên bản thu tiền trực tiếp và xuất biên lai đưa lại cho người vi phạm.

Riêng chiến sỹ công an nhân dân đang phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân thì không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với các trường hợp hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân và trên 500.000 đồng đối với tổ chức nếu xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga hoặc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn, xảy ra ngoài giờ hành chính thì sau khi yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính.

Đại diện C67 cũng cho rằng, việc cho phép nộp phạt trực tiếp ở một số hành vi vi phạm ở mức nhẹ nhằm tránh phiền hà, rắc rối cho người dân. Nội dung dự thảo vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến người dân nên sẽ sớm hoàn thiện để làm sao cho phù hợp, mang lại sự thuận lợi nhất khi đưa vào áp dụng.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí về những nội dung trong dự thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên – Cục trưởng C67, Bộ Công an cho biết, C67 đã nhiều lần đề xuất quy định này nhưng chưa được đồng ý. “Quy định việc này là nhằm giảm các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đỡ phải đi lại nhiều, vì dân là chính chứ không phải tạo điều kiện gì cho CSGT. Thậm chí, nếu quy định được thông qua còn là tạo thêm việc cho CSGT, CSGT thu tiền phạt rồi hàng tuần lại phải mang đến kho bạc nộp còn phiền hà hơn nhiều. Chúng tôi mong nhận được sự đồng thuận của nhân dân, nhưng nếu nhân dân không đồng tình thì chúng tôi sẽ không thu, không thực hiện” – Cục trưởng C67 khẳng định.

CSGT dừng xe người vi phạm. Ảnh minh họa
CSGT dừng xe người vi phạm. Ảnh minh họa
CSGT dừng xe người vi phạm. Ảnh minh họa
CSGT dừng xe người vi phạm. Ảnh minh họa
CSGT dừng xe người vi phạm. Ảnh minh họa
Bình luận
vtcnews.vn