COVID-19: Châu Âu vật lộn chống dịch, Nhật Bản và châu Phi hạ nhiệt lạ thường

Thời sự quốc tếThứ Hai, 22/11/2021 15:41:17 +07:00
(VTC News) -

Bức tranh COVID-19 lạ thường ở Nhật Bản và châu Phi hoàn toàn trái ngược với thảm họa đang diễn ra ở châu Âu.

Trong khi châu Âu đang phải oằn mình đối phó với dịch bệnh, ở châu Phi và Nhật Bản, dịch bệnh bất ngờ hạ nhiệt và suy giảm một cách khó lý giải.

Màu đen u ám ở châu Âu

Giới chức y tế Pháp gần đây cảnh giác cao độ trước sự gia tăng COVID-19 đáng báo động tại nước này. 

Tuần trước, Pháp ghi nhận trung bình hơn 17.000 ca bệnh/ngày, tăng 81% so với tuần trước đó. 

"Làn sóng COVID-19 thứ 5 đang bắt đầu với tốc độ nhanh như chớp", người phát ngôn chính phủ Pháp Gabrial Attal cho biết. 

Mức tăng trong tuần lễ tính tới ngày 20/11 cao gấp 3 lần mức tăng trung bình được ghi nhận trong 3 tuần trước đó, cho thấy số ca COVID-19 tại Pháp đang tăng theo cấp số nhân. 

COVID-19: Châu Âu vật lộn chống dịch, Nhật Bản và châu Phi hạ nhiệt lạ thường - 1

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Pháp. (Ảnh: Le Monde)

Cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel báo động tình hình dịch tại nước này đang hết sức nghiêm trọng trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ 4 đang "tấn công tổng lực". 

Viện Robert Koch (RKI), cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh chính phủ Đức hôm trong số ca mắc COVID-19 trung bình tuần trước tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, chạm mốc 372,7/100.000 dân. 

Tại một số vùng, con số này vượt mốc 1.000/100.000 dân và nhiều bệnh viện báo cáo tình trạng quá tải tại các khu chăm sóc tích cực. 

Đánh giá con số thực tế có thể còn cao gấp 2,3 lần số liệu thống kê, Giám đốc RKI Lothar Wieler cảnh báo tình hình dịch tại Đức đang nguy cấp hơn bao giờ hết. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói không loại trừ khả năng Đức sẽ phải áp đặt “tình trạng khẩn cấp quốc gia.”

Áo - quốc gia láng giềng của Đức bắt đầu bước vào đợt phong tỏa nghiêm ngặt mới từ 22/11. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Tây ghi nhận tới gần 16.000 ca nhiễm mới/ngày dù có chưa tới 9 triệu dân. 

Với lệnh phong tỏa mới, người dân Áo bị cấm ra đường nếu không có lý do cấp thiết. Các điểm tụ tập đông người như nhà hàng, quán cà phê, bar, nhà hát, các cửa hàng không thiết yếu bị cấm hoạt động trong vòng 10-20 ngày. 

Áo cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên bắt buộc tiêm chủng COVID-19 cho toàn dân. 

Cùng với Áo, Hà Lan là một trong hai quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất châu Âu. 

21/12 là ngày thứ 9 liên tiếp nước này lập kỷ lục về số ca mắc theo ngày với 21.103 ca bệnh, tăng gần gấp đôi so với mức 13.000 ca/ngày hồi tháng 12/2020. 

Hồi đầu tháng 11, chính phủ Hà Lan khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến các cửa hàng. Cuối tuần trước, nước này tái áp đặt lệnh phong toả một phần, bao gồm đóng cửa các quán bar và nhà hàng sau 20h. Giới chức cũng đang cân nhắc cấm những người chưa tiêm phòng đến các quán bar và nhà hàng.

Tình hình dịch bệnh tại các quốc gia châu Âu khác cũng đang hết sức phức tạp. 

Hôm 22/11, Anh ghi nhận 40.004 ca COVID-19 mới, cao nhất ở châu Âu. Trong khi đó, Nga là nước có số ca tử vong cao nhất 24 giờ qua với 1.252 trường hợp, bỏ xa 377 ca của Ukraine và 227 ca của Mexico. 

Sự suy giảm bí ẩn ở Nhật Bản, châu Phi

Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở châu Phi từng khiến Tổ chức Y tế thế giới lo ngại nơi đây sẽ trở thành "vườn ươm" biến chủng dẫn tới thảm họa COVID-19.

Nhưng những gì diễn ra ở lục địa đen khiến nhiều nhà khoa học bất ngờ. 

Các sự kiện công cộng được tổ chức trở lại. Người dân tới các khu chợ mua sắm mà không còn đeo khẩu trang hay vải che mặt. Với nhiều người ở châu Phi, COVID-19 dường như đã chìm vào quá khứ. 

Trên toàn lục địa già, số ca mắc giảm từ tháng 7. 

COVID-19: Châu Âu vật lộn chống dịch, Nhật Bản và châu Phi hạ nhiệt lạ thường - 2

Dịch bệnh suy giảm bất thường ở châu Phi và Nhật Bản. (Ảnh: AP)

"Châu Phi không có vaccine và nguồn lực để chống COVID-19 như châu Âu và Mỹ. Nhưng bằng cách nào đó, mọi thứ đang khả quan hơn", Wafaa El-Sadr - Chủ tịch Ban y tế toàn cầu tại Đại học Columbia cho biết.

Châu Phi hiện tiêm chủng cho chưa tới 6% dân số. Nhưng trong các báo cáo hàng tuần về đại dịch, WHO mô tả châu lục này là một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng COVID-19 nhất trên toàn cầu.

Lý giải về những diễn biến bất ngờ ở châu Phi, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể do đây là lục địa trẻ với độ tuổi trung bình của người dân là 20, chưa bằng một nửa so với 43 ở Tây Âu. Cùng với đó là tỷ lệ đô thị hóa thấp khiến người dân có xu hướng dành thời gian ngoài trời nhiều, từ đó tránh được tác động của virus. 

Cùng với châu Phi, COVID-19 đang suy yếu một cách khó lý giải ở Nhật Bản. 

Sau Thế Vận hội Olympic, số ca COVID-19 tại nước này tăng chóng mặt. Cuối tháng 8, Nhật Bản liên tục ghi nhận hơn 20.000 ca COVID-19/ngày. 

Tình hình dịch căng thẳng khiến các chuyên gia lo ngại nguy cơ hệ thống y tế của thủ đô Tokyo và một số thành phố khác sẽ sớm rơi vào tình trạng quá tải. 

Nhưng tới đầu tháng 9, dịch bệnh tại xứ anh đào bất ngờ suy giảm. Số ca bệnh bắt đầu giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 ca/ngày. 

Những tuần gần đây, số ca bệnh giảm xuống dưới 200 ca. Ngày 7/11, lần đầu tiên trong 15 tháng, Nhật Bản không ghi nhận ca tử vong nào. Cuộc sống của người Nhật gần như đã trở lại bình thường, khác hẳn so với các hạn chế nghiêm ngặt cách đây chỉ vài tháng. 

Các chuyên gia Nhật hiện vẫn tranh cãi về nguyên nhân COVID-19 hạ nhiệt đột ngột tại nhật. 

Một số cho rằng lý do nằm ở việc Nhật nằm trong nhóm các nước phát triển có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất. Hơn 75% dân số Nhật Bản đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. 

Tuy nhiên, Ituro Inoue, giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia đặt giả thiết cho rằng chủng Delta ở Nhật đã phải tự vật lộn để sửa các lỗi di truyền. Điều này khiến nó "tự tuyệt chủng" trong quá trình lây lan và đột biến.

Song Hy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn