Ám ảnh kinh hoàng ở cửa ngõ thành phố
Mỗi ngày TP.HCM đón hàng chục ngàn lượt xe tải, container vận chuyển hàng hóa ra vào các tuyến đường cửa ngõ TP. Đặc biệt lượng xe đổ về những bãi tập kết hàng hóa các cửa ngõ hướng từ Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Dương cực kỳ lớn.
Theo ghi nhận của PV, một số tuyến đường như như Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển hay Xa Lộ Hà Nội lượng container đổ về nhiều khiến giao thông ở đây luôn rơi vào trình trạng quá tải và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo bà Nguyễn Thị Tươi (ngụ đường Nguyễn Thị Định, Quận 2), nhiều năm nay, người dân tại đây phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì hàng trăm, hàng nghìn container chạy liên tục bất kể ngày đêm qua con đường này.
“Ở nhà cũng sợ mà ra ngoài càng sợ, hết xe tải đến container chen chúc, phóng ào ào trên đường. Có xe còn chạy như đường không người, bụi bay mù mịt, lạng lách kinh khủng. Nhiều lúc đang đi trên đường mà cứ có cảm giác xe sau đang lao tới tông vào mình, sợ lắm”, bà Tươi chia sẻ.
Vào giờ cao điểm, để tránh ùn tắc tại đường Mai Chí Thọ, nhiều tài xế đã chọn cách chạy vào đường Nguyễn Thị Định hướng về cảng Cát Lái, trong khi đây là con đường chính chạy qua khu dân cư Cát Lái. Thời điểm này, người đi làm, học sinh đổ ra đường rất nhiều khiến tình hình giao thông càng đông đúc, nguy hiểm hơn.
“Đôi khi đang chạy dưới đường, tự nhiên có cảm giác nguy hiểm, tôi phải lao xe lên lề đường đứng một lát cho đỡ sợ mới dám chạy tiếp”, bà Võ Như Loan (ngụ phường Cát Lái, Quận 2) nói.
Không chỉ chạy bất chấp trên đường, nhiều tài xế thậm chí còn dừng xe giữa đường, bất chấp có thể gây ra nguy hiểm cho người khác.
Ghi nhận của PV ở Xa Lộ Hà Nội, khu vực cửa ngõ TP.HCM cho thấy, bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng có nhiều container, xe tải lớn đậu lại bên đường. Thậm chí có những thời điểm, đoàn xe dừng đỗ kéo dài cả cây số.
Xa Lộ Hà Nội là tuyến giao thông huyết mạch nối Dĩ An (Bình Dương) và TP Biên Hòa (Đồng Nai) về TP.HCM, vì vậy không chỉ có ô tô hay xe có trọng tải lớn, lưu lượng xe máy qua khu vực này luôn được ghi nhận ở mức độ rất cao. Thế nhưng, việc đậu xe ngay giữa lòng lề đường sẽ khiến tầm nhìn của người tham gia giao thông bị hạn chế, dễ dẫn đến những tai nạn thảm khốc.
Thực tế, tình trạng này đã tồn tại từ lâu nhưng TP.HCM hiện vẫn chưa có biện pháp hợp lý quyết liệt để giải tỏa nỗi ám ảnh của người dân sinh sống nơi đây. Đặc biệt khi những vụ tai nạn giao thông do xe trọng tải lớn gây ra đang trở nên phổ biến và để lại hậu quả đau lòng.
Cơ quan chức năng thả nổi
Chia sẻ với VTC News, ông Bùi Văn Quản – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, có 3 vấn đề chính khiến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do các xe trọng tải lớn đang diễn ra ngày càng nhiều.
“Vấn đề thứ nhất chính là ý thức lái xe của tài xế, mà muốn nâng cao ý thức thì tài xế phải được tập huấn những chương trình của Bộ Giao thông Vận tải đề ra. Thứ 2 là việc thúc đẩy quản lý và đạo đức của các doanh nghiệp kinh doanh trong vấn đề đảm bảo an toàn cho xã hội.
Nhưng nếu không đi kèm với kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát, xử phạt thì lấy ai chấp hành, chính vì vậy thứ 3 là sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước. Cả 3 cái này phải đồng bộ 3 mới hạn chế được vấn đề tai nạn”, ông Quản cho biết.
Theo ông Quản, trong luật giao thông có quy định việc tài xế phải được tập huấn kỹ năng làm việc và quy định của luật pháp về quản lý của Nhà nước. Thời điểm mới đề ra, rất nhiều tài xế và doanh nghiệp hưởng ứng.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý gần như bỏ ngỏ khi chỉ đặt ra quy định rồi không kiểm soát chặt chẽ chứng chỉ tập huấn của doanh nghiệp nên từ đó hầu như không còn nhiều doanh nghiệp chấp hành.
“Không có cơ quan nào xử phạt việc không có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ tập huấn của tài xế. Từ đó mất đi ý thức của doanh nghiệp, ý thức của tài xế vì họ không còn cần đi học nữa”, ông Quản nhận định.
Đối với tình trạng container đậu rất nhiều ngoài các đường lớn, ông Quản cho rằng một phần nguyên nhân là do không đủ bãi tập kết xe.
“Đây là vấn đề quy hoạch của thành phố, dù quy hoạch bãi đỗ xe có rồi thì cũng không mang tính khả thi vì các doanh nghiệp không đủ sức để làm. Một chiếc xe đậu chiếm diện tích rất lớn, với giá đất hiện tại thì quy ra tiền không ai đầu tư nổi bãi xe.
Bài toán này chỉ có Nhà nước đủ sức, chứ doanh nghiệp làm sao tính được. Đa số họ đậu tạm bợ chỗ nào đó, người ta đuổi thì đi thôi. Doanh nghiệp có xe chạy còn không đủ ăn, tiền đâu để đầu tư bến bãi đậu”, ông Quản chia sẻ.
Bình luận