Công viên Thiên văn học nằm trên địa bàn phường Dương Nội (quận Hà Đông, TP Hà Nội) có tổng diện tích lên tới 12 ha. Đây là công viên ngoài trời đầu tiên ở Đông Nam Á lấy chủ đề thiên văn học gồm hồ Bách Hợp Thủy rộng 6 ha và nhiều hạng mục được xây dựng theo chủ đề thiên văn học kết hợp với cây xanh, hồ nước.
Khởi công xây dựng từ năm 2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 260 tỷ, công viên này từng được mệnh danh là đắt đỏ bậc nhất Hà Nội. Công viên Thiên văn học ngoài mục đích là phần ghép cho khu đô thị Dương Nội thì còn là một sân chơi đa tiện tích cho trẻ em, là nơi ươm mầm tình yêu thiên văn học, tình yêu vũ trụ cho lớp trẻ.
Công trình này cơ bản hoàn thành từ năm 2020 nhưng đến này vẫn chưa một lần mở cửa và dần trở nên xuống cấp.
Hơn 2 năm chưa đưa vào hoạt động, nhiều rào chắn hoen gỉ, cây cối mọc um tùm vì không được cắt tỉa thường xuyên, mọc tràn ra ngoài vỉa hè tạo cảm giác cũ kĩ cho công trình trăm tỷ này.
Ngoài ra, gạch ở một số nơi cũng đã bị bung, tróc.
Thường xuyên tập thể dục quanh khu vực Công viên Thiên văn học, bà Liên (sinh sống tại phường Dương Nội) cho biết: "Không gian bên trong rất đẹp, tạo điều kiện thích hợp cho người dân vào thư giãn, tập luyện. Bản thân tôi và hàng xóm đều hy vọng công viên nhanh chóng mở cửa. Nếu công viên Thiên văn học không được đưa vào sử dụng thì đó là sự tiếc nuối của tôi và cũng như nhiều người dân ở đây".
Bên trong công viên, các hạng mục gần như đã hoàn thiện.
Nơi đây sở hữu nhiều tác phẩm ngoài trời thú vị song người dân chưa bao giờ được vào tận nơi thưởng thức. Trong ảnh là khu vực quảng trường Ngân hà (Milky way) với mô hình các hành tinh xoay quanh hệ Mặt trời.
Khu vực quảng trường Ngân hà được rào chắn bằng dây thừng và gỗ chằng chịt nay cũng đã xuống cấp.
Hiện nay, người dân chỉ có thể đi tập thể dục bên ngoài hàng rào công viên và dưới lòng đường.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, Công viên Thiên văn học được xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị mới Dương Nội. Hiện cơ quan chức năng của Hà Nội đang kiểm tra xem có phù hợp với thực tế hay không rồi đưa vào sử dụng.
Bình luận