Tại Hội nghị thượng đỉnh vùng Caspi lần thứ V, diễn ra ở thành phố Aktau, Kazakhstan ngày 12/8 các nhà lãnh đạo của 5 nước vùng Biển Caspi, gồm: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedov, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và Tổng thống Iran Hasan Rouhani đã ký công ước mang tính bước ngoặt về quy chế Biển Caspi nhằm làm giảm căng thẳng khu vực cũng như mở đường cho các dự án thăm dò, khai thác dầu mỏ và khí đốt.
Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã gọi Hội nghị thượng đỉnh của các nước Caspi lần thứ V là một cuộc họp mang ý nghĩa kỷ nguyên.
"Hội nghị về tình trạng pháp lý của Biển Caspi, được chuẩn bị trong hơn 20 năm đàm phán, thiết lập quyền và trách nhiệm của các quốc gia về số phận của Biển Caspi, thiết lập các quy tắc rõ ràng cho việc sử dụng và khai thác chung”, ông Putin nói.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng công ước được ký kết và thông quan dựa trên sự đồng thuận cao từ tất cả các bên.
"Điều quan trọng là quy ước điều chỉnh rõ ràng các vấn đề phân định, nguyên tắc vận chuyển và đánh bắt, sửa đổi các nguyên tắc tương tác quân sự-chính trị của các quốc gia, đảm bảo việc sử dụng Biển Caspi chỉ nhằm các mục đích hòa bình và không cho phép hiện diện của lực lượng vũ trang các quốc gia ngoài khu vực", ông Putin nói thêm.
Công ước là tài liệu mang ý nghĩa lịch sử, đã được các quốc gia khu vực biển Caspi bàn thảo trong suốt 22 năm qua, từ năm 1996, quy định phân chia vùng đáy biển thành các khu vực, còn vùng nước chia thành các vùng nội địa và vùng khu vực, vùng đánh cá và vùng nước chung.
“Vận chuyển, khai thác thuỷ sản, nghiên cứu và lắp đặt đường ống dẫn nhiên liệu, khí đốt đều phải thực hiện tuân theo các quy tắc đã được các bên ký kết. Đối với các dự án có quy mô lớn bắt buộc phải xem xét tới yếu tố môi trường”, cơ quan báo chí Tổng thống Nga nói trích dẫn nội dung Công ước.
Đặc biệt trong Công ước Caspi có quy định rõ: “Không cho phép sự hiện diện trên vùng biển Caspi lực lượng vũ trang của các nước ngoài khu vực. Năm nước khu vực Biển Caspi có trách nhiệm duy trì an ninh hàng hải và quản lý các nguồn tài nguyên”.
Câu hỏi về tình trạng pháp lý của Biển Caspi được đặt ra từ sau khi Liên Xô tan rã, đòi hỏi phân định vùng Biển Caspi giữa 5 quốc gia khu vực.
Sự phức tạp của việc xác định tình trạng pháp lý của Biển Caspi liên quan tới việc Caspi được công nhận là biển hay hồ, chỉ khi đó các nguyên tắc sẽ được điều chỉnh bởi quy định của luật pháp quốc tế.
Tình trạng pháp lý chưa được giải quyết giữa các nước khu vực đã là một trong những trở ngại cho việc xây dựng các đường ống dẫn khí xuyên Caspi, sẽ cung cấp khí đốt cho châu Âu từ Turkmenistan qua Azerbaijan.
Biển Caspi là “biển hồ” lớn nhất trên thế giới tính về cả diện tích và thể tích. Diện tích mặt nước là 371.000 km² và thể tích 78.200 km³. Vì không tiếp giáp với đại dương nên xét về vị trí địa lý đây đúng là một hồ nước tuy được gọi là biển. Biển Caspi nằm giữa Nga ở bờ phía Bắc và Iran ở bờ phía Nam. Đông Tây giáp các nước Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaijan.
Bình luận