Công ty cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam - CMVietnam (mã chứng khoán CMS) chuyên nhận thầu xây dựng công trình hạ tầng trong nước và quốc tế.
Tại thị trường Việt Nam, CMVietnam không phải nhà thầu thi công lớn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, công ty này vẫn nhận được hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng tại các nước trên thế giới với giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi dự án.
CMVietnam được thành lập từ tháng 7/2007, khởi đầu trong lĩnh vực cung ứng nhân lực cho tổ hợp nhà thầu Nhật Bản Kumagai- Kajima tại Việt Nam. Sau đó, công ty phát triển và trở thành nhà thầu thi công các dự án hạ tầng trong nước và quốc tế.
CMVietnam đóng vai trò gì tại dự án thủy điện gặp sự cố?
CMVietnam đã và đang triển khai khoảng 24 dự án hạ tầng lớn, nhỏ cả trong và ngoài nước với tổng giá trị thi công trên 3.370 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là các dự án nhà máy thủy điện tại nhiều nước như Việt Nam, Malaysia, Lào và Ghi Nê Xích Đạo.
Tại Lào, Dự án thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy, nơi xảy ra sự cố vỡ đập ngày 24/7 khiến hàng trăm người mất tích và nhiều người có thể đã thiệt mạng, là một trong 3 công trình mà CMVietnam tham gia tại Lào với tư cách nhà thầu phụ. Hai dự án khác là Dự án mở rộng Thủy điện Nậm Ngừm 1 và Dự án nhà máy thủy điện Xayabury. Tổng giá trị của 3 gói thầu này là 417,7 tỷ đồng.
Trong dự án thủy điện gặp sự cố mới đây, CMVietnam đã ký hợp đồng với Tổng thầu SK Engineering & Construction (Hàn Quốc) thi công gói 9 với giá trị hợp đồng là 171 tỷ đồng, triển khai trong vòng 3 năm từ 2014 và kết thúc năm 2017. Công ty sẽ phụ trách hạng mục đào, đắp, bê tông nhà máy, đường ống áp lực và trạm phân phối điện.
Dự án có giá trị 830 triệu USD được đầu tư bởi Liên doanh gồm Chính phủ Lào (24%), các Công ty Hàn Quốc SK Engineering & Construction (26%) và Korean Western Power (25%), Công ty Thái Lan Ratchaburi Electric Generating Holding PLC (25%).
Đây là dự án nằm trên sông Xe Kong dài 480km bắt nguồn từ sườn phía đông dãy Trường Sơn tại tỉnh Thừa Thiên Huế chảy qua Nam Lào sang Campuchia rồi nhập vào sông Mekong. Đoạn sông trong vùng xây dựng đập có địa hình dốc, chênh nhau 800m. Nhà máy thủy điện gồm 3 tuabin dự kiến hoàn thành năm 2019 và 90% sản lượng điện sẽ xuất khẩu sang Thái Lan.
Là công ty Việt Nam liên quan đến dự án, tuy nhiên, CMVietnam không phải nhà thầu chính mà chỉ đảm nhiệm thi công đào, đắp, bê tông Nhà máy, đường ống áp lực và trạm phân phối điện, từ năm 2014 đến năm 2017.
Trong khi đó, tại Dự án thủy điện Xayabury, CMVietnam ký hợp đồng với đối tác Ch. KarnChang của Thái Lan với công việc thi công bê tông các hạng mục theo từng giai đoạn kể từ tháng 3/2013. Tổng giá trị thi công là 112 tỷ đồng trong thời gian 24 tháng. Hợp đồng tương tự được ký kết tại Dự án mở rộng Thủy điện Nậm Ngừm 1, với gói thầu trị giá 5,8 triệu USD.
Ngoài ra, CMVietnam đã và đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giá trị lớn khác như Dự án hầm giao thông Đại lộ Đông Tây (Algeria) trị giá gần 462 tỷ đồng; Dự án thủy điện Sendje (Ghi Nê Xích Đạo) trị giá 443 tỷ đồng…
CMVietnam làm ăn ra sao tại Việt Nam?
CMVietnam có số vốn điều lệ chỉ hơn 172 tỷ đồng, thuộc dạng nhỏ so với những nhà thầu thi công hạ tầng tại Việt Nam (như Fecon 410 tỷ đồng; Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM 2.800 tỷ đồng…) Việc nhận được nhiều gói thầu thi công lớn tại các nước trên thế giới cũng được xem là một thành công với doanh nghiệp này. Những dự án này hàng năm đều mang về cho nhà thầu khoản doanh thu dao động 300 - 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận mà công ty này thu về chưa năm nào vượt quá mức 20 tỷ đồng.
Trung bình với các doanh nghiệp thi công hạ tầng, biên lợi nhuận ròng trên doanh thu vào khoảng xấp xỉ 10% thì với CMVietnam chỉ 5-6%. Thậm chí, trong 2 năm gần nhất, biên lãi ròng của công ty giảm xuống còn trên dưới 1%. Trong năm 2016-2017, tổng lãi ròng CMVietnam thu về chỉ gần 9 tỷ đồng, chưa bằng 1/2 so với năm 2015 trước đó.
Trong quý I vừa qua, công ty cũng chỉ thu về 51 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương 1/4 cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn tương đương cùng kỳ khiến CMVietnam chỉ thu về vỏn vẹn 629 triệu đồng lãi ròng, trong khi mức lãi cùng kỳ là 2 tỷ.
Tính đến cuối tháng 3, CMVientnam cũng đang có tổng cộng 77 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính, với 72 tỷ đồng ngắn hạn. Trong đó, chủ nợ lớn nhất hiện nay của CMVietnam là MBBank với khoản cho vay ngắn hạn 35,2 tỷ đồng, sau đó là Vietinbank với 14 tỷ đồng; LienVietPostBank với 11 tỷ đồng…
Khác với các nhà thầu thi công có tiếng tại Việt Nam, cơ cấu cổ đông chủ yếu của CMVietnam nằm trong tay các cá nhân là lãnh đạo công ty, trong đó ông Phạm Minh Phúc, Chủ tịch HĐQT sở hữu 24,07% vốn. Hàng loạt cổ đông cá nhân khác như Phạm Văn Luy; Phạm Văn Tùng; Phạm Văn Sỹ; Nguyễn Khánh Linh; Nguyễn Văn Kiên… sở hữu từ 6 - 9% vốn doanh nghiệp mỗi người.
Video: Vỡ đập thủy điện ở Lào: 5 tỷ mét khối nước nhấn chìm 6 ngôi làng ở hạ lưu
Bình luận