Ma, 27 tuổi, gần đây đã thôi việc biên tập viên tại một công ty internet tư nhân ở Bắc Kinh để chuyển sang làm công việc "tô sắt" - một cách dùng từ ở Trung Quốc để miêu tả vị trí công việc an toàn - tại một công ty truyền thông nhà nước.
Quyết định thôi việc của Ma, khiến người giám sát trực tiếp và đồng nghiệp của cô ngạc nhiên. Nhưng người quản lý của cô nói rằng anh ta đã biết cô đang tìm kiếm một việc làm khác từ năm ngoái, khi Ma cập nhật lý lịch của mình trên các trang web tìm kiếm việc làm.
“Sao có thể như vậy được?”, Ma thắc mắc.
Ma đã hết sức ngăn sếp biết việc đang tìm kiếm một công việc khác. Cô cập nhật lý lịch tại nhà trên máy tính cá nhân, lên lịch tất cả các cuộc phỏng vấn trực tuyến, không bao giờ yêu cầu nghỉ làm để đi phỏng vấn và thực hiện công việc của mình như bình thường.
Cho đến gần đây, Ma nghĩ rằng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc.
Truyền thông gần đây tiết lộ rằng một số công ty đang sử dụng phần mềm của Sangfor, một công ty công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến, để theo dõi các hoạt động tìm việc của nhân viên.
“Công ty của tôi có thể đang sử dụng cùng một phần mềm hoặc người quản lý của tôi đã biết về chuyện tôi tìm việc làm thông qua mạng lưới cá nhân của các nhân sự”, Ma nói.
Dù bằng cách nào, Ma cũng nhận ra rằng sếp cô đang theo dõi sát sao nhân viên của mình.
Theo ảnh chụp màn hình được đăng trực tuyến, phần mềm theo dõi hồ sơ của một người và các trang web tìm kiếm việc làm mà họ truy cập. Dựa trên dữ liệu, phần mềm chạy phân tích hoạt động tìm việc và sẽ gắn nhãn bằng màu cam đối với người "bị nghi ngờ" có ý định nghỉ việc.
Theo các nhân viên, việc giám sát phổ biến hơn ở các công ty lớn của Trung Quốc. Nhiều người tin rằng đã bị cấp trên giám sát ngay cả trước khi có thông tin về phần mềm trên.
Một lập trình viên mới nghỉ việc ở ByteDance, công ty sở hữu TikTok, cho biết: “Nói chung, máy tính bạn đang sử dụng được cài đặt một số cái gọi là phần mềm bảo mật để giám sát tất cả các hành động của bạn. Công ty hoàn toàn có thể ghi lại bất kỳ dữ liệu nào về bạn miễn là bạn kết nối với mạng nội bộ”.
Vì việc định ra và áp dụng các quy tắc cuối cùng do công ty quyết định, các nhân viên không có lựa chọn nào khác ngoài việc thận trọng.
Theo một nhân viên khác của ByteDance, anh ta hiếm khi đăng bài trên các nền tảng mạng xã hội như WeChat, Weibo và thậm chí là Maimai, nơi cho phép nhân viên của ByteDance giao tiếp ẩn danh.
“Mặc dù được tuyên bố là ẩn danh, nhưng vẫn có khả năng bạn bị phát hiện”, anh nói.
Ngoài công nghệ, mạng lưới các giám đốc điều hành cũng là một “vũ khí” khác trong tay các công ty.
Năm ngoái, một lập trình viên Pinduoduo - nền tảng công nghệ tập trung vào nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc - đã bị sa thải sau khi đăng ẩn danh hình ảnh một chiếc xe cấp cứu chờ bên ngoài tòa nhà công ty trên Maimai với chú thích: “Một người đàn ông mạnh mẽ khác đã ngã xuống”.
Bị theo dõi đã trở nên phổ biến trong lĩnh vực công nghệ đến mức nhiều người chấp nhận nó như một phần điều kiện làm việc bình thường.
“Có vẻ như một khi bạn gia nhập công ty, thì phải chấp nhận thực tế như vậy”, một nhân viên Didi giải thích. “Nó dần trở thành sự tự giám sát trong tiềm thức của tôi trước mọi hành động. Chẳng hạn, tôi có thể sẽ dành 0,1 giây để suy nghĩ xem một số thông tin nên được gửi đến nơi nào và không nên gửi đến nơi nào”.
Theo Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân, được thực hiện ở Trung Quốc đại lục vào tháng 11/2021, các công ty cần thông báo cho nhân viên của họ về việc giám sát và nhận được sự đồng ý, nếu không sẽ cấu thành hành vi xử lý bất hợp pháp thông tin cá nhân.
Tuy nhiên, theo Shi Yuhang, một luật sư từ Công ty Luật Huiye có trụ sở tại Thượng Hải, phạm vi ứng dụng của luật này vẫn chưa rõ ràng.
“Tôi tin rằng khi số lượng vụ việc tăng lên, sẽ có thể thấy rõ ràng hơn ranh giới ở đâu và hỗ trợ người lao động bảo vệ quyền riêng tư của họ”, Shi nói.
Bình luận