Tháng 5/2013, Công ty cổ phần Sông Mã (Công ty Sông Mã) cổ phần hóa thành công. Theo phương án cổ phần hóa do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng ký khi đó, Công ty Sông Mã có vốn điều lệ 35 tỷ đồng tương ứng với 3.500.000CP phát hành với mệnh giá 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước sẽ giữ 395.000CP (11,29% vốn), cổ phần ưu đãi cho người lao động là 42.200CP (1,29%), cổ phần bán ra bên ngoài là 3.062.800CP (87,51% vốn).
Sau đó, Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát của ông Trịnh Xuân Nghiệm đã mua 87,51% vốn của Sông Mã để trở thành cổ đông lớn nhất và sở hữu công ty này.
Trước cổ phần hóa, Công ty Sông Mã sở hữu các đơn vị như: Xí nghiệp xây dựng số 7; Xí nghiệp xây dựng số 9; Đội xây dựng số 10; Đội xây dựng số 11; Đội xây dựng số 12; Đội xây dựng số 14; Đội Xây dựng số 15; Cửa hàng ăn uống Nam Bắc Thành.
Ngoài ra, công ty này còn tham gia góp vốn vào 9 công ty liên doanh liên kết như: Công ty cổ phần xây dựng Sông Mã số 2 (9,8%); Công ty cổ phần xây dựng Sông Mã số 3 (22,7%); Công ty cổ phần xây dựng Sông Mã số 6 (20,6%); Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Sông Mã (20%); Công ty cổ phần Chợ Lam Sơn (10,1%); Công ty cổ phần Xe khách Thanh Hóa (17,8%); Công ty cổ phần ăn uống Phù Đổng (13,2%); Công ty cổ phần sản xuất vật liệu Tự Lực (3,6%) và Công ty cổ phần xây dựng Sông Mã số 8 (25%).
Tổng số tiền Công ty Sông Mã góp vào các doanh nghiệp này là 62,9 tỷ đồng (gấp 1,8 lần so với vốn điều lệ).
Bên cạnh đó, Công ty Sông Mã cũng đang thực hiện hàng loạt dự án lớn trên địa bàn TP Thanh Hóa như:
Dự án đường vành đai Đông Tây, thành phố Thanh Hóa được phê duyệt và giao cho Công ty Sông Mã làm chủ đầu tư theo Quyết định số 359/QĐ-CT, ngày 13/02/2004 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư: 310.385.000.000 đồng. Tổng mức đầu tư tính theo đơn Nhà nước vào tháng 08/2009 là 555.763.796.000 đồng.
Dự án Quảng trường Lam Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa giao Công ty Sông Mã làm chủ đầu tư dự án Quảng trường Lam Sơn theo Quyết định số 1635/QĐ-CT ngày 20/06/2005. Các hạng mục xây dựng chính như Quảng trường Lam Sơn, Kỳ đài, đài phun nước, trường THCS Điện Biên, trường Xây dựng Thanh Hóa, trụ sở công an PCCC, các khu tái định cư cho Công ty Cao su, Công ty 473, tái định cư Đông Bắc Ga,… Tổng mức đầu tư của dự án là 147.328.137.000 đồng.
Khu đô thị Đông Phát được Công ty Sông Mã khởi công xây dựng từ năm 2004, dự án bao gồm 21 nhà chung cư 5 tầng với tổng số 1.120 căn hộ. Đến cuối tháng 08/2009. Công ty đã xây dựng xong 19/21 nhà chung cư, 1 nhà xây dựng đến tầng 14 với 1.018 căn hộ.
Dự án khu đô thị mới Đông Phát là dự án có tính chất xã hội cao. Kinh phí thực hiện dự án được huy động từ nguồn khai thác quỹ đất của dự án, nhưng kinh phí này không đủ nên UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương hỗ trợ cho ngân sách thành phố 50% kinh phí chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, Công ty Sông Mã còn sở hữu rất nhiều bất động sản trên địa bàn TP Thanh Hóa như: Văn phòng công ty 469 – Lê Hoàn – TP Thanh Hóa (1.740m2); Khu phía sau văn phòng công ty (1.182m2); Nhà hàng Nam Bắc Thành - 53 Triệu Quốc Đạt - TP Thanh Hóa (873m2); Công viên thể thao - P. Trường Thi. TP Thanh Hoá (16.287m2); Khu đất bán Đông Phát (731m2); Khu Đông Vệ (30.792m2); Khu Bào Ngoại (1.764m2); Khu Đông Hương (2.745m2);…
Có thể nói, các yếu tố trên là những tiền đề quan trọng giúp Công ty Sông Mã “bứt phá” sau cổ phần hóa.
Chính vì vậy, sau cổ phần hóa Công ty Sông Mã đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng thực hiện dự án Trung tâm văn hóa Trường Thi “không vì lợi nhuận”. Ngoài ra, công ty này còn thừa cả xe cho Bí thư TP Thanh Hóa - Nguyễn Xuân Phi sử dụng mà không biết – như ông Lê Văn Tám từng trả lời báo chí.
Công ty Sông Mã dưới sự quản lý của Công ty Anh Phát đã có những bước tiến lớn.
Video: 1 năm sau cổ phần hóa, Hãng Phim truyện Việt Nam giờ ra sao?
Từng trả lời báo chí, ông Lê Văn Tám cho biết, năm 2016 Công ty cổ phần Sông Mã giải quyết nhiều tồn đọng các năm trước, ổn định tổ chức, tạo nhiều việc làm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và bảo hiểm cho người lao động, qua đó lấy lại hình ảnh, thương hiệu sau những năm khó khăn cũng như tạo ra được khí thế mới để đưa Công ty phát triển trong những năm tới.
Điều đó thể hiện qua nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra trong năm như: doanh thu 130 tỷ đồng, nộp ngân sách 13 tỷ đồng, tạo việc làm cho 335 lao động với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy kết quả đạt được trong năm 2017, Công ty tiếp tục sắp xếp lại bộ máy, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ qua các khóa đào tạo, tích cực mở rộng liên doanh, liên kết, đa dạng hóa ngành nghề để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Trước mắt là tập trung mọi điều kiện, phương tiên để hoàn thành dự án Đại lộ Đông Tây (đoạn từ Quốc lộ 1A đến sông nhà Lê), triển khai dự án Khu đô thị Hồ núi Long.
Đang trong đà “ăn nên làm ra”, bất ngờ, Công ty Anh Phát thoái sạch vốn tại Sông Mã một cách khó hiểu.
Bình luận