Japan Display Inc. mới đây đã trình diễn công nghệ ZINNSIA, có thể chuyển đổi nhiều loại vật liệu thành bề mặt cảm ứng điện dung. Theo đó, tại triển lãm CEATEC 2024 ở Makuhari Messe gần Tokyo, công ty đã mời khách hàng thử trải nghiệm cảm ứng tương tác với các vật liệu như gỗ, đá, thạch cao, vải và thậm chí là lông.
Thậm chí, công ty này còn đưa công nghệ cảm ứng lên thú nhồi bông và cây cảnh trong nhà, khiến chúng phát ra một số tiếng động khi được chạm vào.
Đây không phải lần đầu tiên công nghệ cảm ứng xuất hiện trên mọi bề mặt. Tuy nhiên, trước đây chúng có thể sử dụng camera (như Xbox Kinect) để phát hiện tương tác giữa người dùng với bề mặt, kèm theo nhiều nhược điểm.
Công nghệ ZINNSIA của JDI sử dụng cảm biến điện dung có thể duy trì độ chính xác và độ nhạy, ngay cả khi xử lý các vật liệu dày và ngay cả khi vật thể có hình dạng, bề mặt không đều.
Tại triển lãm, công ty trưng bày một bề mặt lông cảm ứng kết nối với laptop mà khi chạm vào, chú mèo trên màn hình có thể phản ứng theo nhiều cách khác nhau tùy vào thao tác
Triển lãm JDI bao gồm một loạt các vật liệu cảm ứng sử dụng công nghệ ZINNSIA của công ty. 6 mẫu được thiết lập để khách tham quan triển lãm có thể tương tác với bất kỳ mẫu nào trong số chúng để bật và tắt đèn hoặc làm mờ đèn theo các mức độ khác nhau.
Thậm chí, công nghệ ZINNSIA có thể được điều chỉnh để người dùng không cần trực tiếp chạm vào bề mặt - có thể ích lợi khi sử dụng điều khiển đèn và cửa trong phòng tắm hoặc nơi bề mặt nhám.
Đối với mô hình cây cảnh áp dụng ZINNSIA, nó có thể phát ra âm thanh khi người dùng chạm vào lá. Với việc công nghệ của JDI hiện có vẻ khá hoàn thiện, tiềm năng thương mại hóa của ZINNSIA là rất rộng lớn, nhất là đối với vật nuôi thông minh, điều khiển nhà thông minh...
CEATEC là một trong những triển lãm đổi mới sáng tạo về kỹ thuật số hay nhất tại Nhật và chủ đề năm 2024 là đưa mọi người “hướng tới Xã hội 5.0” bằng cách cân bằng giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.
Bình luận