Với thành tích giành Huy chương Vàng SEA Games 30, đội tuyển nữ Việt Nam được các doanh nghiệp và cá nhân hứa thưởng đến 24 tỉ đồng. Sau khi thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung về nước, VFF tổ chức buổi gặp mặt và mời các Mạnh Thường quân đến trao thưởng cho đội tuyển nữ.
Tại cuộc gặp mặt này, Công ty Đức Giang trao bảng danh vị ghi số tiền 500 triệu đồng cho đại diện đội tuyển nữ là huấn luyện viên Mai Đức Chung. Tuy nhiên đến nay, trong khi tất cả các đơn vị, doanh nghiệp trao thưởng đã chuyển tiền thì còn duy nhất Đức Giang vẫn chưa trao thưởng.
Lãnh đạo doanh nghiệp này đưa ra yêu cầu phải cung cấp danh sách chia thưởng từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thì mới thực hiện việc chuyển tiền. Tuy nhiên, phía đội tuyển không đồng ý.
Huấn luyện viên Mai Đức Chung cũng tuyên bố đội nữ Việt Nam xin từ chối nhận khoản tiền thưởng của Công ty Đức Giang. Báo Lao Động dẫn lời huấn luyện viên Mai Đức Chung cho biết, đội nữ Việt Nam xin từ chối nhận khoản tiền thưởng bởi cách thưởng kiểu "ban ơn" của doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang có tiền thân là Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, một công ty con của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Năm 2019, lợi nhuận của doanh nghiệp này có dấu hiệu sụt giảm. Lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 của Đức Giang chỉ đạt 116,6 tỷ đồng, giảm 127,9 tỷ đồng, tương ứng 52,3% so với quý 3/2018; Lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 397 tỷ đồng, giảm 222 tỷ đồng, tương ứng 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu sụt giảm là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận công ty lao dốc. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch quý 3/2019 của Đức Giang đạt 1.154,7 tỷ đồng, giảm 347,9 tỷ đồng, tương ứng 23,2% so với quý 3/2018; Lũy kế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 3.642,5 tỷ đồng, giảm 686,2 tỷ đồng, tương ứng 15,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Giải thích cho đà sụt giảm doanh thu này, Đức Giang cho biết nguyên nhân là do tình hình tiêu thụ các sản phẩm Phốt pho vàng (P4) và Axit trích ly (WPA) giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Việc giảm tiêu thụ P4 là do cuộc chiến thương mại Mỹ Trung dẫn tới mặt hàng điện thoại di động và các mặt hàng điện tử khác giảm về số lượng. Còn việc giảm tiêu thụ WPA là do tình hình sản xuất nông nghiệp trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi, sản xuất cung vượt cầu.
Có thể thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đã tác động rất nhiều tới Đức Giang. Nhiều khả năng, biến động này đang và sẽ tiếp tục lấy đi nhiều doanh thu của doanh nghiệp vì cuộc chiến này dù đã lộ diện thỏa thuận giai đoạn 1 nhưng giới đầu tư chưa kỳ vọng nhiều vì các thông tin chi tiết chưa được tiết lộ.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng mạnh tay cắt giảm nhiều chi phí. Trong quý 3, chi phí bán hàng tại Đức Giang giảm 22,2 tỷ đồng, tương ứng 29% xuống 54,3 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm, giảm 42,9 tỷ đồng, tương ứng 22,3% xuống 149,4 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 3 đạt 23 tỷ đồng, giảm 900 triệu đồng, tương ứng 3,8% so với quý 3/2018. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm chi phí này lại tăng từ 60 tỷ đồng lên 67 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, Đức Giang mới mạnh tay cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 3 vừa qua.
Có lẽ nợ vay đang trở thành gánh nặng của Đức Giang nên trong kỳ, công ty đã dồn tiền mặt để thanh toán nợ nần. Điều đó giúp vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm từ 1.133,1 tỷ đồng hồi đầu năm 2019 xuống còn 703,5 tỷ đồng. Điều đó giúp chi phí lãi vay trong quý 3 giảm từ 5,7 tỷ đồng xuống còn 5,4 tỷ đồng.
Tại Đức Giang, ông Đào Hữu Huyền vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc vừa là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 11,65% vốn công ty. Các thành viên trong gia đình ông Huyền cũng nắm giữ tỷ lệ vốn không nhỏ tại Đức Giang.
Cụ thể, ông Đào Hữu Kha, bà Ngô Thị Ngọc Lan, hai người em của ông Huyền nắm giữ 3,5% và 3,45% vốn Đức Giang. Đào Hữu Duy Anh và Đào Hồng Hạnh, các con ông Huyền sở hữu 0,62% và 0,5% vốn công ty. Ngoài ra, vợ, em dâu, em gái của ông Huyền đều là cổ đông của Đức Giang.
Bình luận