(VTC News) – Mặc dù công ty bết bát, thậm chí thua lỗ ngàn tỷ đồng, nhiều lãnh đạo vẫn ung dung nhận lương bạc tỷ trong năm 2015.
Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) có lẽ đang là “ông lớn” bết bát nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Sau khi nhiều đại gia khác dần phục hồi, PVX vẫn đang chật vật. Sau 2 năm thua lỗ ngàn tỷ, PVX đã đạt lợi nhuận dương. Tuy nhiên, con số này rất khiêm tốn. Lợi nhuận sau thuế 2014 và 2015 lần lượt chỉ đạt 15,4 tỷ đồng và 24 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng nợ của PVX lên tới gần 12.000 tỷ đồng, nhiều gấp 42, lần vốn chủ sở hữu. Vì vậy, hàng năm, PVX phải trả hàng trăm tỷ đồng tiền lãi vay. Chi phí tài chính đã ăn mòn lợi nhuận của PVX.
Trong bối cảnh đó, PVX vẫn trả lương rất khủng cho dàn lãnh đạo. Tổng thù lao Hội đồng quản trị nhận được là hơn 2,9 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi lãnh đạo nhận 580 triệu đồng/người/năm, tương đương 48,3 triệu đồng/người/tháng. Người lao động của PVX được trả 9,55 triệu đồng/người/tháng trong năm 2015. Dự kiến 2016, người lao động PVX được nhận 10,95 triệu đồng.
Công ty bết bát, lãnh đạo vẫn nhận lương bạc tỷ |
Chủ tịch Hội đồng quản trị PVX xin lỗi cổ đông và mong cổ đông đánh giá đầy đủ bởi đây là giai đoạn khó khăn với ngành dầu khí nói chung và PVX đang chịu tác quá nhiều tác động. Lãnh đạo PVX cho biết công ty sẽ vừa cân đối đảm bảo phát triển bền vững vừa bảo vệ tối đa những gì đưa lại được cho cổ đông.
Gần đây, ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) cũng bị cổ đông phản ứng vì ngân hàng kinh doanh kém hiệu quả, trả cổ tức thấp (1-2%) nhưng lương lãnh đạo lại cao ngất, chiếm tới 8-9% lợi nhuận.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank giải thích tình hình thị trường nhiều năm gần đây khó khăn. Các cổ đông lớn như Maybank và IFC tham gia điều hành ABBank cũng mong muốn chia cổ tức 10% nhưng không được.
Ông Tiền “thanh minh” cổ tức của ABBank không quá thấp. Ngoài cổ tức bằng tiền 3,9%, ngân hàng còn chia cổ tức bằng cổ phiếu nữa nên tổng chia cho cổ đông lên tới 13%.
“Về thù lao Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát tôi đã giải thích nhiều năm rồi. Chi trả thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát của ABBank không phải là lớn, chúng tôi bám sát tình hình thực tế. Tôi nói với anh em năm nay tình hình khó khăn như thế thì nên chia sẻ, gánh vác với ngân hàng, với cổ đông” – Ông Tiền cho rằng thù lao ban lãnh đạo không cao như cổ đông nghĩ.
Không bết bát như PVX nhưng Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PVC) gặp nhiều khó khăn trong năm 2015. Năm qua, lợi nhuận PVC giảm tới 50% và chỉ đạt 105,5 tỷ đồng. Doanh thu của PVC đang giảm đều theo năm.
Thế nhưng, có tới 2 sếp PVC đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng. Đó là ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Tôn Anh Thi, Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Thù lao mà 2 người đứng đầu PVC nhận được lần lượt là 1,05 tỷ đồng và 1,03 tỷ đồng. Ngoài ra, có khá nhiều sếp lớn khác của PVC đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Tính đến 2015, Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN) còn lỗ lũy kế hơn 585 tỷ đồng. TVN tiếp tục không chia cổ tức. Vì vậy, TVN thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá. Chốt phiên 28/4, TVN dừng ở mức 8.700 đồng/CP.
Tuy nhiên, năm 2015, dàn lãnh đạo TVN vẫn nhận 4,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kế hoạch đề ra trước đó. Chủ tịch Hội đồng quản trị là người có thu nhập cao nhất (514,8 triệu đồng). Tổng giám đốc nhận 499,2 triệu đồng.
VCF của Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa là cổ phiếu rất được chú ý trên sàn chứng khoán. Có thời điểm VCF “vô địch” về thị giá. Thế nhưng năm 2015, lợi nhuận sau thuế của VCF sụt giảm mạnh, từ 401,4 tỷ đồng năm 2014 xuống 295,4 tỷ đồng năm 2015.
Dù vậy, ban lãnh đạo VCF vẫn nhận mức lương rất "khủng". Chủ tịch Hội đồng quản trị VCF được nhận 1,45 tỷ đồng. Các thành viên Hội đồng quản trị còn lại nhận 20 triệu đồng/người/tháng, tương ứng 240 triệu đồng/người/năm.
Thanh Hà
Bình luận